Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trước tác động của Temu
Sự bùng nổ của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Taobao, 1688, Shein và gần đây là Temu đã tạo nên một làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam.
Một trong những điểm nổi bật của các nền tảng này là mức giá cạnh tranh không thể cưỡng lại với hàng loạt sản phẩm được giảm giá sâu. Trong khi người tiêu dùng hưởng lợi từ giá rẻ và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn từ nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, doanh nghiệp trong nước lại lao đao vì cơn bão hàng giá rẻ. Trước bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có biện pháp để bảo vệ và tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.
Temu - phiên bản quốc tế của Pinduoduo, nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc đã xuất hiện tại Việt Nam. |
Đầu tháng 10 vừa qua, Temu - phiên bản quốc tế của Pinduoduo, nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc đã xuất hiện tại Việt Nam. Các sản phẩm tại Temu được bán với mức giá rẻ chưa từng thấy, Temu đánh vào tâm lý mua sắm thả phanh mà không lo về giá của người tiêu dùng. Ngay khi vừa đổ bộ, Temu không chỉ tung ra hàng loạt ưu đãi như miễn phí giao hàng, cho phép trả hàng hoàn tiền lên tới 90 ngày mà còn sẵn sàng chia hoa hồng lên tới 30% cho hoạt động tiếp thị liên kết nhằm đẩy mạnh số lượng người dùng mới. Như vậy, Temu đang sẵn sàng chi mạnh tay để tham gia vào cuộc chiến dành thị phần với các sàn thương mại điện tử khác tại Việt Nam.
Nhận định từ các chuyên gia, những ngày qua, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đã tạo bom tấn với người tiêu dùng Việt bởi nhiều sản phẩm giá rẻ bất ngờ. Ngoài việc mua sắm trực tuyến để mua hàng giá rẻ, không ít người dùng mạng xã hội đã chia sẻ các đường link liên kết, kêu gọi người thân, bạn bè cùng tải ứng dụng Temu về để nhận hoa hồng.
Bởi, chính hình thức tiếp thị liên kết với hoa hồng cao (150.000 đồng/1 lượt giới thiệu thành công), đang khiến cho Temu trở thành nền tảng mua sắm trực tuyến có sức nóng chưa từng có trong lịch sử chào sân của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Cùng đó, với chính sách khuyến mại cao cho lần đặt hàng đầu tiên, Temu đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng Việt.
Sau khi cài ứng dụng mua hàng qua sàn thương mại điện tử Temu, chị Lê Vân Anh (Đồng Tâm - Hà Nội) đã mua được chiếc túi thời trang chưa tới 200.000 đồng, bộ sấy giày tự động 181.000 đồng và đôi giày mùa đông lót lông với giá 93.000 đồng.
Theo chị Lê Vân Anh, hầu hết các sản phẩm đều được giảm giá sâu, sau 4 ngày nhận hàng tại nhà hoàn toàn miễn phí. Có lẽ đây là điểm cộng mà sàn thương mại điện tử đang thu hút người tiêu dùng Việt bởi chưa bao giờ mua được những sản phẩm rẻ như vậy.
Tương tự, anh Nguyễn Đức Minh (Kim Ngưu - Hà Nội) chia sẻ, anh mới mua chiếc túi đeo chéo gần nhà giá hơn 500.000 đồng trong khi đó sản phẩm này được chào bán tại sàn thương mại điện tử Temu chỉ với giá 155.000 đồng. Hơn nữa, nếu mua nhiều còn được tặng mã giảm giá, càng mua càng rẻ. Đáng lưu ý, các mặt hàng điện tử được đăng bán rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng trong nước.
Nhận định về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Hưng - Giám đốc điều hành Công ty Accesstrade Việt Nam cho biết, Temu mới vào Việt Nam nên tung ra nhiều chính sách khuyến mại hấp dẫn như giảm giá sâu, tập trung vào mặt hàng giá rẻ, thông dụng để thu hút người tiêu dùng nhưng thực tế, người tiêu dùng rất thông thái trong mua sắm trên mạng và có sự lựa chọn, so sánh. Hơn nữa, người tiêu dùng mới đang tham gia ở mức trải nghiệm, mua sắm những mặt hàng thông dụng có mức giá thấp mang tính thăm dò. Bởi, hàng hóa đặt mới về Việt Nam được vài ngày cho đơn hàng sớm chưa thể đánh giá được chất lượng.
Tuy nhiên, cơ hội trải nghiệm mua sắm với người tiêu dùng nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước trong dài hạn, buộc các nhà sản xuất trong nước nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy đầu tư vào logistics, tạo việc làm và thu nhập cho lao động. Bên cạnh đó, vấn đề thất thu thuế cũng là bài toán cần được tháo gỡ để tránh gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Châu, Giám đốc Công ty May mặc V.N.F (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) nêu rõ, các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đang đẩy doanh nghiệp Việt vào thế khó qua việc bán hàng trực tiếp từ nhà máy tới tay khách hàng, cắt đến hơn 50% khâu trung gian, tức giá bán ra sẽ rẻ hơn nhiều so với giá ở cửa hàng.
Bởi vậy, đây là cuộc chơi chưa công bằng, sòng phẳng với cả hàng nhập khẩu từ các nước khác lẫn hàng nội địa Việt Nam. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ càng khốc liệt hơn. Hàng hóa ngoài giá cả còn có chất lượng, an toàn sức khỏe người dùng không thể đòi hỏi giá cực rẻ nhưng chất lượng điểm 10. Sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới là một xu hướng không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong nước, cần có những chính sách và biện pháp bảo vệ phù hợp.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, để ứng phó với làn sóng đổ bộ của hàng giá rẻ Trung Quốc vào Việt Nam, doanh nghiệp Việt cần tập trung vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi, đồng thời cải thiện hệ thống logistics để giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh.
Trước tình trạng các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới gây áp lực lớn lên doanh nghiệp trong nước, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao gồm việc áp dụng biện pháp chế tài, tạm ngừng hoặc đình chỉ hoạt động của các nền tảng vi phạm nhiều lần. Đồng thời, cơ quan này cũng đề xuất tăng cường kiểm tra sự tuân thủ của các sàn thương mại điện tử quốc tế, tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, việc ban hành các quy định về thuế quan và thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử cũng là điều cần thiết. Điều này, nhằm đảm bảo các nền tảng phải tuân thủ quy định về thuế, đảm bảo quyền lợi cho ngân sách quốc gia và tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp nội địa.
Trước sự cạnh tranh với hàng giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Đỗ Hữu Hưng khẳng định, đây là thời điểm thêm lựa chọn cho người tiêu dùng nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt xây dựng được thương hiệu, sản phẩm đủ sức cạnh tranh bán trên sàn thương mại điện tử và sản phẩm bán được nhiều hơn khi tận dụng được cơ hội từ thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại. Cùng đó, nếu chọn chiến lược giá rẻ, doanh nghiệp phải thay đổi, tìm ra cách thức sản xuất để tối ưu chi phí, ưu tiên nguồn nguyên phụ liệu tại chỗ.
Để kiểm soát chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo cạnh tranh với doanh nghiệp, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Bình Minh khuyến nghị cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng đó, tạo hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế qua thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm công bằng cho doanh nghiệp trong nước.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Cụ thể, yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng. Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Cùng đó, trong tháng 10, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tham mưu cho lãnh đạo bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam…
Bộ trưởng giao Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký. Ngoài ra, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trái phép.
UYÊN HƯƠNG
Tin mới
Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Sáng 12-11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (1954-2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2024); đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân
Chiều 12-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn, báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan đến điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Báo chí và mạng xã hội: Cạnh tranh hay hợp tác?
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu quảng cáo là nguồn thu quan trọng của báo chí và trận địa cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí với mạng xã hội, nhưng báo chí đang lép vế và thua trên sân nhà với 80% doanh thu quảng cáo "chảy" về mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đến tháng 6-2025, phủ sóng di động tất cả những vùng lõm sóng
Không có sóng di động ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều đại biểu quan tâm tới các giải pháp xóa vùng lõm sóng viễn thông.
Hội nghị liên tịch giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào)
Sáng 12-11, tại Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã diễn ra Hội nghị liên tịch thường niên lần thứ XIX năm 2024 giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào). Đại tá Nguyễn Thế Vinh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Thiếu tướng Xokxay Phimmala, Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào) đồng chủ trì hội nghị.
Kinh doanh giầy giả, Hộ kinh doanh bị xử phạt 16 triệu đồng
Đội QLTT số 2 Cục QLTT tỉnh Hải Dương vừa tổ chức giám sát việc tiêu huỷ 97 đôi giầy thể thao giả mạo nhãn hiệu “Adidas và hình” là tang vật trong vụ việc buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu.