Sáng tạo, linh hoạt trong ứng phó thiên tai
Là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, các cấp ủy, chính quyền địa phương ở tỉnh Quảng Bình luôn quán triệt, chỉ đạo thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" với tinh thần quyết liệt, không lơ là, chủ quan.
Đặc biệt, người dân các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm thích ứng, an toàn hơn trong các điều kiện thời tiết cực đoan.
Nhiều mô hình hiệu quả
Tháng 10-2010, trận lũ lịch sử với mực nước dâng cao hơn 10m đã nhấn chìm xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) trong biển nước; người dân bị nước lũ bao vây, cô lập, thiếu ăn, thiếu mặc trong nhiều ngày.
Sau trận lũ lịch sử đó, Tân Hóa được xem là "rốn lũ", "thung lũng nước" ở Quảng Bình. Mưa lũ cũng trở thành nỗi ám ảnh, lo sợ của người dân nơi đây. Để thích ứng với điều kiện thời tiết, năm 2011, người dân xã Tân Hóa đã làm nhà phao chống lũ bằng khung thép, có mái che và vách ngăn, được cố định bằng các cột, giúp căn nhà không bị rung lắc, trôi dạt. Phía dưới sàn nhà, người dân gắn nhiều thùng nhựa, tạo thành những chiếc phao giúp ngôi nhà nổi lên theo mực nước. Các nhà phao được bố trí ngay trong vườn nhà, trở thành nơi sinh hoạt, cất giữ tài sản trong những ngày lũ lụt. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân, đến nay, xã Tân Hóa đã có hơn 600 nhà phao tránh lũ, trong đó có hơn 10 nhà được thiết kế thành homestay phục vụ du lịch. Chị Trần Thị Thơm, ở thôn 3 Yên Thọ, xã Tân Hóa, cho biết: “Các gia đình chủ động dự trữ đồ ăn từ trước. Tài sản, vật dụng cũng được sơ tán lên nhà phao an toàn. Thay vì phải di chuyển lên núi hoặc đối diện với rủi ro mất mát tài sản, nguy hiểm đến tính mạng, giờ đây mọi người có thể yên tâm sinh sống trong điều kiện nước lũ dâng cao”.
Nước lũ bao vây xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Oxalis Adventure |
Nếu như mô hình nhà phao khẳng định được cách làm sáng tạo của người dân Tân Hóa thì tại nhiều địa phương khác ở Quảng Bình, các mô hình nhà chống ngập lụt, bão lũ đã góp phần xây dựng cộng đồng an toàn hơn trước thiên tai. Được sự hỗ trợ của Chính phủ, các chương trình, dự án và tổ chức, doanh nghiệp, đến nay, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng được 4.748 công trình nhà an toàn trước thiên tai, gồm: Nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lụt, nhà chòi vượt lũ, nhà phao, nhà ở phòng tránh bão, lụt cho hộ nghèo... Các mô hình nhà an toàn trước thiên tai được thiết kế khá kiên cố, phù hợp với từng địa bàn, qua đó giúp người dân nâng cao khả năng phòng tránh, giảm thiệt hại do mưa bão, lũ lụt. Ông Trần Xuân Tiến, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình thông tin: “Các công trình nhà ở phòng, chống bão, lụt đã nâng cao khả năng phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai. Điều này đã được chứng minh qua nhiều đợt mưa bão, lũ lụt. Đặc biệt, trong trận lũ lịch sử vào tháng 10-2020, nhà chòi vượt lũ, nhà sinh hoạt cộng đồng... đã giúp hàng trăm hộ dân ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh an toàn trong điều kiện nước lũ dâng cao, cô lập nhiều ngày”.
Không lơ là, chủ quan
Với địa hình hẹp, nhiều núi cao, địa hình dốc, nhiều nơi thấp trũng, Quảng Bình thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất, đá. Chính vì vậy, công tác phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai luôn được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quán triệt, chỉ đạo thực hiện với quan điểm chủ động, quyết liệt, không chủ quan, lơ là.
Theo đó, công tác ứng phó với thiên tai được tỉnh Quảng Bình tập trung chỉ đạo cụ thể, linh hoạt theo các kịch bản, cấp độ khác nhau, sát với điều kiện từng địa bàn. Đơn cử, trong công tác ứng phó với bão số 4 và hoàn lưu sau bão (tháng 9-2024), khi áp thấp nhiệt đới hình thành và có khả năng mạnh lên thành bão, UBND tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương ban hành công điện, kế hoạch ứng phó, đồng thời thành lập các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn, trực tiếp kiểm tra địa bàn và chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai ở các địa phương. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã phối hợp thông báo, kêu gọi toàn bộ tàu, thuyền đang hoạt động trên biển ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc vào nơi tránh trú an toàn. Thông qua mô hình “Truyền thanh bản xa”, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh đã kịp thời thông báo diễn biến thời tiết, tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới chủ động phòng tránh, không vào rừng, không đánh bắt cá ở khe, suối, đồng thời bố trí lực lượng chốt trực, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện qua lại các ngầm tràn, khu vực ngập sâu. Các đơn vị, địa phương đã thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai với hơn 12.000 người; phối hợp, rà soát 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, bờ biển, trong đó có 10 điểm nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm; chủ động huy động lực lượng sơ tán người dân đến vị trí an toàn. Đặc biệt, ngày 12-10, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình chủ trì phối hợp với các sở, ngành, lực lượng chức năng và chính quyền huyện Bố Trạch huy động lực lượng, phương tiện xử lý an toàn khối đá nặng hơn 300 tấn ở khu vực núi đá tại tổ dân phố Xuân Tiến, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch. Vị trí khối đá nằm ở độ cao hơn 50m, cách trụ sở Đội Thuế số 2, Chi cục Thuế huyện Bố Trạch 17m, cách Khu tập thể Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng 30m, cách tỉnh lộ 562 khoảng 50m. Khi sạt lở, khối đá có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến 8 hộ dân, các khách sạn, nhà nghỉ, tài sản của Nhà nước, hoạt động giao thông và du lịch trên địa bàn. Đại tá Cao Phi Sơn, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cho biết: “Phương án xử lý được các lực lượng chức năng trao đổi, thống nhất kỹ lưỡng. Nhận nhiệm vụ, lực lượng công binh đã sử dụng gần 10kg thuốc nổ với 4 điểm nổ được bố trí phù hợp. Vì vậy, khi kích nổ, khối đá đã trượt xuống chân núi theo đúng tính toán của cơ quan chức năng, bảo đảm tuyệt đối an toàn”...
TRẦN MINH TÚ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.