Quân sự thế giới hôm nay (22-5): Argentina đàm phán mua 3 tàu ngầm của Pháp và Đức
Quân sự thế giới hôm nay (22-5-2024) có những nội dung sau: Colombia cân nhắc mua máy bay vận tải ATR-42, Tây Ban Nha sẽ chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine vào cuối tháng 6, Argentina đàm phán mua 3 tàu ngầm của Pháp và Đức
* Colombia cân nhắc mua máy bay vận tải ATR-42
Trang InfoDefensa mới đây đưa tin Colombia đang quan tâm đến việc mua 2 máy bay ATR-42/600 nhằm tăng cường phương tiện cho quân đội nước này trong vận chuyển binh lính, thiết bị hoặc vật tư một cách nhanh chóng và an toàn.
Máy bay vận tải ATR-42/600. Ảnh: ATR |
Một trong những ưu điểm của mẫu máy bay này là chi phí vận hành thấp và dễ dàng thay thế phụ tùng. Bên cạnh đó, ATR-42 còn được trang bị hệ thống cho phép chuyển đổi nhanh chóng từ cấu hình hành khách sang vận tải và ngược lại.
Ở cấu hình hành khách, ATR-42/600 mang đến sự thoải mái với sức chứa từ 30 đến 50 chỗ ngồi, có không gian rộng rãi và khoang để đồ phía trên lớn. Đây là loại máy bay hiện đại nhất trong phân khúc, phù hợp với các sân bay không trải nhựa, đường băng ngắn và hẹp cũng như điều kiện môi trường khắc nghiệt. Hệ thống điện tử hàng không tiên tiến của máy bay được phát triển liên tục, cung cấp các chức năng công nghệ cao.
Được trang bị động cơ PW127XT mới của Pratt & Whitney Canada, ATR-42/600 mang lại hiệu suất kinh tế vượt trội với mức tiêu thụ nhiên liệu giảm 30% so với các máy bay phản lực có kích thước tương tự trong khu vực. Ngoài ra, chi phí bảo trì của phương tiện cũng giảm 20% và chi phí vận hành thấp hơn 50%.
ATR-42/600 có trọng lượng cất cánh tối đa 18,6 tấn và trọng lượng hạ cánh tối đa 18,3 tấn. Trọng lượng rỗng khi vận hành của máy bay là 11,75 tấn, với trọng tải tối đa là 5,25 tấn và sức chứa nhiên liệu tối đa là 4,5 tấn.
* Tây Ban Nha sẽ chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine vào cuối tháng 6
Theo Army Recognition, Tây Ban Nha sẽ gửi một hệ thống Patriot mới tới Ukraine vào cuối tháng 6, nhằm đáp lại những yêu cầu liên tục của Kiev về việc bổ sung các hệ thống phòng không nhằm đối phó với các cuộc không kích dữ dội của Nga.
Patriot là hệ thống tên lửa đất đối không do Raytheon của Mỹ phát triển cho quân đội nước này và các nước đồng minh. Ảnh: Spanish MoD |
Hệ thống Patriot, do Tây Ban Nha và các đồng minh khác cung cấp, giữ vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường khả năng phòng không của Ukraine. Kể từ tháng 3, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trên không, nhằm vào các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng quan trọng khác ở Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles thông báo dự kiến hệ thống Patriot sẽ đến trong tháng 6 tới. Ukraine hiện có một tổ hợp Patriot do Mỹ cung cấp, một tổ hợp khác do Đức cung cấp và hai bệ phóng bổ sung do Hà Lan gửi đến.
MIM-104 Patriot là hệ thống tên lửa đất đối không trang bị cho Lục quân Mỹ và các đồng minh. Được phát triển bởi Raytheon và triển khai lần đầu tiên vào năm 1984, hệ thống này đã trải qua nhiều lần nâng cấp. Patriot được tích hợp hệ thống radar và tên lửa đánh chặn, có khả năng phát hiện hơn 100 mục tiêu trên không và tấn công đồng thời nhiều mục tiêu. Đây là hệ thống tên lửa phòng thủ tầm xa đa năng, với tầm bắn dao động từ 70-160km, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết.
Hệ thống Patriot được sử dụng ở một số quốc gia, bao gồm Đức, Hy Lạp, Israel, Nhật Bản, Jordan, Kuwait, Morocco, Hà Lan, Ba Lan, Qatar, Romania, Saudi Arabia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Ukraine, UAE và Mỹ.
* Argentina đàm phán mua 3 tàu ngầm của Pháp và Đức
Mới đây, Chánh văn phòng Nội các Argentina Nicolás Posse tiết lộ Argentina đang đàm phán với tập đoàn Naval Group của Pháp và công ty ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS) của Đức để mua 3 tàu ngầm. Động thái này nhằm khôi phục khả năng chiến đấu tàu ngầm của quốc gia để duy trì sự cân bằng ở Nam Đại Tây Dương.
Type 209 là tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel-điện do công ty ThyssenKrupp Marine Systems phát triển cho mục đích xuất khẩu. Ảnh: Argentine MoD |
Theo đó, Argentina có kế hoạch mua tàu ngầm lớp Scorpene của Naval Group và tàu ngầm Type 209 của TKMS. Cả hai công ty đều đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn, nhưng quá trình lựa chọn và mua sẽ mất nhiều năm, đặc biệt là trong tình hình kinh tế đầy thách thức của Argentina.
Hiện nay, lực lượng tàu ngầm của Argentina dựa vào sự hỗ trợ huấn luyện từ các quốc gia như Peru và Brazil. Hải quân Argentina dự định sẽ mua 3 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ thông thường và có thể lắp ráp một phần ở Argentina.
Các tàu ngầm lớp Scorpene do Naval Group thiết kế có chiều dài từ 66 đến 82m, tùy theo từng biến thể. Chúng thường có lượng giãn nước dao động từ 1.700 đến 2.000 tấn và có thể chở thủy thủ đoàn từ 31 đến 35 người.
Lớp Scorpene được trang bị hệ thống động cơ đẩy diesel-điện, sử dụng công nghệ MESMA giúp kéo dài khả năng chịu đựng dưới nước của phương tiện. Lớp Scorpene rất linh hoạt, có thể hỗ trợ các nhiệm vụ như tác chiến chống tàu mặt nước, chống ngầm, tấn công tầm xa, hoạt động đặc biệt và thu thập thông tin tình báo. Tàu được trang bị hệ thống sonar tiên tiến và có thể phóng nhiều loại vũ khí khác nhau như tên lửa chống hạm SM-39 Exocet và ngư lôi Black Shark.
Tàu ngầm Type 209 do công ty TKMS của Đức phát triển đã trở thành vũ khí chủ lực của hải quân nhiều nước. Tàu có chiều dài từ 55 đến 64m và có lượng giãn nước từ 1.100 đến 1.600 tấn tùy vào từng biến thể.
Tương tự như lớp Scorpene, Type 209 có thể chở thủy thủ đoàn từ 30 đến 35 người. Tàu có thiết kế chắc chắn và độ tin cậy cao, chủ yếu được sử dụng cho các nhiệm vụ phòng thủ bờ biển và chống tàu nổi/tàu ngầm. Type 209 được trang bị nhiều loại ngư lôi và mìn khác nhau cùng hệ thống sonar hiện đại.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.