Số ca nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam có xu hướng gia tăng
Số ca nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam từ năm 2020 đến nay có xu hướng gia tăng, với hơn 13.000 trường hợp nhiễm HIV mới mỗi năm, tăng hơn 3.000 trường hợp/năm so với giai đoạn 2017-2019.
Đáng chú ý, tỉ lệ nam giới nhiễm HIV tăng nhanh, trong đó phần lớn là nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới. Nhân tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12), PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã chia sẻ với báo chí về tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay.
Phóng viên: Xin bà cho biết tình hình dịch HIV/AIDS và xu hướng dịch HIV tại Việt Nam hiện nay?
PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). |
PGS, TS Phan Thị Thu Hương: Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 10-2022, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì cả nước có 220.580 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong.
Dịch tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 80% số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc (TP Hồ Chí Minh chiếm hơn 1/4 số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc) và chủ yếu ở đối tượng nam giới (hơn 80%).
Từ năm 1990 đến 2015, tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới có xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên từ năm 2016 tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới bắt đầu có xu hướng gia tăng trở lại. Trong giai đoạn đầu của dịch, đối tượng bị lây nhiễm HIV chủ yếu là qua đường máu tuy nhiên trong những năm gần đây lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn trở thành đường lây chính trong những ca nhiễm HIV mới phát hiện.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong 1.378 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16-29 (48,6%) và 30-39 (28,4%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (81,6%).
Theo số liệu ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS của Việt Nam năm 2022, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là khoảng 242.000 người. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay; tỷ lệ hiện nhiễm HIV tăng rõ rệt; tỷ lệ nhiễm mới HIV cao, tăng lên từng năm; MSM và nhóm chuyển giới (TG) được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm HIV mới được ước tính hàng năm trong thời gian tới.
Đáng chú ý, MSM là nhóm nguy cơ cao duy nhất tại Việt Nam có tỷ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua. Về xu hướng số trường hợp nhiễm mới HIV vẫn có xu hướng giảm, nhưng tốc độ giảm chậm hơn nhiều, hiện số ca nhiễm mới HIV ước tính khoảng 5.700 người.
Phóng viên: Bà cho biết kết quả nổi bật về công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2022?
PGS, TS Phan Thị Thu Hương: Thời gian qua, các hoạt động giám sát, phát hiện ca bệnh, dự phòng lây nhiễm đã được triển khai tích cực nhằm kiểm soát dịch HIV/AIDS. Hiện, các dịch vụ xét nghiệm HIV đã được mở rộng, đa dạng các hình thức. Nhờ đó, năm 2022, đã phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới qua các giải pháp xét nghiệm mới như: Xét nghiệm tại các cơ sở y tế, xét nghiệm dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; sử dụng sinh phẩm mới để phát hiện sớm nhiễm HIV, sinh phẩm xét nghiệm thế hệ 4…
Cùng với đó, công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông cho giới trẻ được triển khai đa dạng, hiệu quả thông qua nhiều sự kiện truyền thông trong khu công nghiệp, trường học và truyền thông đa phương tiện… Việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện cũng được tiếp tục duy trì và đổi mới. Hiện có hơn 51.000 bệnh nhân đang điều trị thường xuyên; đã có 6 tỉnh với khoảng 2.857 bệnh nhân được cấp phát Methadone mang về.
Đặc biệt, việc điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP) đã được triển khai với tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Hiện Việt Nam có hơn 60.000 người sử dụng PrEP và tỷ lệ duy trì điều trị cao tới hơn 72%...
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS. Cụ thể số ca mắc đang tăng nhanh nhóm thanh, thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ đồng tính nhưng các can thiệp cho nhóm này rất khó khăn; quần thể này cũng ở dạng ẩn, khó tiếp cận. Bên cạnh đó, còn một số địa phương chưa phê duyệt đề án bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; quy trình, thủ tục mua sắm, đấu thầu thuốc ARV, sinh phẩm xét nghiệm gặp nhiều vướng mắc nên xảy ra thiếu thuốc cục bộ và một số địa phương không có sinh phẩm để xét nghiệm; tình trạng nghiện các chất ma túy tổng hợp và ma túy dạng kích thích đang gia tăng...
Đặc biệt, việc đảm bảo nguồn lực tài chính, chuyển giao bền vững chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn; nguồn lực huy động dự kiến thời giai đoạn 2021-2030 mới chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu. Đến nay, vẫn còn tới 12 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt kế hoạch tài chính cho chương trình này.
Phóng viên: Tại sao năm 2022 Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS là “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”?
PGS, TS Phan Thị Thu Hương: Việc Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS là “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”? này mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam có sự thay đổi, 2 năm trở lại đây số ca nhiễm mới đang tăng, mỗi năm có tới hơn 13 nghìn ca. Đáng lưu ý dịch tăng chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ. 50% số ca nhiễm HIV phát hiện mới là những người dưới 29 tuổi. Con đường lây truyền chính là qua đường quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 74,6% chủ yếu tập trung ở nhóm thanh niên trẻ. Do vậy không thể kết thúc được đại dịch AIDS nếu không có sự tham gia của thanh niên.
Thứ hai, về kiến thức và thái độ phòng, chống HIV/AIDS của thanh niên: theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi chỉ dưới 50%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi là gần 40%. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên.
Thứ ba, cùng với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, ở nam nhóm tuổi 15-24 có nhiều hơn một bạn tình (trong 12 tháng trước ngày phỏng vấn) là 14%. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai...
Như vậy, có thể thấy việc lựa chọn chủ đề này thích hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV ở Việt Nam hiện nay. Đây cũng là đối tượng cần được quan tâm trong thời gian tới khi chúng ta muốn đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc chấm dứt dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu chúng ta huy động được thanh niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.
Nhân viên y tế cấp phát thuốc điều trị HIV cho bệnh nhân. Ảnh: T.G/Vietnam+ |
Phóng viên: Bà cho biết những điểm mới trong tiếp cận và xét nghiệm HIV/AIDS hiện nay?
PGS, TS Phan Thị Thu Hương: Cục Phòng chống HIV/AIDS đang tích cực cùng với các tỉnh, thành phố, tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện mục tiêu 95-95-95 trong đó 95 đầu tiên là 95% người nhiễm HIV biết kết quả xét nghiệm HIV của mình, đến hiện tại tỷ lệ này đang đạt 86%, để tiếp cận và xét nghiệm HIV cho khoảng 10% người nhiễm HIV là vô cùng khó khăn do người có hành vi nguy cơ thường ngại tiếp cận và xét nghiệm HIV theo các mô hình truyền thống như xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế hay xét nghiệm HIV lưu động không tiếp cận được đúng nhóm khách hàng đích.
Bên cạnh đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS triển khai mô hình xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV bằng cách tư vấn cho người nhiễm HIV, cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV để làm xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích của họ hoặc người nhiễm HIV thông báo và vận động bạn tình, bạn chích chung của họ và người có hành vi nguy cơ cao trong mạng lưới xã hội của họ đến cơ sở y tế làm xét nghiệm HIV.
Phóng viên: Bà cho biết những khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay?
PGS, TS Phan Thị Thu Hương: Thứ nhất, HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, bởi đây là một trọng những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên. Nhóm Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.
Thứ hai đó là thách thức về tài chính: Một số địa phương chưa phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hiện chưa có hướng dẫn nội dung chi và định mức chi mà do từng địa phương tự xây dựng và phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền nên khó khăn. Quy trình, thủ tục mua sắm, đấu thầu thuốc ARV, sinh phẩm xét nghiệm cũng nhiều vướng mắc, quá trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng rất khó khăn.
Thứ ba là việc sử dụng và lệ thuốc vào ma túy tổng hợp đang gia tăng, nhất là trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trên Thế giới cũng như ở Việt Nam.
THÁI SƠN (ghi)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.