• Click để copy

"Pho sử sống" của dân tộc Dao ở Sa Pa

Bị cụt một bàn tay, hỏng một bên mắt nhưng suốt 20 năm qua, nghệ nhân Tẩn Vần Siệu (xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) vẫn miệt mài dạy chữ Nôm Dao miễn phí cho dân bản.

Lớp học đặc biệt

Từ trung tâm thị xã Sa Pa đến nhà nghệ nhân Tẩn Vần Siệu (61 tuổi) chừng 30 phút chạy xe máy. Trong căn nhà gỗ rộng hơn 100m2, tài sản quý giá nhất được ông Siệu gìn giữ cẩn thận là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng hai bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015 và Nghệ nhân Nhân dân năm 2022. Trên bức tường gỗ, dòng chữ ghi nội quy lớp học đã nhuốm màu thời gian. Cơ sở vật chất của lớp học là những bàn ghế gỗ cũ nhưng được ông Siệu bảo quản cẩn thận, sạch sẽ. Suốt 20 năm qua, lớp học của nghệ nhân Tẩn Vần Siệu đã dạy chữ Nôm Dao miễn phí cho hơn 600 người. Năm nay, lớp học vừa khai giảng vào đầu tháng 6, đón gần 30 học sinh. Người Dao ở Lào Cai và các tỉnh lân cận gọi nghệ nhân Tẩn Vần Siệu với tình cảm kính trọng: "Thầy Siệu".

Sinh ra và lớn lên trong gia đình hiếu học, Tẩn Vần Siệu theo cha học chữ Nôm Dao từ nhỏ. Đến năm 17 tuổi, Tẩn Vần Siệu đã thấm nhuần tư tưởng đạo đức, giáo lý, tinh thông nhiều sách và thuộc lòng các bài cúng, bài hát dân ca truyền thống dân tộc Dao. Thế nhưng, một tai nạn giẫm phải mìn năm 19 tuổi khiến Tẩn Vần Siệu cụt một bàn tay, hỏng một bên mắt. Mọi thứ như đóng sầm trước mắt, Tẩn Vần Siệu tự nhốt mình trong căn nhà chật hẹp. Sau nhiều ngày ủ rũ, bỗng một đêm Tẩn Vần Siệu bừng tỉnh khi tự nhủ rằng, bấy lâu nay mình đã hèn nhát buông bỏ số phận, bản chất người Dao không như vậy.

Suốt những năm tháng sau đó, Tẩn Vần Siệu dành nhiều thời gian đi điền dã, nghiên cứu cuộc sống, sinh hoạt của bà con dân bản để có thêm thông tin, kiến thức vào việc phục dựng, chép lại các cuốn sách cổ mà ông cha để lại với mục đích lưu giữ cho con cháu sau này. Chia sẻ về ý tưởng mở lớp truyền dạy chữ Nôm Dao, nghệ nhân Tẩn Vần Siệu nói: “Năm 2003, tôi thấy nhiều người Dao không biết viết chữ của dân tộc mình. Nếu theo đà này, một ngày nào đó bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của người Dao sẽ bị mai một, thậm chí biến mất. Vậy là hè tới, tôi mở lớp dạy chữ Nôm Dao miễn phí. Ban đầu vợ con tôi phản đối dữ lắm. Họ bảo nhà đã đói ăn, ông lại còn lo chuyện thiên hạ làm gì. Tôi cố gắng giải thích nếu mình không dạy thì kể cả con mình cũng không biết và không giữ được cái bản sắc, dân tộc Dao rồi sẽ ra sao? Sau đó, vợ con cũng cảm thông, ủng hộ”.

Sở dĩ nói lớp học của thầy Siệu đặc biệt bởi học sinh không phân biệt tuổi tác, thậm chí có người là cán bộ văn hóa. Ban đầu lớp học phục vụ con em tại Sa Pa, dần dần “hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều người từ các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Lai Châu cũng tìm đến học. Thầy Siệu không từ chối một ai, miễn là học sinh tuân thủ những quy định của lớp học. Thầy luôn duy trì tính kỷ luật, bởi vậy nội quy “Khi đến lớp tập trung học tập, không đùa cợt” được đưa lên hàng đầu.

Trăn trở giữ văn hóa người Dao

Theo nghệ nhân Tẩn Vần Siệu, chữ Nôm Dao là chữ tượng hình rất khó học. Thường người học phải mất hai năm mới có thể làm nghi lễ thắp hương, cúng tổ tiên, nghi lễ cấp sắc. Ngoài ra, con gái Dao còn học thêm hát, đạo lý làm vợ làm người.  “Tôi có khoảng 15 giáo trình, nhưng ai có tố chất và kiên trì lắm cũng chỉ học hết 7 giáo trình. Một khóa học của tôi kéo dài 3 tháng, nhưng điều quan trọng là các em về nhà phải tự nghiên cứu, ôn luyện. Để đọc thông viết thạo chữ Nôm Dao, mỗi người phải kiên trì học liên tục trong 3 năm”, nghệ nhân Tẩn Vần Siệu cho hay.

 Nghệ nhân Nhân dân Tẩn Vần Siệu trước giờ lên lớp.
 Nghệ nhân Nhân dân Tẩn Vần Siệu trước giờ lên lớp.

Cũng bởi chữ Nôm Dao khó học nên có người phải học đi học lại nhiều khóa và anh Mẩy Kim Tả, Phó giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn là ví dụ. Từ kiến thức học được của thầy Siệu, Mẩy Kim Tả đã áp dụng lập nên những tour du lịch trải nghiệm văn hóa truyền thống của người Dao tới du khách và nhận được kết quả tích cực. Anh Mẩy Kim Tả cho biết: “Mỗi lần thầy Siệu khai giảng khóa học em đều xin tham dự. Chữ Nôm Dao rất khó và nếu không ôn luyện thường xuyên rất dễ quên. Ngoài học chữ, điều em tích lũy được là những đạo lý mà người Dao răn dạy con cháu”.

Theo nghệ nhân Tẩn Vần Siệu, ngày xưa người Dao không cho con gái đi học chữ vì nghĩ rằng, con gái mà tới lớp thì các bài học về cúng lễ sẽ không bao giờ linh nghiệm. Nhưng thầy Siệu lại nghĩ khác, ông đã kiên trì vận động các gia đình, trưởng bản để đổi lại các lớp học của ông hiện thường có phái nữ tham gia. Vì đường xa, học sinh đến lớp thầy Siệu không những được học chữ miễn phí mà còn được gia chủ hỗ trợ nhiều về sinh hoạt. Theo thầy Siệu, ông truyền dạy chữ cho học trò với tinh thần giúp đỡ, thậm chí các học sinh còn đến ăn, ở cùng gia đình. Các em ở xa đến học mang theo gạo, giấy, bút, sách vở, còn lại về củi lửa, rau măng đều được gia đình thầy Siệu hỗ trợ.

Sự tâm huyết của nghệ nhân Tẩn Vần Siệu đổi lại thành quả là phong trào học chữ Nôm Dao trên các bản vùng cao ngày càng nở rộ. Những học sinh khóa đầu của thầy Siệu nay trở thành những người uy tín trong vùng đang ngày đêm góp công, góp sức gìn giữ những nét đẹp văn hóa của người Dao. Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa tự hào nói: “Nghệ nhân Tẩn Vần Siệu được ví như “pho sử sống” của người Dao tại Sa Pa nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Sự tâm huyết của ông trong dạy chữ, sưu tầm sách cổ đã và đang góp phần bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa của người Dao trong cuộc sống đương đại”.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.