Thanh Hóa hướng tới điểm đến du lịch bốn mùa
Những năm gần đây, lượng du khách đến Thanh Hóa không ngừng tăng lên, riêng năm 2022 có hơn 11 triệu lượt khách, đứng thứ 3 cả nước. Tuy nhiên, phía sau lượng du khách tăng cao, nhiều vấn đề về chất lượng dịch vụ tại Thanh Hóa cần có giải pháp khắc phục để hướng tới mục tiêu là điểm đến bốn mùa trong năm.
Giữ đà tăng trưởng bền vững
Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đón hơn 11 triệu lượt khách, tăng gấp 3,22 lần so với năm 2021; tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021, đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.000 cơ sở lưu trú du lịch, với khoảng 45.000 phòng. Trong hai năm trở lại đây, hàng trăm sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn đã được tổ chức nhằm quảng bá, kích cầu, thu hút du khách đến với du lịch Thanh Hóa.
Hiện nay, các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang là điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách, như: Thác Mây (huyện Thạch Thành), Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước), Bến En (huyện Như Thanh), suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy), bản Mạ (huyện Thường Xuân), bản Hang (huyện Quan Hóa)... thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc trưng, với 102km bờ biển, nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Tiên Trang và hệ thống núi, rừng, sông, hồ, hang động hùng vĩ, cảnh quan hữu tình.
Ngoài ra, Thanh Hóa còn là địa phương có hệ thống di tích lịch sử-văn hóa đa dạng, phong phú, với hơn 1.500 di tích được kiểm kê, xếp hạng, trong đó phải kể đến các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt: Lam Kinh, đền Bà Triệu, Am Tiên... Đó là những cơ sở quan trọng để Thanh Hóa tổ chức khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch đặc sắc, hấp dẫn. Đáng chú ý, tính đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch được 55 khu, điểm du lịch, trong đó có 45 quy hoạch đã được phê duyệt, 10 quy hoạch đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Một góc Pù Luông (huyện Bá Thước) - điểm du lịch thu hút lượng lớn du khách đến Thanh Hóa. |
Đồng chí Vương Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nhằm tiếp tục giữ đà tăng trưởng bền vững ngành du lịch, tỉnh Thanh Hóa tập trung vào hai yếu tố: Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Hướng tới điểm đến bốn mùa
Mặc dù đứng thứ 3 cả nước về số lượng du khách nhưng doanh thu từ ngành du lịch của tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa tương xứng. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi du khách đến Thanh Hóa chỉ chi tiêu bình quân 1,7 triệu đồng. Đây là con số rất thấp so với nhiều tỉnh, thành phố có dịch vụ du lịch phát triển, như mỗi khách du lịch đến Khánh Hòa trung bình chi tiêu hết 5,3 triệu đồng, TP Hồ Chí Minh là 4,53 triệu đồng, tỉnh Lào Cai là 3,45 triệu đồng, Hà Nội là 2,93 triệu đồng, TP Đà Nẵng là 2,41 triệu đồng, Quảng Ninh là 2,2 triệu đồng...
Những số liệu trên cho thấy chất lượng dịch vụ của ngành du lịch Thanh Hóa chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Bên cạnh đó, Thanh Hóa tuy có nhiều cơ sở lưu trú nhưng những khách sạn, resort đạt tiêu chuẩn 5 sao còn rất hạn chế. Chỉ có khách sạn Vinpearl tại TP Thanh Hóa và quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái FLC Sầm Sơn đáp ứng được tiêu chuẩn này. Các thương hiệu khách sạn ngang tầm thế giới gần như chưa có. Chính từ nguyên nhân này mà lượng du khách quốc tế lưu trú tại Thanh Hóa chiếm tỷ lệ rất thấp.
Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên khách sạn chưa đáp ứng được nhu cầu; hạ tầng viễn thông, kết nối truy cập chưa được thông suốt; tính bền vững chưa cao; tính thời vụ trong du lịch; tính ổn định, bền vững để thu hút nguồn lực lao động ngành du lịch chưa được đánh giá cao... Một yếu tố nữa là khâu truyền thông, quảng bá du lịch Thanh Hóa còn thiếu, chưa được quan tâm đúng mức. Việc truyền thông, quảng bá đến các thị trường quốc tế chưa được chú trọng.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch, nhất là các dự án quy mô lớn đã khởi công để đưa vào hoạt động nhằm tạo sự chuyển biến về chất lượng và sản phẩm du lịch của tỉnh. Tiếp tục thực hiện đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; trọng tâm là đẩy mạnh quảng bá bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa-Hương sắc bốn mùa. Chú trọng ưu tiên nguồn lực cho phát triển nhân lực du lịch. Đây là chìa khóa giúp du lịch Thanh Hóa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương".
Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa tập trung các nguồn lực hướng tới trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, với mục tiêu phấn đấu đón 12 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 615.000 lượt. Cùng với việc triển khai đi vào hoạt động các đại dự án của Sun Group, Flamingo, T&T, BRG, TNR, Sao Mai... hứa hẹn sẽ làm chất lượng du lịch của tỉnh có bước khởi sắc mang tính đột phá về chất, bảo đảm Thanh Hóa sẽ trở thành điểm đến bốn mùa trong năm đối với du khách thập phương.
Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ YẾN
Tin mới
Trung tướng Nguyễn Văn Đức chúc mừng Trường Sĩ quan Chính trị nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam
Ngày 18-11, thừa ủy quyền của lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đến thăm, chúc mừng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Trường Sĩ quan Chính trị nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 / 20-11-2024).
Đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng
Ngày 18-11, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 51. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì kỳ họp.
Bổ nhiệm lại đồng chí Đỗ Xuân Tuyên giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1418/QĐ-TTg bổ nhiệm lại đồng chí Đỗ Xuân Tuyên giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.
Hoa hậu Quốc tế 2024 Huỳnh Thị Thanh Thủy về Việt Nam, chuẩn bị chuỗi hoạt động ý nghĩa
Ngày 18-11, Hoa hậu Quốc tế 2024 Huỳnh Thị Thanh Thủy trở về Việt Nam tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sau gần một tuần đăng quang.
Hà Nội sẽ tổ chức khoảng 100 gian hàng phục vụ người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội dự kiến trong hai ngày 11 và 12-1-2025 sẽ tổ chức Chương trình “Chợ Tết Công đoàn” tại nhà triển lãm Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô.
Công điện ứng phó với bão số 9
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện gửi tới: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tối 17-11, bão Man-yi đã đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 trong năm 2024.