“Sóng thần” từ Triều Tiên
Vừa qua, Triều Tiên đã công bố loại vũ khí chiến lược mới có cái tên rất đáng chú ý: “Sóng thần”. Đúng như tên gọi, phương tiện không người lái dưới nước này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tạo ra một “cơn sóng thần phóng xạ” khổng lồ có thể phá hủy các nhóm tàu tấn công và các hải cảng của đối phương.
Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), Bình Nhưỡng đã tiến hành thử nghiệm thành công vũ khí mới. Cuộc thử nghiệm do đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giám sát. Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên đã đăng những bức ảnh chụp ông Kim Jong Un đang mỉm cười bên cạnh một vật thể giống như ngư lôi lớn tại một cơ sở trong nhà.
Cũng theo KCNA, Triều Tiên đã phát triển phương tiện không người lái từ năm 2021, với hơn 50 cuộc thử nghiệm được thực hiện trong hai năm qua, tuy nhiên sự tồn tại của nó chỉ mới được công khai gần đây. Trong đợt thử nghiệm mới nhất, vũ khí “sóng thần phóng xạ” đã được triển khai ngoài khơi bờ biển phía Đông của Triều Tiên, di chuyển dưới nước trong gần 60 giờ và kích nổ một đầu đạn thử nghiệm tại mục tiêu giả định cảng của kẻ thù.
Triều Tiên khẳng định vũ khí mới có khả năng tạo ra cơn sóng thần phóng xạ phá hủy các mục tiêu dưới nước và ven biển. Ảnh: KCNA |
Còn rất nhiều ẩn số xoay quanh "Sóng thần" nhưng có một điều đã được phía Triều Tiên khẳng định là vũ khí mới có thể được triển khai từ bờ biển hoặc được kéo bằng tàu nổi. Nó được chế tạo để thâm nhập bí mật vào các vùng biển và tạo ra cơn sóng phóng xạ quy mô lớn thông qua một vụ nổ dưới nước để tiêu diệt các nhóm tàu và cảng chiến dịch trọng yếu của địch.
Các nhà phân tích nghi ngờ thiết bị này có thể tạo ra một mối đe dọa lớn nếu chúng thật sự có khả năng kích hoạt những đợt sóng biển phóng xạ hủy diệt tất cả sự sống trong vùng ảnh hưởng, khiến các khu vực này trở thành “vùng đất chết”. Quan trọng hơn, chúng được cho là hoàn toàn có khả năng vươn xa đến tất cả các cảng của Hàn Quốc.
Theo Defense News, cuộc thử nghiệm của Triều Tiên diễn ra khi Mỹ lên kế hoạch triển khai nhóm tấn công tàu sân bay và các phương tiện tiên tiến khác tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Có thể thấy, căng thẳng quân sự đang ở đỉnh điểm khi tần suất các vụ thử vũ khí của Triều Tiên lẫn các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn đều gia tăng nhanh theo một chu kỳ đáp trả “ăn miếng trả miếng”.
Tháng 3 vừa qua, Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận chung “Lá chắn tự do” kéo dài tới 11 ngày. Đây là cuộc tập trận lớn nhất giữa hai nước đồng minh trong nhiều năm qua. Đáp lại, chỉ riêng trong tháng 3, Triều Tiên đã thực hiện tới 7 vụ phóng thử tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17.
Với việc thử nghiệm "Sóng thần", nhiều chuyên gia cho rằng Triều Tiên đang muốn khẳng định năng lực răn đe hạt nhân của nước này đã không còn chỉ giới hạn ở trên không. Song, nhiều nhà phân tích Hàn Quốc và phương Tây tỏ ra hoài nghi về sức mạnh thật sự của vũ khí tấn công dưới nước nói trên. Kim Dong-yub, Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nói rằng không thể xác minh những tuyên bố của Triều Tiên về khả năng của phương tiện không người lái này, hay việc Bình Nhưỡng đã thử nghiệm hệ thống đó hàng chục lần.
Ankit Panda, một nhà phân tích cấp cao tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, lại nhận định phương tiện không người lái dưới nước này sẽ dễ bị tổn thương trước khả năng tác chiến chống ngầm nếu nó được triển khai bên ngoài vùng biển ven bờ của Triều Tiên. Nó cũng dễ bị tấn công phủ đầu khi vào cảng của đối phương.
Tuy nhiên, theo trang news.com.au, loại vũ khí đặc biệt này khiến nhiều người nhớ tới ngư lôi hạt nhân mà Nga phát triển có tên gọi Poseidon-một trong 6 loại được gọi là “siêu vũ khí” do Tổng thống Vladimir Putin công bố.
Đến nay, không có nhiều thông tin công khai về ngư lôi Poseidon, song về cơ bản, loại vũ khí này là sự kết hợp giữa ngư lôi truyền thống và thiết bị không người lái dưới nước có thể phóng từ tàu ngầm hạt nhân. Cũng giống như khả năng tiếp cận bí mật của "Sóng thần", Poseidon có thể thâm nhập lãnh hải đối phương ở độ sâu lớn. Nó có khả năng tăng tốc để cắt đuôi đối phương khi bị phát hiện và sau đó quay trở lại chế độ di chuyển bí mật với tốc độ thấp. Ngư lôi này có tầm hoạt động không giới hạn và sẽ phát nổ khi tiếp cận mục tiêu. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói rằng “không có loại vũ khí nào” có thể chống lại hoặc phá hủy ngư lôi hạt nhân.
Dù chưa thể khẳng định "Sóng thần" có thật sự giống Poseidon hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng thông tin Triều Tiên sở hữu loại vũ khí có khả năng tạo ra những cơn sóng hủy diệt sẽ có tác động tương tự như một vụ phóng tên lửa, khiến một số quốc gia sở hữu nhiều cảng biển trong khu vực phải dè chừng.
NGỌC HÂN
Tin mới
Phát hiện, ngăn chặn 1.500 kg chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/05/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; căn cứ chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn và Chi cục Quản lý thị trường.
Cao Bằng: Kiểm tra, thu giữ gần 1,4 tấn nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ
Chi Cục QLTT tỉnh Cao Bằng vừa phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh; Đội Kiểm soát Hải quan, Chi cục Hải quan Khu vực VI; Công an xã Tri Phương, huyện Trùng Khánh thu giữ gần 1,4 tấn nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Xử phạt 18 triệu đồng đối với hộ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhập lậu
Ngày 20/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Chi cục QLTT tỉnh Ninh Bình vừa tiến hành kiểm tra tại Hộ kinh doanh Đinh Văn Cương (Tổ dân phố Ghềnh, phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình).
Phát hiện, tiêu hủy 1 tấn chả chay không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Chi cục QLTT tỉnh Phú Yên vừa ban hành quyết định xử phạt ông V.Đ.T với số tiền 17.000.000 đồng và buộc tiêu hủy 1.000 kg thực phẩm là chả chay không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tỷ phú Elon Musk lên kế hoạch rút lui khỏi chính trường Mỹ
Ngày 20-5, tỷ phú Elon Musk cho biết ông sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành của Tesla trong ít nhất 5 năm tới, đồng thời có kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho các hoạt động chính trị nhằm xoa dịu mối lo ngại của một số nhà đầu tư về tương lai của nhà sản xuất xe điện có giá trị nhất thế giới.
Mỹ công bố kế hoạch phòng thủ tên lửa có tổng kinh phí 175 tỷ USD
Ngày 20-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa "Vòm Vàng" (Golden Dome), với tổng kinh phí lên tới 175 tỷ USD, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trước khi kết thúc nhiệm kỳ của ông.