Nửa thế kỷ chuyển mình của âm nhạc Việt Nam
Có thể khẳng định, âm nhạc Việt Nam đóng vai trò rất lớn, đồng hành với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Trong một bài viết nhỏ, người viết khó có thể nói hết được một đề tài lớn, xin chỉ lấy mốc 50 năm qua để bàn về sự chuyển đổi và tính đa dạng của âm nhạc Việt Nam.
1. Đất nước thống nhất là một sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Âm nhạc vẫn tiếp tục chú trọng vai trò giáo dục, cổ động, tuyên truyền chính trị và ngợi ca những điều lớn lao. Sự chuyển đổi từ chế độ bao cấp sang kinh tế thị trường kéo theo hàng loạt đổi thay trong đời sống âm nhạc. Đường lối, chính sách đổi mới năm 1986 bắt đầu tháo gỡ dần những quan niệm hẹp hòi. Chức năng giải trí của âm nhạc bị gạt bỏ suốt mấy thập niên chiến tranh đến lúc này được nhìn nhận một cách khách quan, thấu đáo hơn. Ca khúc thị trường ngày càng thịnh hành và lấn lướt ca khúc chính thống cũng như khí nhạc chuyên nghiệp.
Sau bước đầu hình thành đầy ngoạn mục những năm 1965-1975, nhạc giao hưởng thính phòng giai đoạn này phải đối mặt với tình trạng thả nổi trong nền kinh tế thời hậu chiến. Khí nhạc đuối dần trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với ca nhạc đại chúng. Tình cảnh ảm đạm kéo dài đến những năm cuối thế kỷ 20 mới bắt đầu le lói chút hy vọng hồi sinh. Với nhạc cổ truyền còn ảm đạm hơn. Từ thập niên 1940, nhiều loại hình cổ truyền bị lãng quên không những do điều kiện chiến tranh mà còn vì bị coi là sản phẩm lạc hậu. Tổng cộng hơn nửa thế kỷ đứt gánh đã khiến vốn cổ rơi vào nguy cơ thất truyền.
![]() |
Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Hường hát quan họ cùng dàn nhạc giao hưởng tạo sức hấp dẫn mới cho âm nhạc Việt Nam. Ảnh: VIỆT LAM |
Cuối thập niên 1990, nhận thức được sai lầm trong hành xử với nhạc cổ và để níu giữ những gì còn sót lại trong nhân gian, giới nhạc bắt đầu điều chỉnh việc sưu tầm nghiên cứu theo chuẩn quốc tế với hai phương thức song song tồn tại và không thể thay thế nhau: Bảo tồn có phát huy và kế thừa để phát triển.
Những năm cuối thế kỷ 20 có điều kiện tiếp cận thế giới bên ngoài, giới nhạc đã gắng gỏi vượt qua những lúng túng trong quá trình chuyển đổi cả về nhận thức và thực tiễn, làm quen với xu thế chung, tiếp nhận kỹ thuật, công nghệ thông tin, tạo bước đệm để hòa nhập thế giới đầu thế kỷ 21. Chính tinh thần chuyển đổi đã tạo cơ hội hồi sinh cho nhạc cổ và khởi sắc cho nhạc mới.
2. Nhận thức được vốn cổ là cội nguồn bản sắc dân tộc, Nhà nước đã có những chính sách mới và động thái tích cực: Tổ chức nhiều cuộc liên hoan, hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế về nhạc cổ; huy động các nhà khoa học tiến hành kiểm kê tài sản, đề xuất chuyển đổi chức năng sử dụng và truyền dạy; tiến hành các dự án lập hồ sơ di sản quốc gia và di sản nhân loại... Trong vòng chưa tới 20 năm đã có 10 loại hình nhạc cổ và liên quan đến nhạc cổ Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Nhã nhạc, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ, ca trù, xoan, đờn ca tài tử, ví giặm, hát văn trong tín ngưỡng thờ mẫu, bài chòi, then.
Về khí nhạc-loại hình mang trọng trách đại diện cho nhạc mới Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những biểu hiện về tính đa dạng và tinh thần hội nhập thế giới. Nghệ sĩ, nhạc sĩ và tác phẩm nội xuất ngoại không còn hiếm hoi. Đào tạo chuyên nghiệp được ghi nhận bằng các giải thưởng quốc tế của thế hệ trẻ. Các cuộc liên hoan âm nhạc mới Á-Âu đã góp phần ghi danh khí nhạc Việt Nam trên bản đồ âm nhạc chuyên nghiệp thế giới. Bên cạnh đó là sự trở lại của nhạc kịch (opera) quy mô và học thuật là hàng loạt kịch hát dễ tiếp cận công chúng bởi tính giải trí theo phong cách Broadway.
Ngôn ngữ biểu hiện không còn chỉ giới hạn trong khuôn khổ giao hưởng thính phòng cổ điển mà mở rộng tìm tòi theo các xu hướng nhạc hiện đại, nhạc điện tử, nhạc đương đại, nhạc thể nghiệm... Ngoài cách tiếp nhận phương thức biểu hiện của nhạc cổ điển thế giới và kế thừa hồn cốt Việt trong nhạc cổ truyền kết hợp với tư duy hiện đại, một số nhà soạn nhạc trẻ còn sử dụng kỹ thuật sáng tác và trình diễn phi truyền thống, tự do phá cách và ngẫu hứng trong không gian mở, kết hợp âm nhạc với hiệu ứng hình ảnh, ngôn ngữ hình thể và nghệ thuật sắp đặt.
Sôi động nhất vẫn là nhạc giải trí. Internet mở rộng tầm nhìn ra thế giới. Nhạc nội ngày càng gần với những hình mẫu nhạc ngoại nhờ các yếu tố toàn cầu. Không ít bản sao rập khuôn từ giai điệu đến ngoại hình và vũ đạo của ca nhạc nước ngoài, đặc biệt là K-pop. Đáng ghi nhận là mấy năm gần đây bắt đầu có những MV sử dụng yếu tố dân gian Việt Nam đã gây ấn tượng không nhỏ cho công chúng trẻ, nhất là trong những ngày gần đây với “hiện tượng” MV “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy và cộng sự thu hút hơn 100 triệu lượt người xem sau một tháng phát hành.
Từ pop-rock, giới trẻ nhanh chóng bắt nhịp với R&B, ballad, jaz, hiphop, rap, acoustic...; tiếp đến indie, mainstream, underground... Công nghệ đã thay đổi cách làm nhạc và nghe nhạc, từ analog sang digital, từ CD sang nhạc số, rồi streaming (trực tuyến). Cách quảng bá và thưởng thức sản phẩm âm nhạc không còn giới hạn ở các phương tiện phát thanh, truyền hình, mà thêm nhiều lựa chọn đến choáng ngợp trên các nền tảng số, YouTube, Zing MP3, nhaccuatui, Spotify, Apple Music... Không chỉ trên các nền tảng số và sân khấu liveshow có được sự sôi động, các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc cũng thu hút đông đảo người xem, khuấy đảo nhất là mấy chương trình dài kỳ “anh trai”, “chị đẹp” gần đây. Trước sự cổ vũ cuồng nhiệt của công chúng, các nhà sản xuất liên tiếp tổ chức sự kiện với hàng loạt live concert “ăn theo” chương trình.
Môi trường và điều kiện làm nhạc, nghe nhạc rộng mở giúp đời sống âm nhạc phong phú chưa từng thấy, nhưng cũng nảy sinh lắm hiện tượng gây tranh cãi liên quan đến giá trị sản phẩm và đạo đức nghề nghiệp. Ca sĩ hát nhép để che bớt khiếm khuyết giọng hát, dùng trang phục gây sốc để thu hút người xem, dựng scandal để quảng bá tên tuổi. Nhạc sĩ lạm dụng công nghệ điện tử, dựa vào hòa âm bản beat có sẵn để viết giai điệu, sao chép ý tưởng hoặc đạo nhạc của người khác. Trí tuệ nhân tạo (AI) bắt đầu được sử dụng làm nhạc trong khi chưa có luật bản quyền về AI, nên khó tránh khỏi những chiêu trò vi phạm quyền tác giả.
Đã có nhiều cảnh báo về chất lượng nghệ thuật và bản lĩnh sáng tạo từ các nhà chuyên môn, nhưng vài tiếng nói đơn lẻ còn xa mới đạt được hiệu quả mong muốn. Khoảng cách giữa lý luận phê bình chuyên nghiệp với đời sống âm nhạc quá lớn do thiếu liên kết với các ngành liên quan: Báo chí truyền thông, công nghệ, giáo dục phổ thông..., đặc biệt với giới quản lý là những người "cầm cân nảy mực" trong việc nâng cao mặt bằng dân trí và gây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
3. Hiện còn nhiều vấn đề thách thức giới nhạc cũng như các nhà quản lý. Vì sao chưa kiểm soát và hạn chế được yếu tố thương mại đang làm phai dần những nét đặc trưng của nhạc cổ? Thế nào là đầu tư thích đáng để khích lệ sáng tạo và dàn dựng tác phẩm khí nhạc chuyên nghiệp, để có được sự phát triển cân đối giữa khí nhạc với thanh nhạc, giữa tác phẩm chính thống với ca nhạc giải trí?
Trước bối cảnh toàn cầu chuyển biến quá nhanh, quá mạnh, muốn hội nhập thế giới thì phải bắt kịp thời đại, mà muốn theo kịp thời đại trong lĩnh vực sáng tạo âm nhạc thì cũng phải theo kịp thời đại trong quản lý âm nhạc. Tinh thần đổi mới của mấy thập niên qua luôn cần liên tục nâng tầm một cách uyển chuyển, khéo léo trong tương lai, để hướng tới xây dựng một nền âm nhạc phù hợp với thời đại mà vẫn hài hòa và cân đối, độc đáo và nhân văn.
Nhà lý luận, phê bình âm nhạc NGUYỄN THỊ MINH CHÂU, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.