Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, UBND tỉnh Hoà Bình, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục QLTT tỉnh Hòa Bình đã triển khai trong toàn lực lượng. Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Thường xuyên nắm bắt thông tin, quản lý địa bàn và thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng theo chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra định kỳ, Kế hoạch công tác, Kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2022 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Hoà Bình; Nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương giao tại Thông báo kết luận số 43/TB-BCT ngày 14/3/2022. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tổng số vụ kiểm tra tháng 8 năm 2022: 120 vụ (bằng 81,63% so với cùng kỳ). Tổng số vụ vi phạm: 23 vụ. Tổng số tiền xử phạt VPHC: 89.250.000 đồng. Lũy kế 8 tháng năm 2022: Tổng số vụ kiểm tra: 913 vụ; Số vụ vi phạm: 145 vụ; Tiền phạt vi phạm hành chính: 725.680.000 đồng.
* Kết quả kiểm tra một số lĩnh vực, mặt hàng theo chỉ đạo như:
- Lĩnh vực xăng dầu: Cục Quản lý thị trường tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; báo cáo hàng ngày đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Số vụ kiểm tra: 22 vụ. Số vụ xử lý: 0 vụ
- Lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: Số vụ kiểm tra: 19 vụ; Số vụ xử lý: 02 vụ. Tiền phạt vi phạm hành chính: 1.500.000 đồng. Hành vi vi phạm: Không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật.
- Lĩnh vực khí LPG: Số vụ kiểm tra: 36 vụ; Số vụ xử lý: 09 vụ. Tiền phạt vi phạm hành chính: 54.000.000 đồng. Hành vi vi phạm: Không treo biển tên thương nhân ký hợp đồng LPG; Không có sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi chai LPG đối với LPG chai bán tại cửa hàng bán lẻ LPG chai. Lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý nạp LPG vào chai tại trạm nạp nhưng không có đủ các thông tin về chai LPG theo quy định.
- Lĩnh vực kinh doanh mặt hàng điện tử: Số vụ kiểm tra: 16 vụ. Số vụ xử lý: 02 vụ. Tiền phạt vi phạm hành chính: 1.500.000 đồng. Hành vi vi phạm: Không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật.
- Lĩnh vực thực phẩm ngành Công Thương quản lý: Số vụ kiểm tra: 19 vụ. Số vụ xử lý: 04 vụ. Tiền phạt vi phạm hành chính: 4.250.000 đồng. Hành vi vi phạm: Không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật, vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Lĩnh vực trang thiết bị, vật tư y tế: Số vụ kiểm tra: 02 vụ. Số vụ xử lý: 02 vụ. Tiền phạt vi phạm hành chính: 15.000.000 đồng. Hành vi vi phạm: Không niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề dược tại cơ sở theo quy định...
Có thể thấy, với tinh thần trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ một cách tích cực và nghiêm túc, công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường trong tháng 8 đã đạt được một số kết quả khả quan, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đã phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh thương mại. Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được lực lượng Quản lý thị trường triển khai thường xuyên, liên tục.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn, góp phần tích cực bảo đảm cung ứng đầy đủ các nguồn hàng lưu thông, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân./.