• Click để copy

Tháo gỡ khó khăn trong việc giao khu vực biển

Quá trình khôi phục sản xuất sau bão số 3 (bão Yagi) của các hộ dân, doanh nghiệp nuôi biển ở tỉnh Quảng Ninh gặp phải không ít khó khăn. Trong đó, việc chưa được giao khu vực biển lâu dài khiến bà con không yên tâm đầu tư bài bản cho sản xuất. Đây cũng là vấn đề từng được Báo Quân đội nhân dân phản ánh qua bài viết “Thiếu quy hoạch khiến nuôi trồng hải sản chậm phát triển” đăng trên số báo ra ngày 9-4-2024, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để...

Sau bão số 3, chính quyền huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) nhanh chóng vào cuộc khắc phục thiệt hại, đồng thời tiến hành đo vẽ, cắm mốc, giao mặt biển cho ngư dân. Đối với các hộ nuôi biển trong phạm vi từ 3 hải lý trở vào bờ, thẩm quyền cấp phép thuộc phạm vi của cấp huyện nên quá trình giao biển tương đối thuận lợi. Song với diện tích nuôi biển nằm ngoài vùng 3 hải lý, thủ tục giao biển rất phức tạp. Vì vậy, quá trình giao biển đối với phần lớn diện tích hiện mới chỉ là tạm giao để bà con tái thiết sản xuất. Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần STP Group-một doanh nghiệp nuôi biển ở Vân Đồn, cho rằng: “Điều cần nhất là chúng tôi phải được giao biển để thực sự có một tấm “sổ xanh”, có một “móng nhà” để sản xuất lâu dài, gắn với trách nhiệm trên đó. Thời gian có thể từ 30 đến 50 năm để chúng tôi yên tâm đầu tư sản xuất, chứ giao 3 năm, 5 năm như bây giờ rất khó định hướng đầu tư lâu dài”.

Tháo gỡ khó khăn trong việc giao khu vực biển
 Ngư dân huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh sửa chữa, lắp lại lồng bè sau bão số 3.

Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10-2-2021 của Chính phủ quy định, đối với cá nhân, tổ chức có nhu cầu nuôi trồng thủy sản dưới 1ha thì cấp huyện sẽ là cơ quan chủ trì việc giao khu vực biển. Đối với diện tích trên 1ha trong vòng 3 hải lý và khu vực từ 3 đến 6 hải lý, thẩm quyền giao biển thuộc cấp tỉnh. Đối với khu vực ngoài 6 hải lý thì thẩm quyền cấp phép sẽ thuộc cấp bộ. Ngoài ra, các dự án nuôi trồng thủy sản thuộc thẩm quyền cấp tỉnh giao phải xin ý kiến của 4 bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, hợp tác xã phải làm hồ sơ đánh giá tác động môi trường, thủ tục hành chính rất phức tạp nên khó tiếp cận. Đồng chí Đào Văn Vũ, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết: “Hầu hết vùng nuôi biển của các xã đảo ở Vân Đồn nằm trong vùng biển từ 3 đến 6 hải lý, phải xin ý kiến của 4 bộ và thực hiện đánh giá tác động môi trường. Đây là những yêu cầu rất khó khăn đối với việc giải quyết cơ chế, chính sách cho người dân các xã đảo đầu tư nuôi trồng thủy sản”.

Mặc dù cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, song quá trình thực hiện trên thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc, khiến cho quá trình giao, cho thuê mặt biển còn chậm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của các tập thể và cá nhân. Chẳng hạn như Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa rà soát, chỉnh lý, công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý của đất liền và đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP. Vì vậy, các địa phương có các đảo diện tích lớn chưa đủ căn cứ pháp lý xác định đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý để làm cơ sở thực hiện thủ tục giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản.

Trước những khó khăn, vướng mắc về cấp phép giao khu vực biển trong nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam kiến nghị: “Luật Thủy sản năm 2017 quy định giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên biển đến 30 năm, có thể kéo dài thêm 20 năm. Đó là hình thức tạo điều kiện lâu dài về mặt luật pháp cho hoạt động trên biển. Chúng ta hay chê trách bà con ngư dân làm lồng bè đơn giản, quá thô sơ, quá thủ công nhưng chưa đặt câu hỏi tại sao lại như thế? Vì nếu chỉ được giao biển có 1-2 năm thì họ chỉ làm lồng bè thôi. Ngược lại, nếu được giao biển 30 năm, 50 năm, họ có thể dựng cả "trang trại" trên biển. Cần phải tạo ra hành lang pháp lý phù hợp để người dân gắn chặt với vùng biển được giao, từ đó khuyến khích, động viên bà con đầu tư một cách bài bản với những công nghệ thích hợp cho vùng nuôi biển...”.

 Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.