• Click để copy

Nỗ lực sản xuất, tăng dự trữ hàng hóa thị trường Tết

Các doanh nghiệp ngành hàng lương thực, thực phẩm (LTTP), nhà bán lẻ khu vực phía Nam đang “chạy hết công suất” để bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán 2023. Các địa phương còn tạo điều kiện để liên kết, đẩy mạnh kết nối cung cầu, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cho thị trường.

Tăng tốc sản xuất, tăng hàng dự trữ

Những ngày này, các phân xưởng, dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) nhộn nhịp không khí lao động với các đơn hàng, mặt hàng sản phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán 2023.

Công nhân, người lao động của công ty đang phấn đấu đạt và vượt kế hoạch cung ứng ra thị trường 2.000 tấn thực phẩm tươi sống và gần 4.200 tấn thực phẩm chế biến. Từ tháng 6-2022, công ty đã triển khai dự trữ nguyên vật liệu để sản xuất, chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa phục vụ người tiêu dùng dịp Tết. Hiện Vissan đang có hơn 120.000 điểm bán hàng chế biến trên cả nước với khoảng 120 nhà phân phối. Riêng hàng tươi sống chủ yếu tập trung tại thị trường TP Hồ Chí Minh với khoảng 800 điểm bán. 

Nỗ lực sản xuất, tăng dự trữ hàng hóa thị trường Tết

Công nhân làm việc tại các phân xưởng sản xuất hàng hóa cho thị trường Tết tại Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan). Ảnh: BÍCH TRÂM 

Theo ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vissan: Đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nguồn thực phẩm phục vụ Tết với tổng trị giá hơn 700 tỷ đồng, tăng khoảng 21% so với Tết Nhâm Dần 2022.

Là doanh nghiệp chuyên về mặt hàng bánh kẹo, theo ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bibica, đối với các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, dịp Tết là mùa sản xuất, kinh doanh quan trọng. Vì vậy, cùng với tăng năng suất lao động, doanh nghiệp luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm, hình thức bao bì. Để chuẩn bị phân phối hàng hóa cho hàng nghìn điểm bán vào dịp Tết, doanh nghiệp đã tăng sản lượng thêm 70% so với cùng kỳ năm trước.

Tìm hiểu tại các đơn vị ngành hàng LTTP như: Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn, Công ty Cổ phần Ba Huân... việc cung ứng hàng Tết cũng đang diễn ra sôi động. Đơn hàng từ các nhà phân phối tăng lên đáng kể, đòi hỏi nhà máy sản xuất, trang trại của doanh nghiệp phải làm việc tối đa công suất. Các doanh nghiệp đều dự kiến sức mua thị trường cao điểm Tết sẽ tăng 20% nên việc chuẩn bị nguồn hàng dự trữ cũng tăng 20-30%.

Nỗ lực sản xuất, tăng dự trữ hàng hóa thị trường Tết

Công nhân lao động sản xuất tại Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan). Ảnh: BÍCH TRÂM 

Đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm Cholimex thông tin, đơn vị đang tập trung vào các sản phẩm nước sốt gia vị, nước chấm, thực phẩm đông lạnh... nhất là việc sản xuất các loại hộp quà gia vị Tết phục vụ nhu cầu quà biếu của người tiêu dùng. Chỉ tiêu năm 2022 là tăng 21,3% sản lượng chai nước sốt gia vị, tăng 43,1% sản lượng thực phẩm đông lạnh hoàn toàn có thể đạt được.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội LTTP TP Hồ Chí Minh cho biết: “Để chuẩn bị cho hàng hóa cao điểm dịp Tết, với kinh nghiệm và sự chủ động, các doanh nghiệp thành viên đã chọn thời điểm hợp lý để tăng công suất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nhiều tháng trước, trong và sau Tết nhưng bảo đảm không tăng giá đột biến.

Hiệp hội đã kiến nghị thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh và hạ tầng hậu cần, kho vận... nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, giữ vững hoạt động sản xuất trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao”.

Cùng với doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, các địa phương cũng xây dựng kế hoạch, triển khai dự trữ hàng hóa chặt chẽ, chu đáo từ sớm. Trong đó, địa bàn TP Hồ Chí Minh dự trữ gần 40.000 tấn hàng hóa LTTP phục vụ Tết và lượng hàng bình ổn thị trường dự kiến đáp ứng từ 25 đến 43% nhu cầu thị trường Tết. Tỉnh Bình Dương cũng triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ giai đoạn trước, trong và sau Tết với giá trị hàng hóa dự trữ khoảng 2.100 tỷ đồng.

Chủ động liên kết, giữ vững thị trường

Hiện nay, tác động của việc tăng giá nguyên liệu nhập khẩu, biến động của giá cả xăng, dầu, chi phí vận tải, nhân công... ảnh hưởng không nhỏ đến việc chuẩn bị nguồn hàng thị trường Tết của các doanh nghiệp khu vực Đông Nam Bộ.

Để bảo đảm ổn định giá và đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm ngày càng tăng cao vào dịp cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất đã thực hiện đồng thời một số giải pháp tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa nhằm giảm bớt một phần chi phí, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất, kinh doanh chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Thực phẩm Cholimex tiến hành đàm phán liên tục với các nhà cung cấp, đơn vị vận chuyển nhằm hạn chế đến mức thấp nhất chi phí đầu vào để dịp Tết vẫn giữ nguyên giá bán tất cả sản phẩm.

Nỗ lực sản xuất, tăng dự trữ hàng hóa thị trường Tết

 Sản xuất sản phẩm cho thị trường Tết tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Cholimex. Ảnh: GIA HÂN

Nếu các doanh nghiệp sản xuất đang “chạy hết công suất” cho thị trường hàng hóa Tết thì các đơn vị phân phối, nhà bán lẻ cũng dự kiến tăng 20%-30% lượng hàng so với Tết Nhâm Dần 2022 và tăng từ 40% đến 50% so với lượng hàng hóa ngày bình thường. Các nhà bán lẻ đã khẩn trương làm việc với nhà cung cấp, tăng cường kiểm tra, giám sát vùng nguyên liệu để duy trì mức giá ổn định.

Là đơn vị đi đầu trong công tác cung ứng hàng hóa, giữ ổn định thị trường Tết, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.opmart thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh thông tin: “Đối với việc cung ứng hàng hóa Tết, các nhà bán lẻ không thể đứng ngoài cuộc. Chúng tôi đã huy động và dự trữ hàng hóa với nhiều hợp đồng cung cấp bảo đảm ổn định giá cả dài hạn. Hiện đã có số lượng lớn hàng hóa trong 9 nhóm hàng nhu yếu diện bình ổn giá đã được chốt và dự phòng”.

Để tăng tính liên kết trong cung ứng hàng hóa, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động như hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, hội chợ xúc tiến tiêu dùng hướng tới mục tiêu kết nối hai chiều, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, đưa hàng hóa các địa phương vào hệ thống phân phối lớn tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... và ngược lại.

Mới đây, tỉnh Bình Dương tổ chức thành công Hội chợ triển lãm Bình Dương Expo 2022 kết nối cung cầu hàng hóa với sự tham gia của hơn 100 gian hàng. Từ ngày 17 đến 20-11, Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và hơn 40 tỉnh, thành phố cũng diễn ra hướng đến tạo điều kiện kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững.

Ở góc độ cơ quan quản lý, theo ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Sở đã có phương án phối hợp các cơ quan chức năng, ban, ngành nhằm góp phần cắt giảm các chi phí trung gian, hợp tác với những hệ thống ngân hàng nhằm hỗ trợ lãi suất trong các chương trình bình ổn giá, giúp doanh nghiệp tiết chế sự gia tăng giá cả.

Bên cạnh đó, ngành công thương sẽ tham mưu với lãnh đạo thành phố tiến hành kiểm tra sát sao công tác tiêu thụ, bảo đảm không xảy ra tình trạng lạm phát giá cả, bán hàng kém chất lượng, nhất là trong giai đoạn nhu cầu mua sắm tăng cao dịp Tết.

KHÁNH GIANG

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.