Quân sự thế giới hôm nay (9-7): Nga tiếp tục sử dụng tên lửa siêu vượt âm Zircon và Kinzhal ở Ukraine
Quân sự thế giới hôm nay (9-7-2024) có những nội dung sau: Nga tiếp tục sử dụng tên lửa siêu vượt âm Zircon và Kinzhal ở Ukraine, Otokar ra mắt phương tiện mặt đất không người lái mới, Nhật Bản thử nghiệm đạn lướt siêu tốc.
* Nga tiếp tục sử dụng tên lửa Zircon và Kinzhal ở Ukraine
Theo báo cáo của Không quân Ukraine, ngày 8-7, lực lượng Nga đã triển khai 38 tên lửa tầm xa để thực hiện một loạt các cuộc tấn công vào Kiev, Dnipro, Kryvyi Rih và một số thành phố khác của Ukraine.
Tiêm kích MiG-31 mang theo tên lửa Kh-47M2 Kinzhal. Ảnh: Sputnik |
Đây là một trong những vụ tấn công quy mô lớn ở Ukraine kể từ đầu năm. Các cuộc tấn công này được thực hiện bởi máy bay Tu-95, Tu-22 và MiG-31K.
Cụ thể, Nga đã phóng 1 tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal, 1 tên lửa siêu vượt âm 3M22 Zircon, 4 tên lửa đạn đạo Iskander OTRK, 14 tên lửa hành trình Kalibr, 13 tên lửa hành trình Kh-101, 2 tên lửa khí động Kh-22 và 3 tên lửa dẫn đường Kh-59/Kh-69.
3M22 Zircon là tên lửa siêu vượt âm được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ chống hạm, tấn công mặt đất và phóng từ tàu ngầm. Tên lửa có thể mang đầu đạn nổ mạnh (HE) hoặc đầu đạn hạt nhân, tầm bắn tối đa 1.000km và có thể đạt tốc độ tối đa Mach 9 (tương đương 11.000km/giờ). Tốc độ này khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại gặp khó khăn trong việc đánh chặn, nâng cao hiệu quả của tên lửa trong việc xuyên thủng hệ thống phòng thủ của đối phương. Ngoài ra, tốc độ siêu vượt âm của Zircon làm ion hóa không khí xung quanh, tạo ra đám mây plasma trong giai đoạn hành trình, hấp thụ sóng vô tuyến và khiến các hệ thống radar chủ động khó phát hiện.
Kh-47M2 Kinzhal là tên lửa đạn đạo phóng từ máy bay do Nga chế tạo, có tầm bắn hơn 2.000km, vận tốc siêu vượt âm đạt tới Mach 10-12 và có khả năng thực hiện các thao tác thay đổi quỹ đạo để né tránh tên lửa phòng không đối phương ở mọi giai đoạn khi bay. Tên lửa này có thể mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân và có thể được phóng từ máy bay Tupolev Tu-22M3M hoặc tiêm kích MiG-31K. Đây là 1 trong 3 vũ khí siêu vượt âm tiên tiến mà Nga đưa vào trang bị năm 2018 (2 loại vũ khí còn lại là tên lửa Avangard và 3M22 Zircon).
* Otokar ra mắt phương tiện mặt đất không người lái mới
Công ty Otokar của Thổ Nhĩ Kỳ vừa ra mắt một phương tiện mặt đất không người lái (UGV) mới có tên gọi ALPAR.
Otokar giới thiệu UGV ALPAR tại Triển lãm Eurosatory 2024 diễn ra ở Paris vào tháng 6 vừa qua. Ảnh: Army Registration Group |
Được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu tương tự xe chiến đấu bộ binh có người lái (IFV), ALPAR nâng cao khả năng sống sót và hiệu quả hoạt động trên chiến trường, cung cấp hỏa lực mạnh mẽ như các mẫu IFV tiêu chuẩn.
Là một mẫu UGV hạng trung, ALPAR có trọng lượng chiến đấu tối đa 15 tấn. Nền tảng mạnh mẽ này có khả năng hoạt động cùng với phương tiện có người lái và không người lái, đáp ứng nhu cầu đa dạng của lực lượng vũ trang. Một trong những tính năng nổi bật của ALPAR là khả năng kết nối liền mạch với máy bay không người lái và các vũ khí khác, tận dụng AI và phân tích dữ liệu để giảm số lượng nhân sự cần thiết. Điều này không chỉ làm giảm thương vong mà còn tăng hiệu quả của nhiệm vụ. UGV này có kích thước nhỏ gọn, giúp dễ dàng được vận chuyển bằng máy bay và nhanh chóng thích ứng với các tình huống chiến đấu khác nhau.
Thiết kế mô-đun của ALPAR cho phép phương tiện được cấu hình cho nhiều vai trò khác nhau, như hỗ trợ hỏa lực, hậu cần, phòng không và chống tăng. Tính linh hoạt này làm cho nó phù hợp cho các hoạt động trinh sát và giám sát. Xe có hệ thống truyền động điện hybrid, hoạt động êm ái. Đây là một lợi thế quan trọng cho các hoạt động đòi hỏi tính năng tàng hình và khả năng bị phát hiện thấp. ALPAR có thể được điều khiển từ xa hoặc vận hành tự động nhờ hệ thống hỗ trợ truyền động thích ứng do Otokar phát triển. Với tốc độ tối đa 70km/giờ và phạm vi hoạt động lên tới 500km, ALPAR có thể duy trì các nhiệm vụ mà không cần phải tiếp nhiên liệu hoặc thay pin thường xuyên.
Tại Triển lãm Vũ khí lục quân Eurosatory 2024, ALPAR được giới thiệu là được trang bị pháo tự động 30mm và 2 bệ phóng tên lửa dẫn đường chống tăng.
Với sự ra đời của ALPAR, Otokar đã thiết lập một tiêu chuẩn mới cho các phương tiện mặt đất không người lái, cho thấy tiềm năng tăng cường độ an toàn, hiệu quả và tính linh hoạt trong các hoạt động quân sự hiện đại. ALPAR thể hiện sự tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, nêu bật khả năng của quốc gia này trong việc phát triển công nghệ quân sự tiên tiến.
* Nhật Bản thử nghiệm đạn lướt siêu tốc
Mới đây, Cơ quan mua sắm, công nghệ và hậu cần Nhật Bản (ATLA) vừa công bố một đoạn video về việc lần đầu phóng thử đạn lướt siêu tốc (HVGP) tầm xa được chế tạo trong nước.
Hình ảnh phóng thử đạn lướt siêu tốc HVGP trong video do ALTA công bố. Ảnh: ATLA |
HVGP là loại vũ khí mới dự kiến sẽ được Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) triển khai từ năm 2026. Loại vũ khí siêu thanh này đang được phát triển để tăng cường khả năng phòng thủ trên đảo. Sau khi được phóng bằng động cơ đẩy từ bệ phóng gắn trên xe tải, đầu đạn tách ra và lướt đi để tấn công mục tiêu. Phạm vi tấn công ước tính là khoảng 900km.
Đoạn video cho thấy cuộc thử nghiệm được tiến hành vào ngày 23-3 năm nay tại California, Mỹ. Theo ATLA, mục đích là “để xác minh hệ thống đo lường cho các cuộc thử nghiệm phóng trong tương lai”.
Đạn lướt siêu tốc HVGP do công ty Mitsubishi Heavy Industries (MHI) nghiên cứu và phát triển từ năm 2018, với mục tiêu hoàn thành dự án phát triển vào năm 2025. Tuy nhiên, do nhiều mối đe dọa quân sự ngày càng tăng, việc sản xuất hàng loạt đạn HVGP đã được bắt đầu từ năm ngoái.
Cuộc thử nghiệm lần này là phóng thử loại đạn cơ bản nhất Block 1. Phiên bản Block 2A và 2B với tầm bắn mở rộng lần lượt lên tới 2.000 và 3.000km đã được lên kế hoạch phát triển và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2027 và 2030.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.