• Click để copy

Nỗi lòng người dân giữa chiến sự

“Nên đi hay ở lại” là lựa chọn khó khăn buộc nhiều người dân Sudan phải quyết định trong bối cảnh tình hình bạo lực trong nước có nguy cơ kéo dài.

Vài ngày sau khi giao tranh nổ ra giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF), Dalia Mohamed và mẹ tại thủ đô Khartoum vẫn chần chừ chưa di tản. Ngôi nhà của họ nằm ở tâm điểm xung đột giữa hai bên, nơi tiếng súng vang lên liên hồi. Nhiều hộ gia đình xung quanh cũng vậy. Họ chưa đi lánh nạn bởi không muốn rời bỏ tổ ấm đến chỗ tạm bợ nào đó, đồng thời cũng nghĩ rằng bạo lực sẽ sớm chấm dứt.

Mọi chuyện đã khác khi căn nhà của Dalia Mohamed bị trúng pháo kích và hư hại nghiêm trọng. Hai mẹ con không thể chần chừ thêm, chỉ kịp chuẩn bị một số vật dụng cơ bản và lập tức tháo chạy thoát thân cùng hàng xóm. Chắc chắn họ từng nghe những câu chuyện về người dân bỏ nhà trốn chạy chiến sự. Nhưng điều ấy chỉ thật sự thấm thía khi bản thân họ lâm vào tình cảnh đó.

“Chúng tôi cố tình trì hoãn nhưng không thành... Ngay cả bây giờ, nếu có thông tin rằng khu vực nhà tôi an toàn và có thể quay lại thì chúng tôi sẽ quay lại ngay”, người phụ nữ 37 tuổi chia sẻ với Al Jazeera.

Người dân di tản từ Khartoum (Sudan) xuống xe buýt chở khách tại trạm dừng nghỉ Multaga gần bang Ganetti ở phía Bắc Sudan, ngày 25-4. Ảnh: Getty Images 

Người dân di tản từ Khartoum (Sudan) xuống xe buýt chở khách tại trạm dừng nghỉ Multaga gần bang Ganetti ở phía Bắc Sudan, ngày 25-4. Ảnh: Getty Images 

Từ chỗ là một trong những địa điểm nhộn nhịp nhất Sudan, Khartoum dần trở thành một “thành phố ma” khi người dân ồ ạt rời đi lánh nạn. Al Jazeera cho biết, những người di tản khỏi Khartoum đang hướng tới cảng Sudan ở Biển Đỏ, cách thủ đô khoảng 650km. Đây là khu vực tương đối an toàn, có các tuyến đường biển nối với Djibouti và Ai Cập. Một số lại chọn đi đường bộ thẳng tới Ai Cập ở phía Bắc hoặc sang Cộng hòa Chad và Nam Sudan láng giềng.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những người chọn bám trụ lại nơi chôn nhau cắt rốn bởi nhiều lý do khác nhau. “Cha, mẹ, dì và anh em tôi đều đã rời thủ đô, nhưng tôi quyết định ở lại chăm sóc ông bà vì sức khỏe không cho phép họ di chuyển xa”, Al Jazeera dẫn lời Dania Atabani, một nữ nhân viên văn phòng 23 tuổi. Trong khi đó, một số gia đình lo ngại việc rời đi ngày càng nguy hiểm. Tình hình an ninh phức tạp đang khiến nỗ lực di tản của người dân gặp nhiều khó khăn. Al Jazeera cho hay đã có trường hợp dân thường trên hành trình lánh nạn bị những tay súng chặn đường, cướp ô tô và tài sản.

Thậm chí, có người muốn đi nhưng lại không đủ tiền chi trả. Theo Al Jazeera, giá thuê một chiếc xe buýt từ Khartoum đến Cairo (Ai Cập) lên tới 10.000USD-một con số quá lớn đối với nhiều hộ gia đình-và “nhà xe” có thể tính thêm những chi phí khác nữa. Người sơ tán còn phải tự tìm phương tiện cũng như tài xế biết cách tránh các trạm kiểm soát bởi hệ thống giao thông công cộng đã bị tê liệt hoàn toàn.

Thậm chí, giữa lúc bạo lực lan rộng từ Khartoum tới các thành phố lân cận khác, hàng triệu người Sudan còn phải sống trong cảnh thấp thỏm hằng ngày. Trang tin CNY Central của Đài Truyền hình WSTM-TV ở TP Syracuse thuộc bang New York (Mỹ) cho biết, nỗi lo bom rơi đạn lạc làm họ không biết lúc nào sẽ là khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời mình. “Tôi vừa gọi cho chú. Ông vẫn ở Sudan. Ông nói rằng mỗi sáng sớm thức dậy, ông lại cảm ơn Thượng đế vì mình vẫn còn sống”, CNY Central dẫn lời chia sẻ của anh Fatna Mohamed, một người gốc Sudan đang sống ở Syracuse.

Bất cứ cuộc chiến nào xảy ra, người dân nơi đó chính là nạn nhân gánh chịu nhiều hậu quả nhất. TASS dẫn thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF nổ ra từ ngày 15-4 đã khiến hơn 450 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương, phá hoại các bệnh viện và cơ sở hạ tầng khác, kèm theo tình trạng thiếu lương thực, điện và nước.

Gần nhất, hai bên đã đạt một thỏa thuận ngừng bắn mới do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian, kéo dài 72 giờ, bắt đầu từ ngày 25-4, nhằm cho phép dân thường đang mắc kẹt ở những khu vực xung đột di tản, cũng như tìm kiếm dịch vụ y tế, thực phẩm và mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, thứ mà những người dân Sudan mong chờ nhất là sớm trở lại cuộc sống hòa bình. “Tôi thực sự không muốn rời xa nhà. Tôi đã hy vọng chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra tại Sudan”, Sammer Hamzar, một thanh niên 26 tuổi, nói với Al Jazeera qua điện thoại khi đang trên đường di tản.

VĂN HIẾU

Bài liên quan

Tin mới

Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin

Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.

Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện

Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.

Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?

Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.

TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng

Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.

Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao

Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.

Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B

Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.