• Click để copy

Rạn nứt quan hệ, Đức và EU sẽ hạn chế nhập khẩu vũ khí Mỹ?

Kế hoạch tăng cường năng lực quốc phòng thông qua các biện pháp “tự lực cánh sinh” của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể tác động đáng kể đến ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Lãnh đạo Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) Friedrich Merz, người chuẩn bị đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Đức mới đây bày tỏ mong muốn EU nỗ lực tăng cường năng lực quốc phòng để tự bảo đảm an ninh cho khối này, một khi đồng minh lâu năm Mỹ “buông tay”. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh rạn nứt quan hệ giữa Mỹ và EU đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Trong cuộc phỏng vấn mới đây với truyền hình Đức, ông Merz tuyên bố: “Sau những phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước, rõ ràng là người Mỹ và chính quyền Mỹ không quan tâm nhiều đến số phận của châu Âu... Châu Âu đang ở giữa thời điểm đêm đen”.

Rạn nứt quan hệ, Đức và EU sẽ hạn chế nhập khẩu vũ khí Mỹ?
Năm 2024, Đức ký thỏa thuận mua 600 tên lửa PAC-3 MSE của nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin. Ảnh minh họa: Lockheed Martin 

Theo phân tích của một số chuyên gia quân sự trên trang Breaking Defense, việc quốc gia đầu tàu EU công khai bày tỏ ý định dẫn dắt EU trở nên “độc lập” với Mỹ có thể khiến ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và các đơn đặt hàng vũ khí trong tương lai từ Berlin trở nên bấp bênh. Trong đó, dư luận quan tâm liệu Đức có tiếp tục thực hiện thỏa thuận trị giá 8,8 tỷ USD mua 35 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin nữa hay không. Ngoài ra, hàng loạt hợp đồng “béo bở” mà Berlin đã ký với các đối tác Mỹ như Boeing và Raytheon có thể không tránh khỏi “bị xem xét lại”, trong đó có hợp đồng mua máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon, trực thăng vận tải hạng nặng CH-47F Chinook và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot.

Đánh giá mức độ rủi ro liên quan đến khả năng hủy bỏ 4 hợp đồng “khủng” nói trên, chuyên gia phân tích cấp cao JJ Gertler nói với Breaking Defense: “Hợp đồng mua F-35 hiện là thỏa thuận mua bán quan trọng nhất của Đức với phía Mỹ. Những gì vừa xảy ra rất có thể khiến Berlin cảm thấy hối hận và cố gắng xoay chuyển theo hướng khác”. Theo vị chuyên gia, thỏa thuận mua bán F-35 có tầm quan trọng hàng đầu vì nó đòi hỏi “mối quan hệ lâu dài với Mỹ, bởi Washington nắm quyền truy cập toàn bộ dữ liệu đầu ra, đầu vào” liên quan đến quá trình vận hành loại máy bay này.

“Thỏa thuận mua F-35 không phải là mua bán một lần dứt điểm như các trang bị, vũ khí khác và độ tin cậy Mỹ với tư cách là đối tác cần phải được xem xét nghiêm túc hơn”, ông JJ Gertler lưu ý. Có cùng quan điểm, Giám đốc điều hành công ty tư vấn AeroDynamic Advisory, ông Richard Aboulafia nhấn mạnh, khi đã mua F-35 là chấp nhận phụ thuộc hoàn toàn nguồn nâng cấp và phụ tùng thay thế từ nhà sản xuất. Do đó, để tránh phụ thuộc vào Mỹ, Đức cần hướng tới nhập khẩu các trang bị, vũ khí cho phép duy trì vận hành bằng các nguồn lực trong nước.

Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu quân sự Mỹ Jim Townsend lại nhận định, khó có khả năng thỏa thuận mua bán F-35 bị đe dọa, bởi Đức “không có lựa chọn nào khác” ngoài việc mua F-35 để thay thế các máy bay Tornado sắp đến "tuổi nghỉ hưu". Thỏa thuận đã ký, thời gian giao hàng cũng đến gần, nên việc đảo ngược các đơn hàng này khó có thể xảy ra. Theo kế hoạch, trong năm 2026, Đức sẽ nhận bàn giao loạt F-35, P-8A đầu tiên và sau đó nhận CH-47F trong năm 2027.

Đức đang rốt ráo đầu tư tăng cường năng lực phòng không quốc gia. Bằng chứng là chỉ trong năm 2024, Berlin đã ký hai đơn đặt hàng mua tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot trị giá 2,4 tỷ USD, mua 600 tên lửa PAC-3 MSE của Lockheed Martin cùng các thiết bị liên quan trị giá khoảng 5 tỷ USD. Đức cũng là một trong 4 quốc gia châu Âu tham gia thương vụ trị giá 5,5 tỷ USD để mua 1.000 tên lửa dẫn đường nâng cao Patriot GEM-T.

Không thể đảo ngược các thỏa thuận đã ký, tuy nhiên, giới phân tích đều chung nhận định, Đức cũng như nhiều nước EU có thể hạn chế các đơn hàng nhập khẩu vũ khí Mỹ trong tương lai. “Khó có sự ưu tiên nào đối với vũ khí Mỹ, khi mà vai trò của nước này như một bên bảo đảm an ninh cho EU còn đang rất mơ hồ. Thậm chí, Washington có thể mất hoàn toàn quyền tiếp cận thị trường EU nếu khối này ưu tiên thúc đẩy sản xuất quốc phòng nội khối”, các chuyên gia nhận định.  

HÀ PHƯƠNG

Tin mới

Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin

Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.

Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện

Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.

Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?

Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.

TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng

Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.

Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao

Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.

Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B

Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.