• Click để copy

Quân sự thế giới hôm nay (7-3): Triều Tiên sắp có “radar bay” đầu tiên?

Quân sự thế giới hôm nay (7-3) có những nội dung sau: Triều Tiên sắp có “radar bay” đầu tiên? Mỹ bắt đầu thử nghiệm tàu chiến đầu tiên tự động hoàn toàn, Brazil muốn Anh chuyển giao công nghệ sản xuất lựu pháo hạng nhẹ 105mm.

* Triều Tiên sắp có “radar bay” đầu tiên?

Army Recognition dẫn hình ảnh vệ tinh được công bố bởi trang 38 North cho biết Triều Tiên có vẻ sắp hoàn tất quá trình cải tiến máy bay vận tải chiến lược Il-76 từ thời Liên Xô thành máy bay cảnh báo sớm trên không đầu tiên của nước này.

Theo đó, hình ảnh vệ tinh xác định máy bay nói trên đỗ ở sân bay Sunan tại Thủ đô Bình Nhưỡng, bên ngoài máy bay có lắp đặt một lớp bảo vệ (radome) chống mưa, chống bụi cho ăng-ten của radar. Phía trên của lớp bảo vệ có hình tròn được chia thành các khu vực hình tam giác đều, tương tự với hình dáng một số máy bay cảnh báo sớm trên không của Trung Quốc và không giống với các máy bay cùng loại của Mỹ hay Nga.

Quân sự thế giới hôm nay (7-3): Triều Tiên sắp có “radar bay” đầu tiên?
Hình ảnh vệ tinh được cho là chiếc máy bay vận tải chiến lược Il-76 được Triều Tiên cải tạo thành “radar bay” đầu tiên. Ảnh: 38 North

Army Recognition đánh giá việc lắp đặt lớp bảo vệ trên cho thấy Triều Tiên đã bước vào giai đoạn hoàn thiện chiếc máy bay cảnh báo sớm trên không đầu tiên.

Ban đầu, chiếc Il-76 này nằm trong phi đội vận tải thuộc sở hữu của hãng hàng không quốc doanh Air Koryo của Triều Tiên. Từ tháng 10-2024, đã có phỏng đoán rằng Bình Nhưỡng đang cải tiến máy bay này thành máy bay cảnh báo sớm trên không.

Theo Army Recognition, việc phát triển máy bay cảnh báo sớm trên không sẽ cho phép Triều Tiên phát hiện các mối đe dọa bay thấp như tên lửa hành trình, mà các hệ thống radar mặt đất của nước này khó phát hiện do địa hình đồi núi. Phạm vi phủ sóng của radar trên không sẽ cải thiện nhận thức tình huống của quân đội Triều Tiên và có khả năng tăng cường mạng lưới phòng không của nước này.

Tuy nhiên, đến nay các phương tiện truyền thông chính thức của Triều Tiên vẫn chưa đưa ra bất cứ công bố hay bình luận nào về dự án này.

* Mỹ bắt đầu thử nghiệm tàu chiến đầu tiên tự động hoàn toàn

Theo Naval News, USX-1 Defiant, tàu chiến đầu tiên hoàn toàn tự động của Mỹ, đã bước vào giai đoạn thử nghiệm, đánh dấu một cột mốc quan trọng cho chương trình tàu chiến không người lái (NOMARS) khởi xướng bởi Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) trực thuộc Lầu Năm Góc.

Quân sự thế giới hôm nay (7-3): Triều Tiên sắp có “radar bay” đầu tiên?
Mỹ bắt đầu thử nghiệm tàu chiến đầu tiên hoàn toàn tự động USX-1 Defiant. Ảnh: Naval News 

Việc đóng USX-1 Defiant đã được hãng Serco hoàn thành tại một xưởng đóng tàu ở bang Washington vào tháng 2 vừa qua. Thông tin ít ỏi về tàu cho biết nó dài 55m, nặng 240 tấn, có thể được trang bị vũ khí và có khả năng hoạt động độc lập trong thời gian dài trên biển mà không cần sự can thiệp của con người. Trong tất cả các bức ảnh về USX-1 Defiant, boong tàu đều được che phủ chắc chắn bởi các tấm bạt nhằm giữ bí mật.

Naval News cho hay, không giống như các tàu mặt nước không người lái trước đây, thường là phiên bản được cải tiến của các tàu có người lái hiện có, USX-1 Defiant được thiết kế từ đầu mà không có bất kỳ sự chuẩn bị nào cho sự hiện diện của thủy thủ đoàn. Thiết kế này tập trung vào hiệu quả thủy động lực học, khả năng tàng hình khi vận hành và khả năng phục hồi trước các điều kiện môi trường và các mối đe dọa.

Theo công bố của Bộ Quốc phòng Mỹ, mục đích của chương trình NOMARS là phát triển các loại tàu chiến có thể hoạt động độc lập, loại bỏ thủy thủ đoàn và các biện pháp an toàn sinh mạng trên tàu. Trước đó, một số thử nghiệm cho chương trình đã được DARPA thực hiện bằng cách sử dụng hai tàu nổi không người lái (USV) thử nghiệm là Ranger và Mariner.

* Brazil muốn Anh chuyển giao công nghệ sản xuất lựu pháo hạng nhẹ 105mm

Trang Defesa Aerea & Naval của Brazil đưa tin, quân đội nước này đã thảo luận với nhà thầu quốc phòng BAE Systems của Anh về giấy phép sản xuất các hệ thống lựu pháo hạng nhẹ 105mm của hãng này tại quốc gia Nam Mỹ.

Trong các cuộc thảo luận, quân đội Brazil đánh giá cao dòng lựu pháo của BAE Systems, vốn đang trong biên chế của lực lượng này. Việc nội địa hóa sản phẩm trên đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Brasilia nhằm tăng cường năng lực quân sự, đặc biệt là hiện đại hóa các đơn vị pháo binh dã chiến.

Quân sự thế giới hôm nay (7-3): Triều Tiên sắp có “radar bay” đầu tiên?
Một hệ thống lựu pháo hạng nhẹ 105mm của BAE Systems trong biên chế quân đội Brazil. Ảnh: Army Recognition  

Thời gian qua, lựu pháo hạng nhẹ 105mm của BAE Systems được nhiều quốc gia tin dùng nhờ sự kết hợp giữa tính cơ động cao và hỏa lực mạnh, có nhiệm vụ chủ yếu là yểm trợ lực lượng bộ binh. Với trọng lượng khoảng 1.700kg, đây là một trong những hệ thống pháo kéo dã chiến nhẹ nhất, giúp pháo có khả năng thích ứng cao để triển khai nhanh chóng trên nhiều địa hình khác nhau, từ địa hình đồi núi đến sa mạc, cũng như dễ dàng và nhanh chóng thay đổi vị trí để tránh hỏa lực phản pháo sau khi khai hỏa. Tầm bắn của lựu pháo là 17km với đạn tiêu chuẩn và đạt 30km với đạn tăng tầm, với kíp chiến đấu đầy đủ từ 5 tới 7 người và tốc độ bắn 6 đến 8 phát/phút.

Cũng nhờ trọng lượng nhẹ, hệ thống này thường được kéo bằng các loại xe tải hoặc các loại xe bánh hơi có khả năng việt dã cao, hoặc cũng có thể được vận chuyển đường không bằng các loại trực thăng và các phương thức đổ bộ khác như thả dù.

MINH ANH (tổng hợp)

Tin mới

Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin

Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.

Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện

Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.

Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?

Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.

TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng

Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.

Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao

Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.

Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B

Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.