Quản lý, bảo vệ đê điều: Những bài học từ trận lũ lịch sử
Thực tế công tác ứng phó, bảo vệ an toàn đê trong trận lũ lịch sử đầu tháng 9 vừa qua giúp chúng ta có thêm nhiều kinh nghiệm cũng như cái nhìn toàn diện về công tác quản lý, bảo vệ đê điều. Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, qua đợt mưa lũ lịch sử đầu tháng 9-2024 đã bộc lộ những ưu điểm và hạn chế, bất cập gì trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều?
Đồng chí Trần Công Tuyên: Thực tế cho thấy, hệ thống đê điều còn nhiều điểm xung yếu, nhiều đoạn đê còn mảnh nhỏ, chất lượng thân đê, nền đê chưa bảo đảm yêu cầu chống lũ, đặc biệt là lũ lớn, lũ dài ngày như trong đợt mưa lũ đặc biệt lớn sau bão số 3 (Yagi) vừa qua. Tuy nhiên, qua đó cũng cho thấy công tác quản lý đê điều và ứng phó với bão lũ được duy trì nền nếp nên chúng ta rất chủ động.
Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn bộ thực trạng hệ thống đê điều trước mùa mưa lũ để xác định các nguy cơ, vị trí trọng điểm, xung yếu, từ đó xây dựng các phương án kịch bản hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ”. Thứ hai là sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương với tinh thần kịp thời, khẩn trương, hiệu quả. Đáng chú ý, người dân cũng rất chủ động, tích cực mang vật tư, phương tiện của gia đình và trực tiếp lên đê hỗ trợ ứng phó.
Nước sông Hồng tại Hà Nội dâng cao trong đợt lũ xảy ra vào đầu tháng 9-2024. Ảnh: NGUYỄN TUẤN HUY |
Vì vậy, mặc dù lũ rất lớn, nhiều tuyến sông vượt mức lũ lịch sử nhưng hệ thống đê, đặc biệt là các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt đều được giữ vững, bảo đảm an toàn, không có sự cố đáng tiếc xảy ra. Một số sự cố liên quan đến tràn hoặc vỡ đê thì đều là các tuyến đê bối nằm phía ngoài đê chính. Các tuyến đê này chỉ có nhiệm vụ bảo vệ ở một cao trình rất thấp nên đương nhiên khi xảy ra lũ lớn thì vượt quá thiết kế, khả năng chống đỡ.
PV: Theo đồng chí, có hay không tâm lý chủ quan trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ?
Đồng chí Trần Công Tuyên: Tốc độ phát triển kinh tế nhanh cũng như việc nhiều năm không có lũ lớn làm xuất hiện tâm lý chủ quan ở một bộ phận không nhỏ người dân, thậm chí ở cả các cấp chính quyền, cơ quan liên quan khi cho rằng không thể lặp lại những trận lũ lớn như đã từng xảy ra.
Nhiều người cũng nghĩ rằng, với hệ thống hồ chứa thượng nguồn cùng đê điều như hiện nay là đã bảo đảm an toàn. Đó cũng là lý do khiến tình trạng vi phạm trong quản lý, bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ ngày càng diễn biến phức tạp. Chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành chỉ thị, xây dựng quy định xử phạt hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhưng mức độ xử lý vi phạm ở các địa phương còn hạn chế, số vụ tồn đọng theo thời gian ngày càng nhiều.
Thực trạng này làm không gian bãi sông, lòng sông bị thu hẹp, gây cản trở thoát lũ và tác động rất lớn đến an toàn hệ thống đê điều. Theo số liệu thống kê của ngành khí tượng thủy văn thì tổng lượng dòng chảy tại các trạm đo của trạm thủy văn chính chưa thể lớn bằng trận lũ lịch sử năm 1971. Thế nhưng, như chúng ta thấy, mặc dù lưu lượng về chưa bằng nhưng mực nước lại tăng, nhiều con sông vượt mức lũ lịch sử. Tôi cho rằng đây là một lời cảnh tỉnh. Đợt lũ vừa qua là thực tiễn sinh động chứng minh rằng lũ lớn, nguy cơ lũ lớn hiện hữu, đã xảy ra và còn có thể tiếp diễn trong tương lai.
PV: Chúng ta cần làm gì để ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng nói trên, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Công Tuyên: Tôi cho rằng, thực trạng nêu trên xuất phát từ sự phối hợp chưa tốt, thậm chí có tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương. Một trong những giải pháp được chúng tôi nêu trong các văn bản cũng như tại nhiều hội nghị về công tác quản lý đê điều là phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu.
Cùng với đó, UBND các cấp cần khẩn trương xây dựng quy chế phối hợp trong xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn để rõ người, rõ trách nhiệm, làm căn cứ triển khai thực hiện. Trong đó, cơ quan phát hiện, ngăn chặn là lực lượng chuyên trách quản lý đê điều. Khi đã kiến nghị đến cấp xã thì cấp xã theo thẩm quyền phải xử lý, ở mức độ nào thì cấp huyện xử lý. Trường hợp để xảy ra vi phạm, tồn đọng kéo dài thì phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu...
PV: Thời gian tới, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai có giải pháp nào để bảo đảm an toàn cũng như chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ đê?
Đồng chí Trần Công Tuyên: Trước hết, chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá và xây dựng các phương án bảo vệ đê hằng năm, đặc biệt là sau đợt mưa lũ lớn vừa qua, hệ thống đê đã bộc lộ những khiếm khuyết thì cần xử lý, khắc phục ngay.
Thực tế cho thấy, nhiều lúc chúng ta dự kiến tình huống này xảy ra ở chỗ này nhưng nó lại xảy ra ở chỗ khác, với mức độ khác. Vì thế, việc đánh giá hiện trạng đê điều cần phải làm kỹ, làm sâu, tránh chủ quan, hình thức. Thứ hai là công tác tuần tra canh gác, bảo vệ đê trong mùa mưa lũ. Thời gian qua đã có nhiều địa phương làm tốt nhưng cũng có địa phương chủ quan, lơ là.
Nếu không thực hiện nghiêm việc này để phát hiện sớm, nhất là trong đêm tối thì chỉ cần một lỗ rò không được phát hiện kịp thời cũng có thể làm xói lở và gây sập đê, vỡ đê chỉ sau 2-3 giờ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tổ chức diễn tập, tập huấn để nâng cao năng lực xử lý tình huống, rà soát, kiện toàn lực lượng chuyên trách quản lý đê điều, lực lượng tuần tra canh gác, hộ đê. Đây là các lực lượng trực tiếp tham mưu về mặt chuyên môn kỹ thuật nên cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chế độ, chính sách.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
ĐÌNH TRUNG (thực hiện)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.