Sản xuất xi măng trước thách thức, khó khăn lớn
Chưa giai đoạn nào lĩnh vực sản xuất xi măng phải đối diện với những khó khăn, thách thức lớn như hiện nay, đặc biệt về vấn đề thị trường tiêu thụ. Nhu cầu trong nước giảm sút, xuất khẩu cũng ách tắc khiến sản xuất xi măng bị ảnh hưởng, đình trệ. Để duy trì hoạt động ổn định của ngành xi măng, góp phần thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế đất nước, cần có giải pháp căn cơ hỗ trợ về cơ chế, chính sách và tối ưu hóa sản xuất, tiết giảm chi phí, đẩy mạnh tiêu thụ.
Lượng tiêu thụ, xuất khẩu xi măng liên tục sụt giảm
Dù đã tính toán trước những khó khăn trong tiêu thụ xi măng nhưng diễn biến thực tế của thị trường năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 còn khắc nghiệt hơn dự báo. Đối với nhiều đơn vị sản xuất xi măng, đây là giai đoạn khó khăn nhất từ khi bắt đầu tham gia thị trường đến nay. Tổng công ty Xi măng Việt Nam-Vicem (Bộ Xây dựng) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng sản xuất clinker đạt 6 triệu tấn, bằng 35,5% kế hoạch năm và giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2023, sản lượng xi măng đạt 8 triệu tấn, bằng 37,2% kế hoạch, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tiêu thụ xi măng đạt hơn 8 triệu tấn, bằng 37,4% kế hoạch năm và giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, năm 2023 đã chứng kiến lượng xi măng tiêu thụ giảm 16,4% so với năm 2022. Lượng tiêu thụ ngày càng đi xuống cho thấy nhu cầu của thị trường hiện đang rất thấp.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay, tổng số dây chuyền sản xuất xi măng đã đầu tư trên toàn quốc là 92 dây chuyền với tổng công suất hơn 122 triệu tấn/năm. Từ năm 2023 đến nay, sản xuất clinker và xi măng sụt giảm lớn. Tổng sản lượng sản xuất năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, tương ứng 75% tổng công suất thiết kế. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng clinker và xi măng cả nước đạt khoảng 44 triệu tấn xi măng, bằng khoảng 70-75% tổng công suất thiết kế. Tồn kho lũy kế khoảng 5 triệu tấn. Tiêu thụ xi măng trong nước năm 2023 chỉ đạt 56,6 triệu tấn (bằng 83,5% năm 2022), đây là mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay của ngành xi măng. Xuất khẩu cũng gặp khó, đến hết 6 tháng đầu năm 2024, lượng clinker xuất khẩu chỉ đạt khoảng 5,4 triệu tấn, gần bằng cùng kỳ năm 2023. Do tiêu thụ giảm nên không ít dây chuyền phải dừng hoạt động, trong đó, năm 2023, có 42 dây chuyền dừng hoạt động từ 1 đến 6 tháng, một số dây chuyền dừng cả năm.
Sản xuất xi măng tại Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch (Hải Dương). |
Nguyên nhân của những khó khăn dồn dập đối với các đơn vị sản xuất xi măng như đánh giá của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trước hết do thị trường bất động sản trong nước trầm lắng, các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng triển khai chậm, dẫn đến đầu ra tiêu thụ bị hạn chế. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng vì nhiều quốc gia rơi vào khủng hoảng kinh tế. Khó khăn về thị trường tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước đã tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng.
Nỗ lực vượt khó
Trước những khó khăn, thách thức chưa từng có, các đơn vị sản xuất xi măng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để tối ưu hóa, nâng cao hiệu quả, tiết giảm chi phí. Theo ông Lưu Mạnh Hào, Chánh văn phòng Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, đơn vị nỗ lực bảo đảm công tác chạy lò liên tục, tiết kiệm tối đa chi phí. Để giảm chi phí điện năng, vào những khung giờ cao điểm trong ngày sẽ hạn chế hoạt động của dây chuyền, thiết bị mà chuyển sang khung giờ thấp điểm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng cải tạo lò nung giúp đốt được các loại than nhiệt lượng thấp, giá thành rẻ hơn và đẩy mạnh sử dụng một số loại phụ gia như thạch cao nhân tạo trong phối trộn xi măng...
Trong quá trình quản lý, điều hành, Vicem đã nhận định, dự báo trước khó khăn nên linh hoạt, chủ động trong việc huy động năng suất lò nung bám sát theo tình hình thực tế thị trường. "Tổng công ty cũng tập trung nghiên cứu, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế giúp tiết giảm chi phí", Phó tổng giám đốc Vicem Nguyễn Thanh Tùng cho biết. Đối với công tác tiêu thụ, các đơn vị xi măng chú trọng bám sát diễn biến thị trường của từng địa bàn, đánh giá hiệu quả từng chủng loại sản phẩm, xây dựng giá bán và chính sách bán hàng linh hoạt để tăng sản lượng, thị phần; rà soát, cơ cấu lại hệ thống phân phối...
Theo TS Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), một trong những giải pháp giúp các đơn vị tối ưu hóa sản xuất là đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ như dự án tận dụng nhiệt thừa khí thải của các nhà máy xi măng để sản xuất điện. Qua đó, giúp tự túc một phần sản lượng điện, góp phần giảm thiểu tác động của việc thiếu điện. Ngoài ra, có thể tận dụng nguồn chất thải của các ngành công nghiệp như tro, xỉ, thạch cao từ nhà máy nhiệt điện, hóa chất; rác thải sinh hoạt... làm nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành xi măng, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo vệ môi trường. "Các doanh nghiệp cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng, giảm nguồn cung, giữ giá bán ổn định và có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây có thể coi là các giải pháp căn cơ để duy trì ổn định phát triển ngành xi măng nước ta", TS Lê Trung Thành chia sẻ.
Bên cạnh đó, xi măng là ngành sản xuất quan trọng hàng đầu về vật liệu xây dựng, vì vậy, Nhà nước cũng cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ các đơn vị sản xuất xi măng. Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu clinker từ mức 10% về 5%, vì đây là loại sản phẩm vật liệu chế biến sâu, thay đổi hoàn toàn tính chất vật lý và hóa học của nguyên liệu. Cùng với đó, cần đẩy mạnh các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, nông thôn, tận dụng nguồn sản phẩm xi măng đang dồi dào hiện nay. Các dự án đường bộ cao tốc có thể tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu, nơi thiếu vật liệu đắp nền đường. Việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cũng là giải pháp quan trọng hỗ trợ sản xuất xi măng, bởi đây là lĩnh vực trực tiếp sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng.
Bài và ảnh: MẠNH HƯNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.