Quân sự thế giới hôm nay (20-7): Bộ Quốc phòng Nga nhận xe tăng T-90M và T-72B3M cải tiến
Bộ Quốc phòng Nga nhận xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M và T-72B3M cải tiến; EU lên kế hoạch phân bổ 20 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine; Anh chi 1 tỷ bảng phát triển vũ khí siêu vượt âm là những nội dung chính trong Bản tin Quân sự thế giới hôm nay (20-7).
Bộ Quốc phòng Nga nhận xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M và T-72B3M cải tiến
Theo Military Leak, công ty cơ khí Uralvagonzavod của Nga vừa chuyển giao lô xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M “Proryv-3” và T-72B3M cải tiến cho Bộ Quốc phòng. Đáng chú ý là công ty Uralvagonzavod đã gia tăng đáng kể tốc độ sản xuất, gấp ba lần sản lượng của năm trước, giúp nhanh chóng chuyển giao xe tăng cho quân đội Nga phục vụ thực hiện nhiệm vụ trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Ông Alexander Potapov, Tổng giám đốc công ty cơ khí Uralvagonzavod, nhấn mạnh: “Các dòng xe tăng T-72, T-80 và T-90 tiếp tục được cải tiến dựa trên trải nghiệm chiến đấu và phản hồi từ các đội xe tăng tham gia hoạt động quân sự đặc biệt. Trong suốt quá trình này, các nhà thiết kế, kỹ sư, kỹ thuật viên công nghệ và công nhân của Uralvagonzavod đã tiến hành nhiều công việc để cải thiện các đặc tính kỹ-chiến thuật cho xe tăng”.
Việc hoàn thành các hợp đồng đại tu và hiện đại hóa xe tăng T-72B tiêu chuẩn thành xe tăng T-72B3M cải tiến, hiện đại hóa sâu xe tăng T-80BV thành xe tăng T-80BVM, và sản xuất mới xe tăng T-90M cho thấy sự hiệu quả trong sản xuất của công ty Uralvagonzavod, góp phần củng cố vị thế của Nga trong cấu trúc quân sự toàn cầu. Thông tin của Military Leak không cho biết lô xe tăng mới nhận của Bộ Quốc phòng Nga gồm bao nhiêu chiếc.
EU lên kế hoạch phân bổ 20 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine
Politico ngày 19-7 cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ đề xuất lập một quỹ chuyên duy trì viện trợ quân sự của Ukraine trong 4 năm tới với chi phí lên tới 20 tỷ euro (25,8 tỷ USD).
Trích dẫn nguồn tin từ một số nhà ngoại giấu tên, Politico cho biết quỹ này sẽ không liên quan đến việc EU trực tiếp trả tiền mua vũ khí cho Ukraine mà nguồn tiền từ quỹ sẽ được chuyển đến các quốc gia trong khối để trang trải chi phí mua và chuyển giao vũ khí, khí tài, đạn dược và hoạt động huấn luyện của các quốc gia này dành cho Ukraine. Đề xuất mới này sẽ do cơ quan ngoại giao của EU soạn thảo và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chiến lược an ninh cho Ukraine một cách hiệu quả với quy mô quỹ tăng gần gấp 5 lần so với con số 4 tỷ euro (5,16 tỷ USD) được phân bổ vào năm ngoái.
EU đặt mục tiêu thông qua đề xuất phân bổ 20 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine vào mùa thu năm nay. Ảnh: Militarnyi |
Hồi tháng trước, Đại diện cấp cao EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã đưa ra ý tưởng này trong Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels. Đề xuất về quỹ duy trì viện trợ quân sự mới này đã được gửi tới các nước thành viên EU từ đầu tuần và các bộ trưởng ngoại giao EU sẽ thảo luận vấn đề này vào ngày hôm nay 20-7. Thông tin từ một số nhà ngoại giao các nước EU cho biết mục tiêu của EU là thông qua đề xuất này vào mùa thu năm nay.
Liên minh châu Âu đã cố gắng thông qua việc tăng dần quỹ viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng nhiều lần bị cản trở bởi khác biệt về quan điểm chính trị giữa các quốc gia thành viên.
Anh sẵn sàng chi 1 tỷ bảng phát triển vũ khí siêu vượt âm
Theo Evening Standard, Bộ Quốc phòng Anh sẵn sàng chi 1 tỷ bảng (1,29 tỷ USD) để đẩy nhanh việc phát triển và mua sắm vũ khí siêu vượt âm. Cụ thể, Bộ Quốc phòng Anh mới đây đã ra thông báo mời thầu đối với các nhà cung cấp tiềm năng tham gia vào chương trình phát triển năng lực tấn công bằng vũ khí siêu vượt âm cho quân đội Anh. Mục tiêu là nhằm thiết lập một “Thỏa thuận khung về phát triển năng lực và công nghệ siêu vượt âm có sự tham gia của nhiều nhà cung cấp”, đẩy nhanh quá trình phát triển loại vũ khí này. Ngân sách dành cho cho chương trình này ước tính là 1 tỷ bảng (1,29 tỷ USD) thực hiện trong khoảng thời gian 7 năm.
Hoạt động của một số loại vũ khí siêu vượt âm. Ảnh: Army Recognition |
Theo định nghĩa cụ thể Bộ Quốc phòng Anh đưa ra trong thông báo, vũ khí siêu vượt âm tham gia chương trình phải là những loại vũ khí có thể duy trì vận tốc ít nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh và có khả năng thay đổi quỹ đạo trong hành trình bay đến mục tiêu. Còn theo định nghĩa chung của giới chuyên gia quân sự, tên lửa siêu vượt âm là tên lửa có khả năng di chuyển với vận tốc từ 5 đến 25 lần tốc độ âm thanh, tương đương khoảng từ 1,6km đến 8km/giây. Ở dải tốc này, các phân tử trong khí quyển bị phân tách thành plasma khiến việc điều khiển và liên lạc với tên lửa trở nên khó khăn. Chính vì vậy, trên thế giới chưa nhiều nước có khả năng phát triển được loại vũ khí này.
Vũ khí siêu vượt âm có thể bao gồm: Thiết bị lượn siêu vượt âm (hypersonic glide vehicle), tên lửa hành trình siêu vượt âm (hypersonic cruise missile), máy bay siêu vượt âm sử dụng động cơ khí như máy bay phản lực (hypersonic aircraft), đại bác siêu vượt âm phát triển từ súng pháo truyền thống hoặc các công nghệ mới như súng điện từ (hypersonic cannon), tên lửa đạn đạo di chuyển với tốc độ siêu vượt âm ở giai đoạn quay trở lại bầu khí quyển (giai đoạn cuối) (hypersonic ballistic missile).
HỮU DƯƠNG (thực hiện)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.