Quân sự thế giới hôm nay (9-5): Nga nhận xe chiến đấu bộ binh mới, Hà Lan sắp giao F-16 cho Ukraine
Quân sự thế giới hôm nay (9-5-2024) có những nội dung sau: Quân đội Nga nhận một loạt xe chiến đấu bộ binh mới, Hải quân Philippines lần đầu bắn thành công tên lửa chống hạm từ tàu khu trục BRP Jose Rizal, Hà Lan có kế hoạch chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine.
* Quân đội Nga nhận một loạt xe chiến đấu bộ binh mới
Mới đây, tập đoàn Rostec của Nga thông báo rằng quân đội nước này vừa tiếp nhận một loạt xe chiến đấu bộ binh BMP-3 được trang bị hệ thống ngụy trang Nakidka và BMD-4M từ nhà cung cấp Kurganmashzavod.
![]() |
Công ty Kurganmashzavod của Nga cung cấp thêm xe chiến đấu bộ binh BMD-4M cho quân đội Nga. Ảnh: Bulgarian Military |
Đây là lô xe BMD-4M đầu tiên và lô xe BMP-3 thứ hai được giao trong năm nay. Lô BMP-3 đầu tiên được giao vào cuối tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, Rostec và Kurganmashzavod quyết định không tiết lộ chính xác số lượng xe cụ thể.
Việc tăng cường sản xuất và cung cấp các phương tiện chiến đấu tiên tiến này nhấn mạnh khả năng phục hồi nhanh chóng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga trong bối cảnh phải giải quyết các nhu cầu cấp thiết của lực lượng vũ trang tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine. BMP-3 và BMD-4M là một trong những loại thiết giáp chiến đấu tiên tiến nhất trong phân khúc, được trang bị để tăng cường hỏa lực, tính cơ động và khả năng bảo vệ cho lực lượng bộ binh trong các tình huống chiến đấu đa dạng.
Sau khi tiến hành các phân tích chuyên sâu về hoạt động chiến đấu ở Ukraine, các chuyên gia đã nâng cao khả năng hoạt động của thiết giáp BMP-3. Các biến thể BMP-3 mới nhất đã được tích hợp công nghệ ngụy trang Nakidka để đối phó với các hệ thống tên lửa và radar của Ukraine. Hệ thống này không chỉ giúp bảo vệ phương tiện trước sóng radar, ảnh nhiệt và hệ thống quang học của tên lửa chống tăng, mà còn cung cấp khả năng ngụy trang cho phương tiện bằng cách sử dụng lớp sơn phủ đặc biệt.
Cả 2 phương tiện chiến đấu bộ binh BMP-3 và BMD-4M đều sở hữu hỏa lực mạnh mẽ với pháo chính 100mm, pháo phụ tự động 30mm, súng máy 7,62mm và tên lửa dẫn đường chống tăng. Ngoài ra, xe còn có khả năng lội nước và hoạt động trên nhiều địa hình khác nhau.
* Hải quân Philippines lần đầu bắn thành công tên lửa chống hạm từ tàu khu trục BRP Jose Rizal
Trong cuộc tập trận quân sự chung thường niên “Balikatan 2024” giữa Philippines và Mỹ diễn ra từ ngày 22-4 đến 8-5 ngoài vùng biển Manila, tàu khu trục BRP Jose Rizal của Hải quân Philippines lần đầu tiên bắn thành công tên lửa hành trình chống hạm SSM-700K.
![]() |
Diễn tập đánh chìm tàu trong cuộc tập trận Balikatan 2024. Ảnh: US DoD |
Với lượng giãn nước 2.600 tấn, BRP Jose Rizal có chiều dài 107m và rộng 13,8m, mang lại sự ổn định và độ bền đáng kể cho các nhiệm vụ dài ngày trên biển. Sử dụng hệ thống động cơ diesel và tuabin khí kết hợp (CODAD) với 4 động cơ diesel 12 xi-lanh MTU-STX, tàu có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 46km/giờ và tầm hoạt động 8.300km. Tàu có khả năng hoạt động liên tục trên biển trong 30 ngày với thủy thủ đoàn khoảng 110 người.
BRP Jose Rizal được trang bị hệ thống vũ khí hiện đại như pháo hạm Super Rapid OTO Melara 76mm, hệ thống pháo điều khiển từ xa Aselsan SMASH 30mm và 4 súng máy hạng nặng S&T Motiv K6.
Một trong những vũ khí tấn công đáng chú ý của tàu là tên lửa SSM-700K C-Star, một loại tên lửa chống hạm do Hàn Quốc phát triển. Tên lửa có thể đạt tốc độ Mach 0,95, sử dụng dẫn đường quán tính được hỗ trợ bởi GPS ở giữa hành trình và radar chủ động để nhắm mục tiêu ở giai đoạn cuối. Tên lửa có tầm bắn hơn 180km và được trang bị động cơ phản lực.
Ngoài ra, BRP Jose Rizal còn được tích hợp các radar tiên tiến như radar mảng pha Hensoldt TRS-3D cho hoạt động tìm kiếm mục tiêu, radar điều khiển hỏa lực Selex NA-25X, cùng hệ thống giám sát quang-điện tử Safran PASEO NS và hệ thống tác chiến điện tử Elbit Systems Elisra NS9300A.
* Hà Lan có kế hoạch chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren vừa tuyên bố rằng quốc gia này đang xem xét việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine vào mùa thu năm nay, sau khi Đan Mạch chuyển giao máy bay này cho Ukraine vào mùa hè.
![]() |
F16 Fighting Falcon của Không quân Hoàng gia Hà Lan. Ảnh: US DoD |
Trước đó, Hà Lan đã cam kết cung cấp 24 máy bay phản lực thế hệ thứ tư do Mỹ sản xuất F-16 cho Ukraine. Cam kết chuyển giao này đánh dấu một bước ngoặt trong việc Ukraine nhận hỗ trợ quốc tế trong cuộc xung đột với Nga. F-16 được cho là sẽ giúp tăng cường năng lực phòng không của Ukraine nhờ được tích hợp công nghệ vượt trội, bao gồm các radar tiên tiến giúp giảm thiểu những bất lợi trong việc bị phát hiện bởi máy bay Nga, đồng thời cho phép Ukraine phát hiện và tấn công các mối đe dọa với độ chính xác cao hơn, từ khoảng cách xa hơn.
Tuy nhiên, việc trang bị F-16 cho lực lượng vũ trang Ukraine cũng đặt ra không ít khó khăn trong quá trình đào tạo cho phi công và nhân viên hỗ trợ cũng như điều chỉnh cơ sở hạ tầng. Khóa đào tạo diễn ra ở các quốc gia như Đan Mạch, Romania và Mỹ, có thể kéo dài trong nhiều tháng.
F-16 Fighting Falcon là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư do tập đoàn General Dynamics của Mỹ phát triển. Máy bay có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như ném bom mục tiêu mặt đất, hỗ trợ tác chiến và chế áp hệ thống phòng không của đối phương, cũng như trinh sát và tác chiến điện tử.
F-16 được lắp đặt hệ thống radar tiên tiến AN/APG-68, giúp tăng cường khả năng phát hiện và theo dõi, cho phép tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Sự linh hoạt và sức mạnh của F-16 là nhờ được trang bị động cơ phản lực hiệu suất cao, hỗ trợ các thao tác tấn công cũng như phòng thủ trong các tình huống chiến đấu. Sử dụng động cơ phản lực Pratt & Whitney F100-PW-229, F-16 có thể đạt tốc độ trên Mach 2. Cấu trúc tương đối nhẹ kết hợp với sải cánh rộng 9,8m cùng tải trọng của cánh và tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao, giúp tối ưu hóa hiệu suất của máy bay trong quá trình tác chiến trên không.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
Tin mới
Đông Nam Bộ: Xuất hiện đợt triều cường mới ven biển
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 11-4 đến 17-4, khu vực ven biển Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện một đợt triều cường với mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu trong khoảng thời gian này có khả năng dưới 4m. Người dân cần đề phòng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, ven sông và vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía Đông Nam Bộ.
Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1979/QĐ-UBND, ngày 10-4-2025 về việc thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành phố Hà Nội năm 2025.
Quy hoạch hạ tầng số để phát triển mạng di động 5G
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ký ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BKHCN, quy định chi tiết về quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện cho nghiệp vụ cố định băng tần 71-76 GHz và 81-86 GHz (băng tần E). Thông tư có hiệu lực từ ngày 15-5-2025.
Thuế quan của Mỹ: Tổng thống Mỹ Donald Trump lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận với Trung Quốc dù cuộc chiến thuế quan tiếp tục leo thang khi ông tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc lên 145%.
Unilever đầu tư nhà máy 800 triệu USD tại Mexico bất chấp chính sách thuế của Mỹ
Tập đoàn hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới Unilever đang lên kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy trị giá 800 triệu USD tại bang Nuevo León, miền Bắc Mexico, trong đó đa số sản phẩm sẽ được xuất sang thị trường Mỹ và Canada, bất chấp những thách thức liên quan đến chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump.
Iran cảnh báo có thể trục xuất các thanh sát viên hạt nhân của Liên hợp quốc
Ngày 10-4, một cố vấn của nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei cảnh báo rằng Iran có thể trục xuất các thanh sát viên thuộc cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc khi "các mối đe dọa" gia tăng trước các cuộc đàm phán quan trọng với Mỹ.