• Click để copy

Sự độc đáo và sức hút của nghệ thuật múa rối Việt Nam

Múa rối nước được cho là khởi xuất từ thời nhà Lý, khoảng thế kỷ 10, 11, gắn liền với cuộc sống thôn dã ở đồng bằng Bắc Bộ và nền văn minh lúa nước (trên tấm bia đá chùa Long Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có khắc dòng chữ: Múa rối nước được biểu diễn mừng thọ vua năm 1121.

Như thế cũng có nghĩa trước đó múa rối nước đã tồn tại và được người dân thực hành). Nghệ sĩ múa rối giấu mình sau tấm màn, ngâm mình trong bể nước sâu ngang hông và điều khiển con rối bằng những cây sào dài nằm chìm dưới mặt nước.

Sức hấp dẫn kỳ lạ của múa rối nước

Trong cuộc đời làm múa rối, đến nay tôi vẫn nhớ kỷ niệm sâu sắc. Vào năm 1984, việc giao lưu văn hóa với Việt Nam và các nước phương Tây vẫn còn rất khó khăn. Lúc đó tôi mới về công tác tại Nhà hát Múa rối Việt Nam, có một kế hoạch biểu diễn nghệ thuật do Pháp mời. Phía bạn yêu cầu 3 đoàn gồm cải lương, chèo và múa rối.

Hai loại nghệ thuật cải lương và chèo lập đoàn rất nhanh; còn đoàn múa rối nước gặp chút trắc trở, bởi nếu đưa rối nước đi phải mang đạo cụ cồng kềnh lắp đặt thủy đình, gậy điều khiển, rèm, con rối... như thế kinh phí cho việc đi lại sẽ rất tốn kém. Việt Nam đàm phán tính chuyện không đưa đoàn múa rối đi nữa, nhưng các bạn Pháp cương quyết nhất định phải có múa rối thì mới tổ chức. Bàn đi tính lại, cuối cùng đoàn múa rối nước đã cùng hai loại hình nghệ thuật truyền thống khác có chuyến lưu diễn sang Tây Âu.

Sự độc đáo và sức hút của nghệ thuật múa rối Việt Nam

     Múa rối nước mang vẻ đẹp, giá trị văn hóa dân gian độc đáo của người Việt. Ảnh: MINH ANH 

“Thật kỳ lạ!”; “Tại sao lại có loại hình nghệ thuật lấy mặt nước làm sân khấu?”; “Cuộc sống của người dân Việt Nam trình diễn trên mặt nước”; “Không thể tin nổi tại sao con rồng vừa phun lửa vừa phun nước được chứ?”... Đó là những thông tin đăng trên báo quốc tế về múa rối nước Việt Nam lần lưu diễn đó. Các đoàn cải lương, chèo, nghệ sĩ hát rất hay, kiều bào đến xem xúc động. Nhưng những suất diễn của múa rối nước đông đảo hơn gấp bội vì thu hút rất nhiều khán giả quốc tế. Có lẽ cải lương hay chèo vướng rào cản về ngôn ngữ, nên khách quốc tế có chút e ngại. Còn múa rối nước thì không có bất cứ rào cản nào cả.

Những con rối làm từ gỗ được tạo hình một cách tỉ mỉ với kích thước to, nhỏ khác nhau nhảy múa, nô đùa và lướt đi trên mặt nước. Từ người nông dân đi cày cùng trâu, mùa gặt, cho đến những bé nhi đồng đùa nghịch dưới sông khi hè về; hay những con ếch, cá, đàn vịt nhiều màu xanh, đỏ, vàng nối đuôi nhau bơi lội làm xao động mặt nước, và cả những con rồng, con phượng huyền bí xuất hiện trong làn khói mờ ảo... Những giây phút kỳ diệu như vậy chắc hẳn đã đem đến niềm vui, sự ngưỡng mộ cho mọi người.

Ba năm sau đó, năm 1987, Nhà văn hóa thế giới của Pháp, một đơn vị có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu các loại hình văn hóa đặc sắc của thế giới đã mời đoàn múa rối nước Việt Nam sang biểu diễn tại 3 nước: Pháp, Italy và Hà Lan, thêm khẳng định sức hấp dẫn của múa rối nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Múa rối nước có lịch sử khoảng một nghìn năm và đến nay vẫn tồn tại, phát triển bởi nó thể hiện cuộc sống của người dân từ sinh hoạt, vui chơi giải trí đến lao động sản xuất. Từng có nhiều quốc gia như Ai Cập, Hà Lan... sang tìm chúng tôi để nhờ hướng dẫn, học hỏi. Mặc dù nghệ thuật múa rối của chúng ta đã hội nhập, tiếp thu, học tập và đưa vào thêm hình thức múa rối cạn, rối bóng, rối que... của nhiều quốc gia khác; nhưng múa rối nước thì chưa quốc gia nào làm theo được.

Độc đáo từ tri thức, sáng tạo của cha ông

Xuất hiện từ dưới làn nước mát, hai con rồng vàng thuôn dài lấp lánh uốn lượn và phun nước. Bất thình lình, chúng dìm đầu xuống nước rồi ngẩng lên, phun lửa, tạo nên những tia lửa vàng và những làn khói trắng. Thật không thể tin nổi, làm sao chúng có thể vừa phun lửa lại vừa phun nước được chứ?

Màn biểu diễn độc đáo của tích trò múa rồng mang đến cho khán giả những giây phút thú vị, nhưng cũng đem đến những thắc mắc của không ít người. Trong đó có một ông làm công tác an ninh cho đoàn chúng tôi khi biểu diễn tại Pháp.

Ông ta kể, tôi xem rất kỹ, nhiều buổi diễn rồi mà không lý giải được sao lại có thể làm được như thế. Tôi giải thích, kỹ thuật rất đơn giản, ví dụ con rồng phun lửa rồi phun nước, mồm con rồng được chế tác rỗng đủ đưa quả pháo được nhồi thuốc thật chặt và có độ tính toán để làm sao khi đốt lửa thời gian dìm xuống nước như thế nào thì không bị tắt; trong độ rỗng đó cài kèm một cái bơm để khi hút nước, như xi lanh, ngụp xuống nước thì hút nước, ngẩng lên thì bơm ra. Như thế con rồng cứ vừa phun lửa, vừa phun nước, vừa dìm xuống nước rồi bay lượn lên không.

Giải thích xong, ông ta ồ lên: “Sao tôi không nghĩ ra được nhỉ. Bái phục!”.

Giá trị độc đáo nữa của múa rối nước là tạo hình con rối. Những con rối được đục, đẽo tạo hình mang dáng dấp của điêu khắc đình làng, tiếp thêm nữa là nghệ thuật sơn mài, loại hình nghệ thuật truyền thống thủ công mang tính khéo léo, tinh tế. Hai giá trị cộng lại tạo nên hiệu quả đặc biệt, làm cho các con rối và nghệ thuật múa rối lóng lánh hơn khi ở dưới nước.

Đấy là sự kỳ tài của các bậc tiền nhân khi sáng tạo ra những tích trò múa rối, phản ánh trí thông minh, sáng tạo giá trị văn hóa độc đáo của người dân Việt Nam.

Bảo tồn và phát huy vẻ đẹp, giá trị của múa rối

Từ năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị thành lập ngành rối Việt Nam. Mong muốn của Người là “cần có đoàn múa rối chuyên nghiệp để các cháu thiếu nhi thêm niềm vui, thêm tiếng cười”. Cho tới nay, có thể thấy vai trò của nghệ thuật múa rối đã có một chặng đường dài song hành cùng lịch sử dân tộc, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của các thế hệ khán giả cả nước.

Ngành rối không chỉ bảo tồn, phát huy các giá trị cốt lõi của nghệ thuật múa rối nước dân gian mà còn xây dựng, phát triển sân khấu múa rối cạn, tiệm cận với nghệ thuật múa rối trên thế giới. Trong các cuộc liên hoan sân khấu không chuyên và chuyên nghiệp đều có những tiết mục, vở diễn múa rối.

Gần nhất là tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V, năm 2022 (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15 đến 26-11), nghệ thuật múa rối lại khoe nét độc đáo, thi thố tài năng với các loại hình nghệ thuật sân khấu khác của nhiều quốc gia. Tại “Festival Ninh Bình 2022-Tràng An kết nối di sản” rối nước lóng lánh khoe sắc với nhiều loại hình di sản văn hóa dọc dài đất nước.

Múa rối từng có thời gian hưng thịnh. Khoảng thời gian mười năm về trước, người làm múa rối chúng tôi hay nói vui với nhau rằng nhà nhà làm rối, người người làm rối. Múa rối trở thành một trong những sản phẩm thu hút khách du lịch nên ở nhiều khu du lịch có múa rối, rồi trong các khách sạn cũng có những không gian trưng bày múa rối; các tỉnh, các đoàn gọi nhau học làm rối, diễn múa rối; những phường rối dân gian ở các làng quê cũng nở rộ, rộn ràng...

Đáng kể, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã xác lập kỷ lục “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm”. Suốt gần 20 năm qua, Nhà hát duy trì 365 ngày biểu diễn liên tục với bình quân 5 suất diễn một ngày và đã giới thiệu bộ môn nghệ thuật cổ truyền dân tộc múa rối nước Việt Nam tới hàng chục quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan...

Tuy nhiên nghệ thuật múa rối cũng như các loại hình sân khấu truyền thống khác đang gặp rất nhiều khó khăn. Về khách quan, khi đại dịch Covid-19 ập đến, hoạt động biểu diễn múa rối buộc phải dừng, hủy, biểu diễn cầm chừng. Về chủ quan, ngoài các đơn vị nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp, đã có rất nhiều đơn vị tư nhân mạnh ai nấy làm múa rối, ảnh hưởng đến chất lượng, xa rời gốc gác.

Lo lắng hơn, đó là ngay bản thân một số đơn vị nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp hiện nay cũng ít hoặc không diễn các tích trò cổ. Dù rằng xu thế phát triển đòi hỏi phải sáng tạo, đổi mới, nhưng với nghệ thuật truyền thống, bên cạnh những định hướng đổi mới, hiện đại thì những gì là cổ, quý, bản sắc, đặc trưng phải luôn được quan tâm bảo tồn, gìn giữ. Bằng mọi giá phải giữ gìn giá trị của múa rối nước. Đừng để múa rối nước bị biến tướng và rồi đến một lúc nào đó không còn nhận ra bản sắc riêng của nó.

Nên chăng đã đến lúc cần một “nhạc trưởng” chỉ huy, dẫn dắt loại hình nghệ thuật độc nhất vô nhị của dân tộc đi đúng hướng, phát huy giá trị. Cần hơn nữa là sự quan tâm của các cấp quản lý trong việc nghiên cứu, lập hồ sơ đưa loại hình nghệ thuật múa rối nước vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ sĩ Nhân dân VƯƠNG DUY BIÊN

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.