Nỗ lực bình ổn thị trường gạo trong nước
Sau khi giá gạo xuất khẩu tăng, giá gạo ở hầu hết chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đều tăng nhưng tại các siêu thị vẫn giữ giá bán gạo ổn định. Cũng trong thời gian này, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tăng cường kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, bán hàng không đúng giá niêm yết.
Giá gạo tăng, nguồn cung hạn chế
Theo thông tin từ VOV.vn, những ngày gần đây, sau khi giá gạo xuất khẩu tăng, giá gạo ở hầu hết chợ truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh đều tăng. Nguồn cung gạo từ các tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long cho các chợ truyền thống ở TP cũng hạn chế hơn trước. Tuy nhiên, nhiều hệ thống siêu thị, điểm bán hàng bình ổn thị trường, giá gạo vẫn giữ ổn định, thực hiện tốt chương trình bình ổn.
Giá gạo tại hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng giá
Cụ thể, theo khảo sát của phóng viên VOV.vn, tại chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh; chợ Phước Long, TP Thủ Đức, chợ Tân Định, Quận 1, nhiều tiểu thương cho biết khoảng 1 tuần nay, giá gạo các loại đều tăng, từ phân khúc bình dân đến cao cấp. Giá gạo tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg.
Chị Loan bán gạo ở chợ Phước Long, TP.Thủ Đức cho biết, gạo ST24, ST25 trước đây chị bán 27.000-28.000 đồng/kg, hiện tại là 30.000 đồng/kg. Còn gạo 504, gạo bụi hồng là loại gạo bình dân được nhiều người lao động, quán cơm và bếp ăn tập thể mua nhiều, trước đây giá gạo từ 14.000-15.000 đồng/kg, giờ giá bán 16.000-17.000 đồng kg.
“Gạo gì cũng lên giá, ngay cả gạo tẻ thường trước đây không lên giá, nhưng giờ cũng lên. Giá gạo mỗi ngày mỗi giá, mình đặt hàng họ nói giá gạo tăng nên cũng không có hàng khi nào có mới giao hàng”, chị Loan nêu thực tế.
Giá gạo tăng nên một số người mua nhiều hơn trước để dự trữ, trước đây mỗi lần họ mua khoảng 10kg-20kg dùng cho 1 tháng, thì hiện nay mua 40-50kg. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, nguồn cung gạo từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long cho TP hạn chế hơn trước. Trước đây, họ đặt gạo ngày hôm trước hôm sau đã có hàng, số lượng bao nhiêu cũng có, nhưng giờ muốn mua nhiều cũng khó.
Hệ thống siêu thị vẫn giữ giá gạo ổn định
Khác với chợ truyền thống, hiện nay nhiều siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ giá bán gạo ổn định. Đại diện SaiGon - Coop cho biết, nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo tại hệ thống siêu thị và các điểm bán của doanh nghiệp này vẫn ổn định. Gạo là mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường của thành phố, vì vậy hệ thống siêu thị và 800 điểm bán của Saigon Co.op không chỉ giữ giá bán gạo ổn định mà đang có nhiều chương trình khuyến mãi. Lượng gạo dự trữ hàng tháng của Saigon Co.op là khoảng 1.270 tấn đã tăng lên 1.800 tấn trong 3 tháng Tết năm 2024. Trong thời gian tới, dù thị trường có biến động, Saigon Co.op và các nhà cung cấp vẫn phối hợp giữ, giảm giá để thiết thực chia sẻ với người tiêu dùng.
Khác với chợ truyền thống, hiện nay nhiều siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ giá bán gạo ổn định và có nhiều chương trình khuyến mãi
Tương tự, tại MM Mega Martket - siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài, trước biến động giá gạo, phía siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp gạo. Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Makerting MM Mega Martket cho biết, nhiều nhà cung cấp gạo thông báo sẽ tăng giá gạo từ tuần thứ 3 của tháng 8 này với mức tăng giá từ 5%-20%. Để tiếp tục giữ giá bán gạo ổn định, siêu thị sẽ chuyển sang đặt hàng những nhà cung cấp khác có giá ổn định và tăng thêm số lượng gạo dự trữ từ 20-30% theo yêu cầu của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh.
“Để đảm bảo nguồn cung gạo dự trữ dồi dào, siêu thị đang dịch chuyển đơn đặt hàng qua nhà cung cấp gạo, chủ yếu là đặt hàng qua các đơn vị bình ổn thị trường, họ giữ giá gạo bán cho khách hàng không tăng giá. Đồng thời, siêu thị tăng thêm nguồn gạo dự trữ theo yêu cầu của Sở Công Thương thành phố mới đây”, ông Khôi cho biết thêm.
Hiện nay, giá gạo ở các chợ truyền thống TP.HCM tăng, tuy nhiên đây là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thuộc Chương trình Bình ổn thị trường của thành phố, nên vẫn được tiêu thụ với giá bán ổn định tại kênh bán hàng bình ổn thị trường, đáp ứng tốt nguồn cung cho người tiêu dùng.
Nỗ lực bình ổn thị trường gạo
Trước đó, trong bối cảnh thị trường gạo thế giới có nhiều biến động phức tạp trong giai đoạn hiện nay, để bảo đảm ổn định thị trường gạo trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đề nghị doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc chủ trương của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.
Các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo phải tuân thủ quy định về thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, duy trì mức dự trữ, lưu thông theo quy định... trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.
Đối với doanh nghiệp bình ổn thị trường các mặt hàng gạo, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy chế chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố, đồng thời chủ động triển khai kế hoạch đảm bảo nguồn hàng, cung ứng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống.
Song song đó, doanh nghiệp bình ổn thị trường đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính công bố.
Hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bình ổn thị trường, doanh nghiệp cung ứng gạo... trong bán lẻ các mặt hàng gạo trên tinh thần hỗ trợ, chia sẻ và ổn định nguồn cung trong dài hạn. UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng gạo trên địa bàn, kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa trên địa bàn.
Ngay sau Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cũng đã có công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Trong công văn, lãnh đạo Tổng cục yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến cung - cầu, giá bán của mặt hàng gạo để xây dựng phương án kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần ổn định thị trường.
Đồng thời đề nghị, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường theo dõi sát thị trường giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm gàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Mặt khác, tăng cường lực lượng kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Được biết, trong những ngày qua, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã tăng cường quân số, kiểm tra, nắm bắt tình hình thị trường, ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, bán hàng không đúng giá niêm yết.
THEO TẠP CHÍ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.