Sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm
Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và các chương trình, dự án quan trọng là một trong những nhiệm vụ được Cục Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Bộ Quốc phòng đặt lên hàng đầu. Qua đó, giúp tập trung bố trí vốn cho các công trình, dự án trọng điểm theo thứ tự ưu tiên, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kém hiệu quả...
Cục KH-ĐT thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, giải pháp của Chính phủ; quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ KH-ĐT, làm tốt nhiệm vụ tham mưu với thủ trưởng Bộ Quốc phòng trong tổ chức huy động, quản lý, điều hành các nguồn lực. Theo đó, Cục KH-ĐT đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng giao chi tiết kế hoạch vốn ngân sách nhà nước ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn cho các chương trình, dự án trọng điểm, cấp bách. Chủ động rà soát, tổng hợp báo cáo thủ trưởng Bộ Quốc phòng điều chỉnh giảm kế hoạch vốn từ các dự án giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân hết số vốn được giao trong năm, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Vì vậy, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Bộ Quốc phòng cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình cả nước (đến ngày 31-1-2024, Bộ Quốc phòng đã giải ngân được 97,3% vốn đầu tư công). Đại tá Đỗ Hồng Quang, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Cục KH-ĐT) cho biết: "Các phòng chức năng của Cục kịp thời hướng dẫn các đơn vị thực hiện kế hoạch theo đúng Luật Đầu tư công; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách quốc phòng, ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác; thực hiện thẩm định các dự án đúng tiến độ, quy định".
![]() |
Hoạt động đầu tư góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải Quân). Ảnh: GIA MINH |
Để bảo đảm hiệu quả đầu tư, công tác đấu thầu trong Bộ Quốc phòng được triển khai, tổ chức thực hiện đầy đủ, đồng bộ theo Luật Đấu thầu, tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Cục KH-ĐT đã chủ động tham mưu với thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định về quản lý đầu tư, đấu thầu trong Bộ Quốc phòng. Tổ chức đấu thầu qua mạng theo đúng lộ trình do Chính phủ quy định. Phân cấp cho các đơn vị quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các dự án, dự toán mua sắm theo định mức quy định. Nhờ đó, tạo sự chủ động và điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, bên mời thầu, giảm thời gian đấu thầu, từng bước chuyên nghiệp hóa, tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu của các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư, bên mời thầu trong toàn quân.
Theo Đại tá Trịnh Xuân Sinh, Trưởng phòng Quản lý đấu thầu (Cục KH-ĐT), các phòng nghiệp vụ tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các cơ quan, đơn vị những quy định về đấu thầu. Đồng thời, liên kết với các cơ sở trong và ngoài Quân đội để bồi dưỡng, đào tạo cấp chứng chỉ đấu thầu cơ bản, đấu thầu qua mạng cho đội ngũ cán bộ làm công tác này. Các cơ quan, đơn vị tổ chức bồi dưỡng, học nghiệp vụ, tập huấn, huấn luyện cho cán bộ bằng nhiều hình thức phù hợp như: Hội nghị giao ban rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, tập huấn... Đặc biệt, tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên làm công tác đấu thầu toàn quân tham gia thi chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.
Bên cạnh đó, công tác quản lý vốn đầu tư trong Bộ Quốc phòng ngày càng đi vào nền nếp, bảo đảm chặt chẽ từ giai đoạn chuẩn bị, thẩm định, thực hiện dự án đầu tư đến nghiệm thu, thanh, quyết toán dự án hoàn thành; chất lượng hồ sơ từng bước được nâng lên, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành cũng có nhiều chuyển biến, từng bước khắc phục được những hạn chế, tồn tại. Các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư chủ động rà soát danh mục, dự án, kịp thời hoàn chỉnh các thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện. Tổ chức lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Chủ đầu tư các dự án đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng, hồ sơ nghiệm thu ngay khi có khối lượng hoàn thành và làm thủ tục giải ngân, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định.
Một điểm đáng chú ý là trong những năm qua, công tác thương mại quân sự đã được quán triệt, thực hiện theo phương châm tăng cường đa phương hóa về hợp tác kỹ thuật quân sự, đa dạng hóa đối tác nguồn hàng nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tăng cường tiềm lực quốc phòng. Cục KH-ĐT thường xuyên làm tốt chức năng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện theo đúng quy định. Đại tá Nguyễn Đình Luyện, Trưởng phòng Thương mại quân sự (Cục KH-ĐT) chia sẻ: "Chúng tôi chủ động tham mưu với Đảng ủy, chỉ huy Cục, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung, đổi mới cơ chế xuất nhập khẩu phù hợp với tình hình thế giới, khu vực và đất nước; phương thức công tác xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng được đổi mới, xác định rõ trách nhiệm ở từng khâu, từng cấp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính". Đây là một trong những yếu tố giúp hoạt động thương mại quân sự đạt được nhiều kết quả tích cực. Cục KH-ĐT đã tham mưu kịp thời, có chất lượng với Bộ Quốc phòng về các nội dung liên quan đến bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia trong quá trình mở cửa, hội nhập, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
TRỊNH VĂN TỰ
Tin mới
Chuyến công tác của Thủ tướng tới Brazil: Thành công trên nhiều phương diện
Lần thứ ba trong 3 năm liên tiếp và với hành trình bay hơn 25 giờ để đến nơi cách nhau nửa vòng Trái đất - đất nước của vũ điệu Samba, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn rõ nét và kết quả thực chất.
Bộ Công Thương giao chỉ tiêu tăng trưởng và nhiệm vụ phát triển thị trường cho các tỉnh sau sáp nhập
Trước diễn biến tăng trưởng bán lẻ chưa như kỳ vọng và yêu cầu điều chỉnh theo địa giới hành chính mới, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương khẩn trương ổn định bộ máy, đẩy nhanh thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng theo Chỉ thị 08.
Quảng Ninh: Phát hiện kho hàng hơn 47.000 sản phẩm nhập lậu, vận hành qua phần mềm Trung Quốc
Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện một kho hàng chứa hơn 47.000 sản phẩm vi phạm, vận hành bằng phần mềm nước ngoài, liên kết với hàng trăm tài khoản TikTok và nguồn hàng từ Trung Quốc, cho thấy dấu hiệu buôn lậu xuyên biên giới tinh vi qua thương mại điện tử.
Không thu phí xem pháo hoa đối với du khách tham quan vịnh Hạ Long
Ngày 9-7, đại diện Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long, đơn vị tổ chức bắn pháo hoa ở phường Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị sẽ dừng việc tổ chức bắn pháo hoa ở mặt bến cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, không thu phí phụ thu xem pháo hoa ở các điểm kinh doanh dịch vụ lân cận và du khách tham quan vịnh Hạ Long vào các tối thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần.
Giá vàng chiều nay (9-7): Lao dốc
Giá vàng chiều nay (9-7) "lao dốc" cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn.
6 tháng đầu năm 2025: 7 nhóm mặt hàng xuất khẩu hơn 8 tỷ USD
6 tháng đầu năm 2025, có 7 mặt hàng xuất khẩu hơn 8 tỷ USD, chiếm 67,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 47,688 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 26,895 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 26,882 tỷ USD; hàng dệt, may đạt 18,669 tỷ USD.