Quân sự thế giới hôm nay (5-9): Nga gửi máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160 tới Nam Phi
Quân sự thế giới hôm nay (5-9-2024) có những nội dung sau: Nga gửi máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160 tới Nam Phi; Hàn Quốc có kế hoạch mua đạn tuần kích Warmate của Ba Lan; Ukraine bắt tay Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo xe bọc thép chở quân Varta 2 4x4.
* Nga gửi máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160 tới Nam Phi
Nga gửi máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tupolev Tu-160 tới Nam Phi để tham gia Triển lãm Hàng không vũ trụ và Quốc phòng châu Phi 2024 (AAD 2024), sự kiện quốc phòng và hàng không vũ trụ lớn nhất châu lục này.
Máy bay ném bom Tu-160. Ảnh: Russian Air Force |
Theo đó, AAD 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Pretoria của Nam Phi, từ ngày 18 đến ngày 22-9. Trước thềm sự kiện, một phái đoàn quân đội Nga đã đến thăm sân bay gần Pretoria để lập kế hoạch triển khai máy bay ném bom tầm xa Tu-160 tại địa điểm diễn ra triển lãm.
Kế hoạch gửi Tu-160 đến Nam Phi để tham gia AAD 2024 là dịp để Nga phô trương sức mạnh quân sự và củng cố các mục tiêu chiến lược của Moscow ở châu Phi, cũng như tăng cường quan hệ quốc phòng với Nam Phi. Tham gia triển lãm cũng là một cơ hội để Nga thúc đẩy hoạt động xuất khẩu quốc phòng. Tu-160, một trong những công nghệ quân sự tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Nga, thu hút được sự quan tâm của các quốc gia châu Phi đang tìm cách tăng cường tiềm lực quân sự.
Tupolev Tu-160, định danh NATO: Blackjack, là máy bay ném bom hạng nặng siêu thanh, do Liên Xô thiết kế. Máy bay có vẻ ngoài tương tự như B-1 Lancer của Mỹ nhưng có kích thước, tốc độ và phạm vi chiến đấu lớn hơn. Đây cũng là máy bay chiến đấu có góc quét thay đổi lớn nhất từng được chế tạo. Trong khi B-1 sơn màu đen để hấp thụ sóng radar, Tu-160 có màu trắng để chống lại các tia phóng xạ phát ra khi có vụ nổ hạt nhân ở gần.
Tu-160 có sải cánh rộng 55,7m, dài 54,1 m và cao 13,1m. Được trang bị 4 động cơ NK-32, máy bay có thể đạt tốc độ tối đa 2.531km/giờ, trọng lượng cất cánh tối đa là 275 tấn, phạm vi hoạt động 12.300km.
Tu-160 có thể mang theo 45 tấn vũ khí bên trong 2 khoang vũ khí. Bên cạnh đó, 2 bệ phóng tên lửa trên máy bay có thể chứa 6 tên lửa hành trình Kh-55SM/101/102/555 hoặc 12 tên lửa tầm ngắn AS-16 Kickback mỗi bên.
* Hàn Quốc có kế hoạch mua đạn tuần kích Warmate của Ba Lan
Theo Army Recognition, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc mới đây đã yêu cầu Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) đặt mua khoảng 200 đạn tuần kích Warmate do Ba Lan sản xuất, với tổng chi phí ước tính khoảng 14,6 tỷ won. Theo hợp đồng, số đạn này sẽ được giao trước một phần vào cuối năm nay và số còn lại sẽ giao trong năm tới.
Warmate là đạn tuần kích, hay còn gọi là UAV cảm tử, do Ba Lan sản xuất. Ảnh: WB Group |
Warmate là một loại đạn tuần kích, hay còn gọi là thiết bị bay không người lái (UAV) cảm tử, do công ty quốc phòng Ba Lan WB Group sản xuất. Dòng Warmate gồm nhiều phiên bản, mỗi bản được thiết kế cho từng hoạt động cụ thể, bao gồm trinh sát và tấn công.
Nguyên mẫu của UAV này được giới thiệu vào năm 2016, có phạm vi hoạt động 30km và thời gian bay khoảng 70 phút. Warmate có khả năng mang nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm đầu đạn nổ mạnh (HE), đầu đạn phân mảnh (FRAG) và đầu đạn nổ mạnh chống tăng (HEAT). UAV có chiều dài 1,2m, sải cánh rộng 1,6m và có trọng lượng cất cánh tối đa 5,7kg. Được trang bị 1 động cơ điện với cánh quạt đẩy, Warmate có thể đạt tốc độ bay hành trình 80km/giờ.
Warmate 2, một biến thể tiên tiến hơn, có phạm vi hoạt động lên tới 240km và có thể mang đầu đạn nặng hơn để nhắm mục tiêu vào xe bọc thép và sở chỉ huy. Warmate 2 cũng có khả năng kiểm soát bay, khả năng chống chịu thời tiết và khả năng chiến đấu ban đêm được cải thiện.
Một trong những điểm đáng chú ý của Warmate là khả năng hoạt động như một hệ thống độc lập, có thể được vận chuyển hoặc mang theo bằng đường bộ hoặc các đơn vị lực lượng đặc biệt. Warmate cung cấp một giải pháp thay thế cho tên lửa chống tăng có điều khiển thông thường, vì nó có thể hoạt động trong bán kính rộng hơn, cho phép phát hiện và quan sát các mục tiêu tiềm ẩn trong thời gian dài hơn. Hệ thống cũng có thể được trang bị đầu đạn tìm kiếm bằng laser nếu cần.
* Ukraine bắt tay Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo xe bọc thép chở quân Varta 2 4x4
Mới đây, tại Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế (MSPO 2024) diễn ra ở Kielce (Ba Lan), công ty Ukrainian Armor của Ukraine đã giới thiệu xe chiến đấu bọc thép mới có tên Varta 2.
Xe bọc thép chở quân Varta 2 4x4 của Ukraine. Ảnh: Army Recognition |
Phương tiện này, được thiết kế như một xe bọc thép chở quân (APC), dựa trên kinh nghiệm trong việc sản xuất các mẫu trước đó như Varta, Novator và Kamrat. Varta 2 được phát triển nhằm đáp ứng các nhu cầu tác chiến của lực lượng vũ trang Ukraine, kết hợp các tính năng bảo vệ và di chuyển tiên tiến phù hợp với môi trường chiến đấu hiện đại.
Với trọng lượng 14 tấn, Varta 2 nhẹ hơn so với phiên bản trước nhưng được tăng cường khả năng bảo vệ. Xe có lớp giáp theo tiêu chuẩn NATO STANAG cấp 3, có khả năng chống lại các mối đe dọa động học và mìn. Được trang bị động cơ Cummins ISB 6.7 công suất 360 mã lực và hộp số tự động Allison 3200SP, xe có thể đạt tốc độ tối đa 110km/giờ.
Vũ khí được trang bị trên Varta 2 bao gồm trạm vũ khí điều khiển từ xa Sich tích hợp pháo tự động 30mm và súng máy 7,62mm. Bên cạnh đó, xe cũng được trang bị súng phóng lựu khói Tucha.
Đáng chú ý, quá trình phát triển Varta 2 có sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Khung gầm của Varta 2 hiện được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ, đảm bảo chất lượng cũng như đáp ứng được nhu cầu hoạt động của lực lượng Ukraine.
Để tăng cường hơn nữa khả năng chiến đấu trên chiến trường, Varta 2 được tích hợp máy bay không người lái trinh sát có phạm vi hoạt động lên tới 30km và hệ thống tác chiến điện tử KVERTUS AD KRAKEN, giúp bảo vệ phương tiện trước UAV của đối phương. Việc trang bị các hệ thống radar thụ động cho phép xe phát hiện và theo dõi mục tiêu mà không phát xạ chủ động, nâng cao sự an toàn của kíp điều khiển và hiệu quả hoạt động của phương tiện.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.