• Click để copy

Sạt lở đất - Nâng cấp cảnh báo sớm không bao giờ là muộn

Bão số 3 gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản cho các tỉnh phía Bắc, riêng vụ sạt lở đất và lũ quét sáng 10-9 tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã làm 66 người chết và mất tích tính đến ngày 15-9.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lại vừa phát tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy tại khu vực miền núi phía Bắc trong những ngày tới. Điều này một lần nữa đặt ra vấn đề phải nhanh chóng nâng cấp cảnh báo sớm sạt lở đất ở các vùng nguy cơ cao.

Vùng nguy hiểm rộng

Nhiều khu vực trên cả nước có nguy cơ cao về sạt lở đất, đặc biệt là vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, bao gồm 15 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang và Quảng Ninh. Tại 15 tỉnh kể trên có 116 huyện, 1.226 xã có nguy cơ cao về sạt lở đất; 123 huyện, 559 xã có nguy cơ cao về sạt lở bờ sông, bờ suối. Các vị trí này thường nằm ở sườn dốc núi tạo hướng chắn gió, dễ tạo ra mưa lớn; sườn dốc lớn có nguy cơ sạt lở đất, đá; các nhà ở, công trình do đào chân núi dọc theo đường giao thông.

Sạt lở đất - Nâng cấp cảnh báo sớm không bao giờ là muộn
Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn xã A Lù (Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: qdnd.vn  

Theo PGS, TS Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa chất, trong mùa mưa năm nay các vụ sạt lở đất ảnh hưởng mạnh tới khu vực miền núi Tây Bắc, nhất là Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu và hai tỉnh lân cận là Bắc Kạn và Hà Giang.

Về mặt địa chất, phần lớn đất ở khu vực miền núi phía Bắc được cấu tạo bởi các loại đá cổ bị phong hóa mạnh. Lớp vỏ phong hóa đạt độ sâu từ 15m-30m. Trong lớp vỏ đó thường chứa các khoáng vật sét (nhất là monmorilonit) vốn thay đổi đặc tính rất mạnh, đặc biệt là trương nở rất lớn, khi có nước. Các khoáng vật nói trên quyết định đặc tính dễ biến dạng và tan rã của loại đất này.

Đặc biệt, khi chịu một đợt nắng nóng kéo dài (từ tháng 4 đến tháng 7), cấu trúc của đất đã bị phá hủy đáng kể. Tiếp theo là các đợt mưa dài ngày liên tiếp vào tháng 8, rồi đầu tháng 9 do ảnh hưởng bão số 3, cấu trúc của đất vốn đã bị suy yếu nay gặp nước thì dễ dàng bão hòa và chảy nhão.

Sạt lở đất - Nâng cấp cảnh báo sớm không bao giờ là muộn
  Bộ đội giúp nhân dân di chuyển tài sản ra khỏi khu vực ngập lụt. Ảnh: qdnd.vn

Các mái dốc ở miền núi trong điều kiện tự nhiên vốn ổn định, song khi gặp các điều kiện bất lợi kể trên thì độ bền của đất suy giảm và sẽ sụp đổ bất ngờ.

Giải pháp nhiều, hiệu quả chưa cao

Để có thể cảnh báo sớm về sạt lở đất, nhiều chương trình khoa học cấp nhà nước đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai qua nhiều giai đoạn, với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học.

Một trong những giải pháp căn cơ, có tác động lâu dài, phục vụ cho việc quy hoạch lãnh thổ bền vững, xây dựng các chiến lược phòng chống thiên tai, các kịch bản ứng phó là xây dựng các bản đồ cảnh báo thiên tai.

Hiện nay Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc xây dựng các bản đồ cảnh báo nguy cơ thiên tai ở tỉ lệ nhỏ (quy mô cả nước) và tỉ lệ trung bình (quy mô cấp tỉnh). Các bản đồ này chỉ ra những khu vực có khả năng xảy ra thiên tai ở các cấp độ khác nhau.

Nhiều công nghệ hiện đại của thế giới về quan trắc trượt lở đất đá đã và đang được đưa vào áp dụng tại nước ta như trạm đo mưa, camera quan sát, cảm biến rung động, cảm biến căng kế, thiết bị đo độ cao mực nước bằng sóng radar, cảm biến áp lực nước lỗ rỗng, giãn kế, cảm biến dịch chuyển trong hố khoan, thiết bị quét radar bề mặt, thiết bị đo dịch chuyển bằng định vị GPS.

Một số công trình nghiên cứu thử nghiệm cảnh báo sớm hiện tượng trượt lở đất đá cũng được triển khai ở Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Nam và một vài tỉnh ở Tây Nguyên.

Mới đây, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ứng dụng thành công việc phân tích ảnh viễn thám trong đánh giá hiện trạng sạt lở đất đá ở vùng miền núi.

Tuy nhiên, như thừa nhận của các nhà khoa học, Việt Nam hiện tại chưa có khả năng dự báo được sạt lở đất. Ngay cả việc cảnh báo sớm cũng chưa đạt hiệu quả cao.

Theo PGS, TS Trần Tuấn Anh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, các bản đồ đánh giá nguy cơ thiên tai mà chúng ta đã xây dựng mới ở tỉ lệ 1:1.000.000, hoặc 1:500.000, hoặc 1:250.000, có nghĩa là 1cm trên bản đồ tương đương 10km, hoặc 5km, hoặc 2,5km ở hiện trường. Do vậy, các tấm bản đồ này không thể hiện được những mái dốc, những con suối có nguy cơ sạt lở khi mưa xuống để cảnh báo tới từng địa phương. Chúng ta chưa có thống kê và đánh giá chi tiết về các địa điểm cụ thể có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Tiến sĩ Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết: Cơ sở dữ liệu về hiện trạng và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá ở tỉ lệ 1:50.000 của 37 tỉnh miền núi và trung du Việt Nam vẫn chưa đầy đủ. Đặc biệt, Bộ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều tra, phân vùng nguy cơ cho các khu vực trọng điểm còn thiếu, trong đó có số liệu địa hình ở tỉ lệ lớn (1:10.000, 1:5.000, 1:2.000). Điều này dẫn đến kết quả xử lý bị sai và thiếu. Bộ cơ sở dữ liệu về địa chất ở tỉ lệ trung bình (1:50.000) cũng vẫn còn thiếu rất nhiều và chưa được tiến hành điều tra chi tiết bổ sung; các tỉ lệ 1:10.000, 1:5.000 rất ít. 

Cần kíp bản đồ nguy cơ sạt lở 1:10.000

Để giảm thiểu thiệt hại do sạt lở tại khu vực miền núi, theo PGS, TS Trần Tuấn Anh, các địa phương cần có được bản thống kê tới cấp thôn bản ở miền núi số lượng các mái dốc, các con suối có nguy cơ gây ra sạt lở. Có thể làm được điều này nhờ việc xây dựng các bản đồ đánh giá nguy cơ sạt lở ở địa phương với tỉ lệ 1:5.000 hoặc 1:10.000. Các tấm bản đồ này sẽ chỉ ra được từng mái dốc, từng con suối có nguy cơ xảy ra thiên tai, rủi ro của từng ngôi nhà khi thiên tai ập đến. 

Sạt lở đất - Nâng cấp cảnh báo sớm không bao giờ là muộn
Bộ đội tìm kiếm người mất tích ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Ảnh VŨ DUY  

Tiến sĩ Trịnh Hải Sơn đề xuất: Để phân vùng những nơi có nguy cơ trượt lở đất đá cao tại Việt Nam, trước hết, cần xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá và xác định các khu vực, lưu vực có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá.

Bộ tiêu chí này sẽ được áp dụng cho 15 tỉnh miền Bắc đã có đủ cơ sở dữ liệu phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá theo tỉ lệ 1:50.000 giúp khoanh định các “khu vực nhạy cảm” về trượt lở đất đá; áp dụng thêm tổ hợp 4 tiêu chí gồm: dân cư, giao thông, công trình trọng điểm và lưu vực sông suối.

Việc áp dụng các tiêu chí nêu trên giúp phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá đã lập được danh sách với tỉ lệ 1:10.000; đồng thời, lập được danh sách các khu vực có khả năng ảnh hưởng các công trình trọng điểm ở tỉ lệ 1:5.000. Các khu vực nhạy cảm được thể hiện ở 3 mức độ khác nhau từ cao, trung bình, thấp và là cơ sở khoa học cụ thể để cảnh báo sớm trượt lở đất đá khu vực miền núi, trung du Việt Nam.

Điều này là tối cần thiết và không bao giờ được coi là muộn để tiến hành.

TTXVN

Bài liên quan

Tin mới

Công điện khẩn của Bộ Công Thương về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Công điện khẩn của Bộ Công Thương về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ban hành Công điện số 7229/CĐ-BCT ngày 18 tháng 9 năm 2024 về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4: Đề phòng những diễn biến bất thường
Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4: Đề phòng những diễn biến bất thường

Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đang có dấu hiệu di chuyển chậm lại và có khả năng hình thành bão số 4. Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bày tỏ lo ngại thời tiết có những diễn biến bất thường, khó lường.

Miền Trung: Nhiều địa phương cấm biển, sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn
Miền Trung: Nhiều địa phương cấm biển, sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn

Triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gần Biển Đông, ngày 18-9, nhiều địa phương tại miền Trung đã có lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi; tổ chức lực lượng và phương tiện, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII

Sáng 18-9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu khai mạc hội nghị.

Cảnh sát 141 hóa trang, chặn bắt 45 "quái xế" trong đêm Trung thu
Cảnh sát 141 hóa trang, chặn bắt 45 "quái xế" trong đêm Trung thu

Sáng 18-9, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội cho biết, các tổ công tác cảnh sát 141 Công an TP Hà Nội đã hóa trang, chặn bắt "quái xế" phóng xe máy lạng lách, nẹt pô tại các tuyến đường, địa bàn vui chơi trong đêm Trung thu.

Quân khu 1 trao hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Quân khu 1 trao hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Sau khi bão số 3 đổ bộ, gây thiệt hại lớn cho các tỉnh phía Bắc, hưởng ứng lời phát động, kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu 1 đã và đang tích cực quyên góp tiền, hiện vật ủng hộ đồng bào vùng bão lũ.