• Click để copy

Tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, ngày 27-10, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận về phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023 và các vấn đề về tài chính, ngân sách. Đa số các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, giải quyết việc làm và các vấn đề an sinh xã hội.

Đồng thời, đề nghị cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ứng phó với nguy cơ lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kịp thời tăng lương, bảo đảm đời sống cho người lao động...

Nhiều điểm sáng của nền kinh tế

Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) nhấn mạnh, nhiều kết quả tích cực như kinh tế vĩ mô ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội; chỉ số giá tiêu dùng và tỷ giá được kiểm soát; vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư toàn xã hội tăng cao với chất lượng ngày càng tốt hơn; xuất siêu đạt mức cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm; việc làm, đời sống nhân dân và người lao động được bảo đảm, từng bước cải thiện... Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương lưu ý, việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế-xã hội còn chậm, nhất là đối với gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, hỗ trợ mất việc làm. Vì vậy, cần có giải pháp để khắc phục những hạn chế trong triển khai chính sách đã ban hành. Bên cạnh đó, để tiếp tục tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế cần chú trọng đến khu vực trong nước, nhất là dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng mạnh vào cuối năm, đánh giá đúng nhu cầu hấp thụ vốn, xem xét cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức vay nợ công để vừa kích thích nền kinh tế phục hồi nhanh, bền vững, vừa bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, khả năng trả nợ và sự ổn định dài hạn.

Một vấn đề được đặt ra là giải ngân vốn đầu tư công, điểm nghẽn nhiều năm qua vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) nêu vấn đề, giải ngân đầu tư công năm 2022 tiếp tục đạt thấp, trước đó, tại nhiều kỳ họp Quốc hội, Chính phủ báo cáo không đạt kế hoạch, mặc dù việc đánh giá, phân tích nguyên nhân, giải pháp đã được chỉ ra. Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) đề nghị, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cần cho phép điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án và kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn năm 2022 sang năm 2023. Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm quy định chặt chẽ và được thực thi nghiêm túc để tạo động lực cho việc triển khai thực hiện.

Tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên Huế) phát biểu thảo luận. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) quan tâm đến những khó khăn của doanh nghiệp khi chi phí đầu vào sản xuất tăng cao. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy nhanh việc cấp bù lãi suất nhằm thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay, nhất là các khoản vay tín dụng xuất khẩu và kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh, tăng cường liên kết hợp tác trong và ngoài nước.

Chủ động ứng phó với sức ép lạm phát

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã vượt đỉnh lạm phát trong vòng 30 đến 40 năm qua, lạm phát toàn cầu dự báo sẽ tăng từ 4,7% lên 8,8% năm 2022. Từ thực tế đó để thấy rằng những kết quả chúng ta đạt được trong thời gian qua là rất quý, tăng trưởng kinh tế cao và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Về kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2023, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ đồng tình với các chỉ tiêu đề ra. Trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố bất định, bất ổn và bất thường, cần ưu tiên giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt nhưng không thắt chặt, định hướng dòng vốn ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh và các dự án đã được triển khai, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý trong ngắn hạn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm chi thường xuyên.

Nhìn nhận về các vấn đề xã hội, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) bày tỏ, một bộ phận người dân, nhất là nông dân, ngư dân ngay trong đại dịch Covid-19 đã khó khăn, tuy được Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nay vẫn chưa thoát được khó. Với giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, giá nông sản không tăng dẫn đến càng khó khăn hơn. Lưu ý đến sức ép lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và trực tiếp tác động đến nước ta, đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) cho rằng, cần chủ động các kịch bản ứng phó với chính sách phù hợp. Đồng thời, công khai thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị phương án sản xuất, kinh doanh.

Kịp thời điều chỉnh lương, bảo đảm đời sống người lao động

Đề cập đến phương án tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) đánh giá, đây là nỗ lực lớn của Chính phủ, việc điều chỉnh tăng lương cơ sở là thấu tình, đạt lý, trong sức chống chịu của nền kinh tế và ngân sách. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn, thay vì từ ngày 1-7-2023 thì triển khai vào 1-1-2023. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Huy Thái, với mức tăng lương này vẫn chưa thể đáp ứng đời sống của người làm công ăn lương. Vì vậy, cử tri đang rất quan tâm đến lộ trình thực hiện cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, tăng lương cơ sở và cải cách tiền lương chỉ thực sự có giá trị đối với người lao động khi thực hiện thành công các giải pháp bình ổn giá cả thị trường.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề lao động ở khu vực công bỏ việc, nghỉ việc có xu hướng gia tăng, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) nhấn mạnh, cần nhanh chóng có giải pháp căn cơ trong việc giải bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế, giáo dục để đủ sức phục vụ nhân dân. Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, để khắc phục tình trạng bỏ việc, nghỉ việc trong khu vực công, cần mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc, xử lý các vấn đề về tổ chức bộ máy, biên chế để khắc phục áp lực công việc, tạo cơ hội thăng tiến, công bằng và minh bạch.

Phát biểu làm rõ một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra từ nhiều năm trước, do giáo viên nghỉ việc, giảm biên chế, một số nơi nhiều năm không tuyển giáo viên, số tuyển mới ít hơn số nghỉ hưu, do tăng dân số tự nhiên... Vừa qua, ngành giáo dục và đào tạo đã được giao 65.000 chỉ tiêu từ nay đến năm 2026, các địa phương đã bắt đầu tuyển dụng giáo viên. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương dồn chỉ tiêu giáo viên cho năm 2023 và 2024 để đáp ứng nhu cầu giảng dạy các môn học mới; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng để bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, tránh phát sinh tiêu cực. Hiện nay, thiếu nhất là giáo viên mầm non, do vậy, để giữ chân nhân lực này, cần xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non.

Liên quan đến vấn đề bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng thực trạng này không chỉ ở Việt Nam mà sau giai đoạn dịch Covid-19 còn xuất hiện ở nhiều quốc gia. Qua rà soát, đánh giá cho thấy, quy mô, phạm vi dịch chuyển của các nhân viên y tế tại nước ta diễn ra ở nhiều cấp, nhiều tuyến, từ y tế cơ sở, trạm y tế đến các bệnh viện địa phương, Trung ương, trong đó có nhiều bệnh viện lớn. Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi quy định về hỗ trợ mức phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng; đồng thời, có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Chia sẻ với ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong thời gian qua mặc dù tỷ lệ số lượng công chức, viên chức nghỉ việc so với tổng biên chế không lớn với 1,94%, tuy nhiên, lại tập trung chủ yếu ở lĩnh vực giáo dục, y tế, tạo ra thách thức cho việc chăm lo nhân tố con người, vì sự tiến bộ, công bằng xã hội. Bên cạnh đó, công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc đồng loạt trong hơn hai năm qua là vấn đề cần nhìn nhận nghiêm túc và đáng quan ngại. Về giải pháp, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, trước hết là thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Cùng với đó, tiếp tục cải cách lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ, công chức, viên chức và sớm xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng người tài năng. Xây dựng môi trường văn hóa, công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại, có điều kiện để công chức, viên chức thể hiện tài năng của mình.

Hôm nay (28-10), Quốc hội tiếp tục làm việc.

MẠNH HƯNG

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.