Sản xuất xanh - luật chơi mới để đầu tư và xuất khẩu
Tiêu dùng xanh không còn xa lạ mà đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Xu hướng tiêu dùng này đã và đang hình thành nên luật chơi mới về sản xuất, xuất khẩu và đầu tư. Đây là yêu cầu bắt buộc và là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) đón đầu xu hướng, tạo ra sự tăng trưởng đáng kể cho kết quả kinh doanh. Trong tiến trình này, DN rất cần trợ lực từ chính sách.
Đón cơ hội từ xu hướng tiêu dùng xanh
Sản xuất và tiêu dùng bền vững là việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cơ bản và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, đồng thời với việc giảm sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nguyên liệu độc hại và giảm phát thải các chất ô nhiễm trong toàn bộ vòng đời sản phẩm với mục tiêu không gây nguy hại cho các thế hệ tương lai.
Những thị trường truyền thống của Việt Nam như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... ngày càng có yêu cầu cao về các yếu tố bền vững. Nếu như trước đây, các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở những phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. Chẳng hạn, EU đang bắt đầu một chiến dịch mới cho hàng dệt may, bằng cách đưa ra các biện pháp tăng tính tuần hoàn, giảm chất thải từ dệt may.
Áp dụng khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất lao động, phát triển bền vững tại Tổng công ty May 10. Ảnh: ĐỨC QUANG |
Ngoài ra, EU cũng đang xem xét việc giới thiệu chi phí trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) rộng khắp châu Âu đối với hàng may mặc. Theo đó, EU buộc tất cả sản phẩm dệt may đưa vào thị trường đều phải bền, có thể sửa chữa và tái chế, giảm tác hại của thời trang nhanh với nền kinh tế. Ngoài ra, EU cũng có quy định mới, cấm hàng hóa có xuất xứ từ đất rừng bị phá hoặc góp phần làm suy thoái rừng. Quy định nhằm góp phần giải quyết nạn phá rừng, suy thoái rừng, bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học.
Người tiêu dùng ngày càng yêu cầu chất lượng cao hơn với hàng hóa, song điều đáng lưu ý, đi kèm với yêu cầu đó là sự ủng hộ và sẵn sàng chấp nhận mức chi phí cao hơn thông thường với sản phẩm xanh. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 71% người tiêu dùng trên toàn thế giới cho rằng, trước tác động của biến đổi khí hậu hay dịch Covid-19, họ sẵn sàng góp phần xây dựng môi trường sống bền vững thông qua chi tiêu vào các sản phẩm được chứng nhận “xanh”, “không ảnh hưởng đến môi trường”.
Ở trong nước, khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện. Nghiên cứu cũng chỉ rõ, 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Nêu thực tế từ đơn vị phân phối, ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành Hệ thống siêu thị Go-Big C vùng Hà Nội và miền Bắc cho biết, có khoảng 31% khách hàng sẵn sàng trả mức tiền cao hơn để mua sản phẩm đạt các tiêu chí sản phẩm xanh, sản xuất xanh, nhất là các sản phẩm có bao bì thân thiện môi trường.
“Có thể thấy, sự ủng hộ và sẵn sàng chấp nhận mức chi phí cao hơn thông thường của người tiêu dùng với sản phẩm xanh là đòn bẩy để các nhà sản xuất mạnh dạn thay đổi. Nếu bắt nhịp được với xu hướng tiêu dùng xanh này, DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Lê Mạnh Phong chia sẻ.
Nhìn vào những thay đổi của thị trường, nhiều chuyên gia, DN khẳng định, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh hóa không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, là mệnh lệnh của thị trường.
“Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... yêu cầu ở các nhà cung cấp. DN xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải vượt qua bài toán xanh trong hoạt động sản xuất với nhiều tiêu chí như xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải...”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.
Cần đòn bẩy từ chính sách
Xu hướng tiêu dùng xanh đang tạo ra cơ hội mới cho DN nhưng đồng thời mang đến thách thức không nhỏ. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, dù khách hàng tham gia tích cực vào xu hướng tiêu dùng xanh và sẵn sàng trả chi phí cao hơn nhưng cũng phải phù hợp với khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Chính vì vậy, bài toán khó khăn với DN hiện nay là dù chi phí sản xuất sản phẩm xanh tăng lên nhưng vẫn cần bảo đảm giá cả có thể cạnh tranh.
Hợp tác xã Green Life Hạ Long (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) tạo ra các sản phẩm tái chế từ rác thải. Ảnh: LA DUY |
Từ thực tế DN, ông Vijay Kumar Pandey, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH (Tập đoàn TH) thông tin, khi đầu tư cho xanh hóa, chi phí sản xuất của DN sẽ tăng đáng kể.
Thời gian qua, tập đoàn này đã triển khai nhiều giải pháp để hướng tới chuỗi giá trị sản phẩm xanh hoàn thiện, như: Sử dụng cỏ tự nhiên để chăn nuôi, sử dụng tối đa ánh sáng ban ngày để tiết kiệm điện, ngừng sử dụng các loại nguyên liệu có phát thải khí nhà kính, hạn chế túi nhựa dùng một lần; tích cực làm việc với các tổ chức, đơn vị sản xuất bao bì bảo đảm tiêu chí xanh để chuyển sang túi có thể phân hủy được... Song, việc chuyển sang sản xuất xanh, tạo sản phẩm xanh khiến DN phải tăng thêm chi phí so với thông thường.
Với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang thông tin, chỉ riêng việc sử dụng nguyên liệu xanh giá đầu vào cao hơn 300% so với sản phẩm truyền thống. Đây cũng là lực cản đáng kể cho DN dệt may bước tiếp trên con đường xanh hóa. “Khó khăn hiện nay để thực hiện chuyển đổi sang sản xuất xanh hóa đó là nhận thức, tài chính và nguồn lực về con người. Trong đó, vấn đề về tài chính, nhu cầu vốn để xanh hóa rất lớn mà không phải DN nào cũng có tiềm lực đủ mạnh về tài chính để thực hiện”, ông Vũ Đức Giang cho biết.
Nhân viên Công ty Cổ phần Champtailor giới thiệu sản phẩm thời trang được làm bằng sợi vải tái chế từ bã cà phê. Ảnh: HANH KIÊN |
Trước khó khăn trên, ông Vũ Đức Giang đề xuất Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho DN dệt may, từ lãi suất cho vay đến cơ chế tiếp cận vốn vay. Chính phủ có thể xây dựng quỹ tài nguyên môi trường cho DN vay với lãi suất 0% hoặc 1-2%/năm để đầu tư cho xanh hóa. “Chính sách này triển khai càng nhanh càng tốt, bởi luật chơi toàn cầu không chờ đợi bất cứ ai”, ông Vũ Đức Giang đề xuất.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích và ưu tiên các đơn vị sản xuất xanh, sạch hơn; hoàn thiện khung cơ chế chính sách để hỗ trợ DN chuyển đổi sang nền sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững; đồng bộ hóa những chính sách ưu tiên.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững là mắt xích không thể thiếu trong phát triển bền vững. Ngày 20-6-2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó quy định nhiều nội dung liên quan đến sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Đây là lần đầu tiên văn bản luật của Việt Nam đưa ra định nghĩa về tiêu dùng bền vững, khẳng định tầm quan trọng của tiêu dùng bền vững đối với các mục tiêu phát triển của đất nước. Các quy định này sẽ là căn cứ pháp lý để thúc đẩy, tạo điều kiện khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện giải pháp nâng cao hiệu quả tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.
VŨ DUNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.