Quân sự thế giới hôm nay (13-1): Vì sao Mỹ mất kiểm soát nhiều vũ khí gửi cho Ukraine?
Quân sự thế giới hôm nay (13-1-2024) có những nội dung sau: Mỹ thừa nhận mất kiểm soát nhiều vũ khí gửi cho Ukraine, Nga có thể đã sử dụng UAV tự sát mới Shahed-238, Qatar và Pakistan tập trận không quân chung song phương.
* Mỹ thừa nhận mất kiểm soát nhiều vũ khí gửi cho Ukraine
Defense News dẫn báo cáo của Văn phòng Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD IG) cho biết Lầu Năm Góc không thể kiểm soát lượng vũ khí trị giá hơn 1 tỷ USD viện trợ cho Ukraine vì giám sát lỏng lẻo.
Binh sĩ Ukraine nhận một lô tên lửa Javelin của Mỹ. Ảnh: AP |
Cụ thể, khoảng 60% tổng số thiết bị quân sự trị giá 1,69 tỷ USD, trong đó có máy bay không người lái (UAV), thiết bị nhìn đêm, tên lửa chống tăng Javelin, gửi đến cho Kiev thiếu kiểm kê.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nhân sự Mỹ hạn chế tại các quốc gia đối tác và tại Ukraine, đồng thời nhân sự giám sát trong nước cũng không thể di chuyển đến nhiều nơi để kiểm kê tất cả vũ khí. Về lý thuyết, quân đội Mỹ có cung cấp máy quét mã vạch cho phía Ukraine song vì tình hình chiến sự, cộng thêm hạn chế về hậu cần khiến họ không thực hiện được công việc cần thiết.
Hiện chưa rõ cụ thể số lượng vũ khí thiếu kiểm kê là bao nhiêu nhưng DoD IG khuyến cáo điều này có thể làm tăng rủi ro bị lạm dụng, trộm cắp hoặc chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, giới chức Washington khẳng định không có bằng chứng cho thấy lượng vũ khí nêu trên bị đánh cắp.
Thông tin về việc sử dụng sai mục đích và trộm cắp vũ khí mà Mỹ và phương Tây viện trợ cho Kiev đã xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của xung đột Nga - Ukraine. Theo đó, nhiều vũ khí được chuyển tới Ukraine từng được rao bán trên thị trường chợ đen hay thậm chí còn xuất hiện trong các cuộc xung đột trên toàn cầu.
* Nga có thể đã sử dụng UAV cảm tử mới Shahed-238 tại Ukraine
Bulgarian Military cho biết gần đây có nghi vấn về việc quân đội Nga bắt đầu sử dụng máy bay không người lái (UAV) tự sát Shahed-238 trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Một số mảnh vỡ (ảnh nhỏ) được cho là của UAV Shahed-238. Ảnh: Ukranews |
Theo đó, một số bức ảnh về mảnh vỡ của một loại UAV mới, được quân đội Nga sử dụng tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine, xuất hiện trên mạng xã hội. Các chuyên gia nhận định nhiều khả năng chúng thuộc về UAV Shahed-238 bị hệ thống phòng không Ukraine bắn hạ.
UAV Shahed-238 là phiên bản nâng cấp mới nhất của mẫu Shahed-136, thức ra mắt vào tháng 11 năm ngoái. Máy bay này trang bị động cơ phản lực gồm 3 biến thể với các hệ thống dẫn đường khác nhau.
Theo các thông tin ít ỏi được tiết lộ, UAV Shahed-238 có thể mang đầu đạn tương tự như đầu đạn được lắp trên Shahed-136 nhưng có tốc độ nhanh hơn, tầm hoạt động xa hơn đáng kể so với phiên bản tiền nhiệm.
Nếu nghi vấn trên chính xác, UAV Shahed-238 sẽ trở thành một mối lo ngại mới cho lực lượng Ukraine vì việc đánh chặn UAV này sẽ rất khó khăn.
Hiện phía Nga và Ukraine chưa bình luận gì về thông tin trên.
* Qatar và Pakistan tập trận không quân chung song phương
Theo Eurasian Times, Không quân Qatar đang tổ chức cuộc tập chung song phương mang tên Zilzal-II tại căn cứ không quân Doha với Pakistan, trong đó hai bên lần lượt huy động tiêm kích Eurofighter Typhoon và J-10CE.
Không quân Qatar và Pakistan chụp ảnh trước khi tham gia cuộc tập trận Zilzal-II. Ảnh: Eurasian Times |
Mục đích của hai bên là nhằm đưa ra hình ảnh phản chiếu của kịch bản tác chiến trên không đích thực. Ngoài ra cuộc tập trận còn nhằm giám sát mức độ sẵn sàng chiến đấu của cả hai lực lượng không quân trong điều kiện sát thực tế.
Đáng chú ý, cuộc tập trận này cũng được cho là lần đầu tiên Không quân Pakistan đưa tiêm kích J-10CE ra nước ngoài, kể từ khi phi đội J-10CE đầu tiên chính thức được biên chế trong lực lượng này từ tháng 3-2022. Tuy nhiên, số lượng máy bay J-10CE được triển khai trong cuộc tập trận trên hiện vẫn còn là một bí mật.
Không quân Pakistan nhấn mạnh việc triển khai thành công và tham gia cuộc tập trận quốc tế của tiêm kích J-10CE trong một khoảng thời gian ngắn là thành tựu nổi bật, củng cố cam kết mạnh mẽ của Pakistan trong việc duy trì một lực lượng hùng mạnh, có năng lực giải quyết các thách thức mới nổi và bảo vệ hiệu quả không phận.
Nhằm nâng cao năng lực tác chiến của không quân, Pakistan đã lựa chọn dòng tiêm kích J-10 do Trung Quốc sản xuất. Đây là máy bay chiến đấu hạng trung, có tính năng mạnh mẽ và vượt trội hơn so với JF-17 - một tiêm kích hạng nhẹ do Trung Quốc và Pakistan cùng phát triển và hiện đang được không quân Pakistan sử dụng. Theo không quân Pakistan, J-10 được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động và tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn hiện đại.
MINH ANH (tổng hợp)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.