Tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam
Sáng 28-4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, dự luật này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khi thực hiện thủ tục nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam.
Qua đó góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, thúc đẩy chính sách hòa hợp dân tộc nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
![]() |
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Dự thảo Luật tập trung vào 2 chính sách lớn. Đó là sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc nhập quốc tịch Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông bà nội hoặc ông bà ngoại là công dân Việt Nam; nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài... được nhập quốc tịch Việt Nam.
Cùng với đó, bổ sung một số quy định liên quan đến việc trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam.
Với lần sửa đổi này, dự luật quy định tất cả trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được xem xét trở lại quốc tịch Việt Nam. Đồng thời, quy định "Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam được giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định và được Chủ tịch nước cho phép" và giao Chính phủ quy định điều kiện cụ thể.
Đề xuất người tham gia cơ quan dân cử "chỉ có một quốc tịch Việt Nam"
Đáng chú ý, nội dung bổ sung của dự thảo luật quy định "phải là người chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và phải thường trú tại Việt Nam'' khi công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài tham gia vào các cơ quan dân cử, các cơ quan của hệ thống chính trị và thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an... Quy định này nhằm bảo đảm vấn đề an ninh chính trị, lợi ích quốc gia.
Bên cạnh đó, để tạo sự linh hoạt trong việc có thể tuyển dụng được các trường hợp cụ thể có năng lực nổi trội tham gia công chức Nhà nước, dự thảo Luật đã quy định "trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định".
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Đại diện cơ quan thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí bổ sung quy định "phải là người chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam" đối với "người ứng cử, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ; được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh vào các cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, địa phương; tham gia lực lượng vũ trang của Việt Nam".
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, việc quy định có ngoại lệ đối với tất cả đối tượng này cần được cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng. Theo đó, trường hợp đặc biệt chỉ nên xem xét, áp dụng với đối tượng "được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh vào các cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, địa phương", cần phải thu hút, tạo điều kiện để tuyển dụng nhân tài….
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Về các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội nhất trí với quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn và khuyến khích nhiều hơn những người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam, góp phần hạn chế tình trạng không quốc tịch của người Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể các điều kiện "có thể" được trở lại quốc tịch Việt Nam ngay trong Luật vì liên quan đến quyền trở lại quốc tịch của người Việt Nam ở nước ngoài.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ chín, dự kiến khai mạc ngày 5-5 tới đây.
VŨ DUNG
Tin mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương
Chiều 3-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Đây là hội nghị Chính phủ với địa phương đầu tiên, ngay sau khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 tỉnh, thành phố thành 34 tỉnh, thành phố.
Giải pháp giảm áp lực giá bất động sản từ mô hình bất động sản đa năng
Ngày 3-7, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo chủ đề: "Livehouse - Mô hình bất động sản thế hệ mới: Giải pháp giảm áp lực giá bất động sản trong đô thị".
Công bố các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội khóa XV thông qua
Sáng 3-7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua.
Iran đóng cửa một phần không phận
Ngày 2-7, người phát ngôn Bộ Đường bộ và Phát triển Đô thị Iran, ông Majid Akhavan thông báo không phận miền Tây và miền Trung của nước này đóng cửa đối với các chuyến bay quá cảnh quốc tế vì lý do an toàn.
Tổng thống Iran ra sắc lệnh đình chỉ hợp tác với IAEA
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ngày 2-7 đã ra sắc lệnh đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Chứng khoán Mỹ cao kỷ lục sau thỏa thuận thương mại với Việt Nam
Ngày 2-7, các chỉ số S&P 500 và Nasdaq của Mỹ đã chốt phiên ở mức cao kỷ lục nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ và thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Việt Nam giúp làm dịu đi những lo ngại về căng thẳng thương mại kéo dài.