Tạo sức bật cho hàng Việt Nam tại thị trường CPTPP
Sau gần 5 năm thực thi, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu cho Việt Nam, song giá trị gia tăng thị trường này đem lại cho hàng hóa Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân được cho là nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường CPTPP vẫn mang thương hiệu nước ngoài. Việc xây dựng thương hiệu phải là một trong những ưu tiên, từ đó tạo giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Kim ngạch tăng nhưng hàng hóa vẫn chủ yếu xuất khẩu thô
CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 14-1-2019. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP và đạt được những kết quả tích cực. Theo Bộ Công Thương, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021. Minh chứng rõ nhất trong tận dụng hiệu quả CPTPP có thể thấy từ thị trường Canada, Mexico, Peru-những thị trường trước đây chưa có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, kể cả trong thời kỳ Covid-19 hay thời kỳ có những biến động về địa chính trị trên thế giới thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Canada, Mexico luôn ở hai chữ số. Điển hình như, năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng 26,4% về giá trị kim ngạch so với năm 2021 và 5 năm sau khi thực thi CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã tăng hơn gấp đôi, tức là từ mức 4,1 tỷ USD năm 2018 lên đến 9,9 tỷ USD năm 2022. Với thị trường Peru, dư địa tăng trưởng của thị trường này rất cao, có những năm tăng trưởng ba chữ số. Đó là một điểm tích cực và cho thấy rõ ràng rằng DN Việt Nam đã tận dụng tích cực các cơ hội mà CPTPP mang lại.
Tuy nhiên, ông Ngô Chung Khanh cũng cho rằng, dư địa để DN thâm nhập sâu hơn nữa vào các thị trường như Canada, Mexico và Peru còn rất lớn. Có những mặt hàng hiện nay chỉ chiếm khoảng 3-5% tại các thị trường đó. Một vấn đề nữa là hình ảnh về thương hiệu của Việt Nam tại các thị trường này còn tương đối khiêm tốn.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam. Ảnh: YẾN GIANG |
Chia sẻ về câu chuyện thương hiệu của hàng hóa Việt Nam tại thị trường CPTPP, bà Trịnh Huyền Mai, Phó trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể số lượng DN Việt Nam xuất khẩu vào CPTPP bằng thương hiệu riêng, nhưng nhìn chung con số này còn rất khiêm tốn. Hiện nay, các DN xuất khẩu chủ yếu với hình thức gia công, ở dạng nguyên liệu thô. “Các nhà sản xuất, nhà chế biến của nước ngoài thu mua, chế biến lại sản phẩm thô của Việt Nam, sau đó đóng bao bì và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ. Nếu cứ duy trì tình trạng này, giá trị gia tăng sản phẩm cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam chưa biết đến khi nào lan tỏa”, bà Trịnh Huyền Mai trăn trở.
Bắt đầu từ việc thay đổi tư duy
Đề cập tới nguyên nhân thương hiệu hàng hóa Việt Nam chưa được phát triển mạnh tại các thị trường trên, ý kiến của các cơ quan chuyên môn và của chính DN nhìn nhận, đó là do DN chưa nhận thức được tầm quan trọng của phát triển thương hiệu tại các thị trường; có DN chấp nhận theo kiểu "an phận thủ thường". Thực tế, có hiện tượng DN dù chất lượng hàng hóa tốt nhưng vì số lượng nhà nhập khẩu đặt gia công rất lớn nên DN không có động lực để làm thêm hàng thương hiệu. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu nguồn lực tài chính, nhân lực, kiến thức, kinh nghiệm cũng khiến nhiều DN không quan tâm đúng mức tới phát triển thương hiệu.
Việc xây dựng thương hiệu riêng chắc chắn không hề dễ dàng nhưng sẽ giúp DN tận dụng tốt hơn những cơ hội, đặc biệt gia tăng giá trị do các hiệp định thương mại tự do mang lại. Từ thực tiễn của DN, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết, từ năm 2007, nhiều lần DN tham gia hội chợ quốc tế nhưng khách hàng không biết Việt Nam có quế, hồi và những loại gia vị khác, mà chủ yếu biết tới những thương hiệu của các quốc gia khác. Trong khi đó, các sản phẩm quế, hồi đó lại có xuất xứ từ Việt Nam. Vinasamex đã phải nghiên cứu, thay đổi chiến lược, định hướng kinh doanh của mình. Song song với việc sản xuất theo đơn hàng, thương hiệu của đối tác, Vinasamex bắt tay xây dựng thương hiệu riêng đối với khách hàng trên toàn thế giới là Spice fest và Cinna kitchen, tập trung vào các thị trường chính: Châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc (trong đó Canada và Nhật Bản là các thị trường thuộc khối CPTPP). Đầu tiên, DN xác định cần chuẩn bị những chứng nhận gì về mặt tiêu chuẩn chất lượng và chứng nhận siêu thị nước sở tại yêu cầu. Đến nay, các sản phẩm quế, hồi và gia vị mang thương hiệu của Vinasamex đã khẳng định được vị trí tại những thị trường cao cấp, trở thành bạn hàng, đối tác cung cấp cho nhiều thương hiệu trà, rượu, nhà hàng... nổi tiếng thế giới.
Nhấn mạnh quan điểm việc xây dựng thương hiệu không phải cần rất nhiều tiền mà quan trọng phải có tư duy, chiến lược, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu riêng tại các thị trường xuất khẩu, điều đầu tiên các DN cần nghĩ đến là tiêu chuẩn. DN phải xác định nghiên cứu yêu cầu thị trường, sau đó mới nhìn lại DN đang có gì. Mỗi quốc gia đều có tiêu chuẩn riêng, nhưng về cơ bản là phải bảo đảm an toàn thực phẩm và những điều kiện thị trường yêu cầu như sản phẩm xanh, mẫu mã, kiểu dáng...
Để tận dụng được hoạt động xúc tiến thương mại, từ đó xây dựng, phát triển thương hiệu cho hiệu quả, bà Trịnh Huyền Mai lưu ý, các DN nên tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để tận dụng được uy tín của thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam khi thâm nhập các thị trường mới. Ngoài việc đầu tư về chiến lược thương hiệu thật bài bản, các DN cũng cần quan tâm đến kế hoạch truyền thông định kỳ; đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của DN ở thị trường nước ngoài. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên quan kiên trì tiếp tục xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu của hàng hóa Việt Nam.
VŨ DUNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.