Nước Mỹ 2024: Màn tái xuất cứu vớt niềm tin
Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc bầu cử tổng thống với chiến thắng dành cho chính trị gia-ông trùm bất động sản Donald Trump là sự kiện gây ảnh hưởng lớn nhất tới đời sống chính trị-xã hội của nước Mỹ trong năm 2024 và cả 4 năm sắp tới.
Chiến thắng của ông Donald Trump trước Phó tổng thống Kamala Harris không nằm ngoài dự đoán của các nhà phân tích chính trị, dư luận thế giới và ngay cả cử tri Mỹ, nhưng vẫn được coi là bất ngờ lớn. Bởi trước ngày bầu cử 5-11, không nhiều người dám tin rằng ông Donald Trump lại chiến thắng vang dội đến thế. Chẳng những hạ đo ván bà Harris với tỷ lệ phiếu đại cử tri chênh lệch (312 so với 226 phiếu), ông còn chiến thắng ở cả 7 bang chiến trường-những bang đóng vai trò quyết định đến kết quả bầu cử, trong khi Đảng Cộng hòa của ông nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ. Trái ngược với bầu không khí ngất ngây chiến thắng bao trùm lên Đảng Cộng hòa và các đám đông ủng hộ ông Donald Trump, phe Dân chủ đã cảm nhận rõ một thất bại khó nuốt trôi khi trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, nhiều cử tri truyền thống của họ đã quay sang bỏ phiếu cho ông Donald Trump.
![]() |
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Nguồn: TTXVN |
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 là cơ hội để dư luận nhìn thấu nội tình và những vấn đề cực kỳ nan giản mà cường quốc số một thế giới đang phải đương đầu. Trong nhiệm kỳ vừa qua, dù chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đạt được một số thành công như đưa nước Mỹ vượt qua đại dịch, dần phục hồi kinh tế, tạo thêm việc làm, củng cố vị thế của đồng USD nhưng chừng đó không đủ để làm hài lòng bá tánh. Nhiều cử tri tỏ rõ tâm lý chán ngán trước hai vấn đề mà họ đối mặt, đó là phải vật lộn mưu sinh trong bối cảnh giá cả thực phẩm, chi phí sinh hoạt tăng cao và việc làm, chế độ phúc lợi xã hội giảm sút do làn sóng nhập cư ồ ạt vào Mỹ.
Tâm lý thất vọng càng bị đẩy lên cao bởi “tiếng trống trận” ngập ngừng, thiếu khí thế mà liên danh Biden-Harris thể hiện trên mặt trận đối ngoại, mà bằng chứng là cuộc rút quân đầy tai tiếng khỏi Afghanistan hồi năm 2021; các cuộc xung đột ở Trung Đông và xung đột Nga-Ukraine chưa tìm ra cách giải cứu dù nước Mỹ đã đổ vào đây không ít tiền của, vũ khí và thời gian; vấn đề hạt nhân Iran và tình hình bán đảo Triều Tiên chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm... Theo kết quả thăm dò trước thềm bầu cử của ABC/Ipos, có tới 74% người Mỹ được hỏi nghĩ rằng đất nước của họ đã đi sai hướng.
Trong bối cảnh ấy, ông Donald Trump lại gây ấn tượng mạnh trong chiến dịch tranh cử bằng những khẩu hiệu cũ “Đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại” và “Nước Mỹ trước tiên”, kèm theo các cam kết: Bảo vệ ngành công nghiệp trong nước; siết chặt nhập cư để giữ lại việc làm và phúc lợi cho người Mỹ; duy trì giá cả thấp để giúp người dân Mỹ vơi đi gánh nặng cơm áo gạo tiền... Về đối ngoại, ông tuyên bố sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine, vốn đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Mỹ cũng như thế giới. Những cam kết này đã đánh trúng tâm lý của nhiều cử tri, cứu vớt niềm tin của người Mỹ về hai điều mà lâu nay họ vẫn tự hào: Mỹ đứng đầu thế giới về kinh tế, Mỹ là siêu cường sắp đặt chương trình nghị sự cho cả thế giới.
Tỷ phú Donald Trump trở lại Nhà Trắng với sự tươi mới so với hình ảnh của chính ông khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên vào năm 2017. Nếu như cách đây 8 năm, sự chưa từng trải trên chính trường cùng một vài lần hớ hênh trong lời ăn tiếng nói đã khiến ông bị nghi ngờ về khả năng dẫn dắt siêu cường Mỹ thì lần này, trong con mắt của các cử tri, chính trị gia thuộc Đảng Cộng hòa ngày càng tỏ rõ tầm vóc của một nhà lãnh đạo cứng rắn và linh hoạt. Gần đây, Tạp chí Time đã đưa ông Donald Trump vào danh sách "Nhân vật của năm" với nhận định rằng, trong nhiều năm trở lại đây, có lẽ không ai đóng vai trò lớn hơn trong việc thay đổi tiến trình chính trị và lịch sử hơn ông Donald Trump. Time cũng cho rằng mọi người, dù ủng hộ hay chỉ trích vị tổng thống đắc cử của Mỹ, đều đang sống trong “thời đại của Donald Trump”. Đó có lẽ cũng là đánh giá của hàng triệu cử tri Mỹ, khiến họ thêm một lần nữa đặt niềm tin và trao quyền lực tối cao vào tay chính trị gia 78 tuổi này.
Màn tái xuất của ông Donald Trump đem tới sự phấn chấn cho hàng triệu cử tri ở xứ cờ hoa, song lại là đòn giáng mạnh vào các đối thủ và gây tâm lý lo lắng, nghi ngại với các đồng minh, đối tác và láng giềng của Mỹ. Dù chưa chính thức nhậm chức, ông Donald Trump đã đe dọa khởi động hàng loạt cuộc chiến thương mại thông qua các tuyên bố áp thuế 25% lên tất cả sản phẩm nhập khẩu từ hai nước láng giềng Mexico và Canada, 60% trở lên đối với hàng hóa Trung Quốc và thậm chí là mức thuế 100% đối với hàng hóa từ các nước trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) nếu nhóm này ngừng giao dịch bằng đồng USD.
Dư luận cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để không bị ngã ngửa trước những quyết định chấn động mà vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ có thể đưa ra trong nhiệm kỳ sắp tới, chẳng hạn như rút Mỹ khỏi các tổ chức mang tầm quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Gần đây, ông Donald Trump thậm chí còn tuyên bố sẽ cân nhắc đưa Mỹ rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu các đồng minh trong liên minh quân sự này không đóng góp tài chính một cách công bằng và trả tiền các hóa đơn bảo vệ an ninh cho Washington.
Sau một cuộc bầu cử tổng thống ồn ào và nhiều bước ngoặt, niềm tin dường như đã trở lại với nước Mỹ, với hy vọng về một nền kinh tế khởi sắc, những bất ổn trong xã hội vơi đi và nước Mỹ sẽ đóng vai “người phán xử” để hóa giải các cuộc xung đột đang cày nát nhiều vùng đất trên thế giới. Điều đó phụ thuộc vào những quyết sách được đưa ra từ phòng Bầu dục ở Nhà Trắng.
VŨ HÙNG
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.