Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng
Khôi phục tổng cầu là chìa khóa để đưa nền kinh tế phục hồi trong ngắn hạn. Khi tổng cầu tăng sẽ kích tổng cung, các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng, sản xuất sẽ được kích hoạt.
Trao đổi với báo chí, PGS, TS Phạm Thế Anh, chuyên gia Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho biết, chúng ta nên thực hiện một số biện pháp kích thích tổng cầu, nhưng phải có chọn lọc để tránh tạo ra các bất ổn khác như làm tăng lạm phát, tỷ giá hay tạo ra bong bóng tài sản.
Cần biện pháp kích cầu có chọn lọc
Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về tình hình tổng cầu trong những tháng cuối năm?
Ông Phạm Thế Anh: Tổng cầu nền kinh tế gồm 3 thành phần: Tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Trong nửa đầu năm 2023, cả 3 thành phần của tổng cầu đều giảm. Trong những tháng cuối năm, 3 thành phần này cũng có những biến động, trong đó sẽ có những tín hiệu tích cực hơn.
Ông Phạm Thế Anh.Tiêu dùng của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023 sẽ có sự cải thiện, một phần nhờ mặt bằng lãi suất đã giảm, kích thích nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn thay vì tiết kiệm. Bên cạnh đó, sự hồi phục của các thị trường tài sản, đặc biệt là thị trường chứng khoán giúp tài sản các hộ gia đình phần nào được cải thiện. Ngoài ra, còn có sự cải thiện tiêu dùng trong nước nhờ vào lượng khách du lịch nước ngoài sang Việt Nam tăng trở lại.
Về đầu tư, lãi suất trong nền kinh tế đã xuống thấp hơn so với trước đây, cũng sẽ cải thiện nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp. Song cần nói rõ, đầu tư tư nhân không chỉ phụ thuộc vào lãi suất mà còn phụ thuộc nhu cầu đầu ra đối với sản phẩm doanh nghiệp. Đối với đầu tư công, sẽ tiếp tục được cải thiện trong nửa cuối năm nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc giải ngân đầu tư công, đó chính là động lực của tăng trưởng trong nửa cuối năm.
Đối với xuất khẩu, hiện nay thế giới đang trong tình trạng bấp bênh giữa suy thoái và tăng trưởng thấp. Do vậy, chúng ta chưa thể kỳ vọng rằng nhu cầu xuất khẩu từ bên ngoài tăng đột biến, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia lớn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao nhất, ít nhất tới hết năm nay.
Người dân mua hàng tại Siêu thị Winmart, Hà Nội. |
PV: Đây có phải là thời điểm các cơ quan điều hành nên đẩy mạnh các chính sách kích thích tổng cầu không, thưa ông?
Ông Phạm Thế Anh: Trong bối cảnh hiện nay, rất cần một số biện pháp kích thích tổng cầu. Tuy nhiên, cần thực hiện có chọn lọc và ưu tiên những biện pháp vừa kích thích tổng cầu nhưng vừa cải thiện được tiềm năng tăng trưởng nền kinh tế trong dài hạn để tránh những tác động phụ.
Có nghĩa là, có nhiều chính sách kích thích tổng cầu như chính sách tiền tệ, tài chính..., nếu chúng ta lạm dụng thì nền kinh tế sẽ dễ rơi vào tình trạng lạm phát hoặc là bong bóng giá tài sản. Theo đó, muốn duy trì được tốc độ tăng trưởng trong dài hạn thì cần thiên về các chính sách trọng cung, tức là cải thiện tổng cung tiềm năng. Đặc biệt là những biện pháp liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh; khuyến khích đầu tư tư nhân trong các lĩnh vực đem lại tăng trưởng dài hạn như công nghệ, năng lượng xanh... Đây là những chính sách rất quan trọng trong việc cải thiện tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế.
Có chính sách trợ cấp cho đối tượng thu nhập thấp
PV: Vậy đâu là giải pháp để kích thích tổng cầu trong những tháng cuối năm, thưa ông?
Ông Phạm Thế Anh: Kích thích tổng cầu là một trong những giải pháp giúp cho các đơn hàng của doanh nghiệp tăng trở lại. Nếu cầu xuất khẩu thấp thì chúng ta nên quay trở lại kích thích tiêu dùng nội địa. Hiện Chính phủ và các cơ quan chức năng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lệ phí trước bạ... Tuy nhiên, các giải pháp kích cầu nội địa cần thực hiện trên một số nguyên tắc như đúng đối tượng, như kích thích tiêu dùng ở nhóm có thu nhập thấp, phải tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước. Ngoài ra, Chính phủ, Quốc hội có thể cân nhắc biện pháp nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân...
Về đầu tư, cần có chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Nhưng điều quan trọng hơn là khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp đang rất kém, lãi suất cho vay giảm nhưng nhiều doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng điều kiện được vay. Đặc biệt, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào lượng đơn hàng và sản lượng đầu ra. Do vậy, các doanh nghiệp vẫn cần được hỗ trợ bằng nhiều giải pháp về xúc tiến thương mại, giúp tiếp cận các thị trường mới; đơn giản hóa các điều kiện cho vay...
PV: Ông có nói tới các giải pháp kích thích tiêu dùng trong nước, cụ thể cần có những chính sách gì?
Ông Phạm Thế Anh: Theo tôi, muốn kích thích tiêu dùng hiện nay thì chúng ta nên có chính sách trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng thiết yếu, như vậy sẽ kích thích người dân tiêu dùng. Cùng với đó, Chính phủ và Quốc hội cần cân nhắc sửa đổi quy định về thuế thu nhập cá nhân. Hiện nay mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng là không còn phù hợp, không còn đủ trang trải cho cuộc sống, nhất là tại các thành phố lớn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
KHÁNH AN (ghi)
Tin mới
Hà Nội: Tăng cường xử lý cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Đội QLTT số 2, Cục QLTT thành phố Hà Nội tăng cường kiểm tra, liên tiếp phát hiện các vụ việc kinh doanh mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có dấu hiệu nhập lậu trên địa bàn.
Quảng Bình: Xử phạt cơ sở trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền SHTT trên TMĐT
Ngày 7/11/2024, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Shop Sài Gòn PT 2000 về các hành vi vi phạm hành chính: trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet với tổng số tiền phạt 21.000.000 đồng.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi
Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.
FPT ra mắt nhà máy trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản
FPT vừa ra mắt nhà máy AI (AI Factory) tại Nhật Bản nhằm cung cấp các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây (Cloud).
Thanh Hóa vinh danh 133 nhà giáo tiêu biểu
Ngày 14 -11, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa phối hợp với công đoàn ngành Giáo dục tổ chức lễ vinh danh “Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh” lần thứ II, năm 2024.
TP Hồ Chí Minh hỗ trợ thử nghiệm máy bay không người lái, xe tự hành
Kể từ ngày 24-11, máy bay không người lái, xe tự hành sẽ được TP Hồ Chí Minh hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát tại Khu Công nghệ cao và Khu Công viên phần mềm Quang Trung.