Tăng cường cam kết tài chính thúc đẩy ứng phó biến đổi khí hậu
Việc tăng cường hỗ trợ tài chính cho các quốc gia thu nhập thấp hơn được coi là vấn đề đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.
Không có quốc gia nào là ngoại lệ khi thời tiết trở nên cực đoan. Báo cáo của Cơ quan Quan sát hạn hán châu Âu (EDO) cho thấy, “lục địa già” đang trải qua mùa hè khắc nghiệt nhất trong vòng 500 năm. Các sông băng tan chảy nhanh chóng ở Pakistan gây áp lực lên các tuyến đường thủy của nước này, trong khi bão, lũ liên tục đổ bộ vào Mỹ hay Philippines.
Đặc biệt, nhiều quốc gia châu Phi phải hứng chịu những hậu quả tồi tệ của biến đổi khí hậu (BĐKH), có thể kể đến thảm họa lũ lụt tại Nigeria, đợt hạn hán tồi tệ tại vùng Sừng châu Phi, hàng loạt trận lốc xoáy và mưa xối xả tại Madagascar, Mozambique hay Nam Phi.
Biến đổi khí hậu là tác nhân gây ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan. Ảnh: ASCE |
Reuters dẫn dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu thảm họa (CRED) có trụ sở tại Brussels, Bỉ thống kê các trận hạn hán, lũ lụt và mưa bão trong năm ngoái đã gây thiệt hại hơn 224 tỷ USD trên toàn cầu.
Mặt khác, BĐKH còn làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia. Trong một bài viết mới đây trên trang mạng của Viện Nghiên cứu các Vấn đề quốc tế của Australia (AIIA), TS Saskia van Wees đánh giá, các nước thu nhập cao tích lũy sự giàu có thông qua công nghiệp hóa nhờ sử dụng nhiên liệu hóa thạch giá rẻ, dẫn đến lượng khí thải lớn, gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Trong khi các nước giàu có thể đủ khả năng đầu tư tốt hơn vào giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, những quốc gia thu nhập thấp gây tác động ít đến tình trạng này lại đang phải chịu gánh nặng nhiều hơn. Đơn cử, Báo cáo “Tình trạng khí hậu ở châu Phi năm 2021” của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho thấy, tình trạng căng thẳng về nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến 250 triệu người ở châu Phi và khiến 700 triệu người phải di cư vào năm 2030, trong khi châu lục này chỉ chiếm 2-3% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Liên hợp quốc (LHQ) đã thúc đẩy sự công bằng tài chính hơn trong giải quyết vấn đề BĐKH với nguyên tắc “Các trách nhiệm chung nhưng có phân biệt” (CBDR) được thành lập thông qua Tuyên bố Rio năm 1992. CBDR khẳng định, trong khi tất cả các quốc gia đều chia sẻ trách nhiệm chung trong bảo đảm môi trường toàn cầu, những nước phát triển cần chịu trách nhiệm về phần lớn lượng khí thải nhà kính.
Do đó, họ phải có trách nhiệm lớn hơn không chỉ trong việc giảm phát thải mà còn giúp những quốc gia thu nhập thấp hơn thích ứng với BĐKH, hay còn được coi là vấn đề công bằng tài chính khí hậu. LHQ cũng từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hỗ trợ tài chính trong cuộc chiến chống BĐKH, khi hiện 80% nguồn tài chính vẫn xuất phát từ ngân sách quốc gia-một vấn đề rất khó khăn với các nước đang phát triển.
Từ năm 2009, các nước giàu cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm tới năm 2020 cho những quốc gia đang phát triển để ứng phó tác động của BĐKH. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP26) ở Anh vào năm ngoái, các nước phát triển một lần nữa đưa ra tuyên bố tương tự.
Tuy nhiên, Bloomberg nêu rõ, mục tiêu đó đã bị bỏ lỡ bởi Chủ tịch Hội nghị COP26 Alok Sharma thừa nhận, điều này khó có thể thực hiện trước năm 2023. Việc những cam kết tài chính trước đây không được hoàn thành sẽ khiến mục tiêu đàm phán tăng cường viện trợ khí hậu thêm khó khăn.
Dự báo tình trạng BĐKH ngày càng cực đoan hơn. Nhu cầu đầu tư nhiều hơn, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển và các nước nghèo để thích ứng BĐKH và cân bằng giữa bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế đóng vai trò rất quan trọng.
Trong khi đó, Hội nghị COP27 sắp tới tại Ai Cập còn diễn ra giữa lúc thế giới đang đối mặt với hàng loạt thách thức, trong đó tình hình đại dịch Covid-19 vẫn phức tạp, tỷ lệ lạm phát gia tăng hay căng thẳng ở Ukraine kéo theo khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu. Việc Chính phủ các nước trên thế giới tập trung vực dậy nền kinh tế có thể lại càng ảnh hưởng tới các khoản đóng góp tài trợ khí hậu.
“Hội nghị COP27 cần đạt được tiến bộ có ý nghĩa liên quan đến công bằng tài chính khí hậu”, TS Saskia van Wees khuyến nghị.
VĂN HIẾU
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.