Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thanh lọc song cũng cần tháo gỡ để thị trường vốn được khơi thông
Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm: “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” do Nhịp sống Doanh nghiệp, BizLIVE sẽ tổ chức sáng 13/9, tại Hà Nội.
Toàn cảnh Toạ đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” diễn ra sáng 13/9.
“Cái gì mới ra mà lớn nhanh quá thì lại phải thận trọng”
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, bốn tháng qua hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mới rơi vào khoảng trống đột ngột. Từ sự bùng nổ và liên tục gia tăng trong các năm 2020 và 2021, hoạt động phát hành mới ở các lĩnh vực ngoài ngân hàng rơi vào trầm lắng suốt từ tháng 4/2022 đến nay. Những rủi ro đầu tư và rủi ro pháp lý bộc lộ ở một số trường hợp sau giai đoạn phát triển nóng, cùng hướng siết chặt lại cơ chế pháp lý.
Trên thị trường tiền tệ, bối cảnh ngột ngạt của room tăng trưởng tín dụng kéo dài, lãi suất tăng lên và thậm chí có những thời điểm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng…, cũng khiến hoạt động phát hành TPDN thêm bất lợi.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, ông thống kê tổng dư nợ TPDN vào khoảng 1,5 triệu tỷ, tổng số vốn trung dài hạn hệ thống ngân hàng 5 triệu tỷ, bằng khoảng 1/3. Những năm qua, vốn trái phiếu tăng trưởng với khoảng 30-35%/năm. Nếu tính toán công thức có nghĩa 2 năm sau khối lượng trái phiếu tăng lên gấp đôi, lên khoảng 2,8 triệu tỷ, 2 năm kế tiếp lên 5,6 triệu tỷ, 6 năm sau lên 11,2 triệu tỷ. 11,2 triệu tỷ gánh được gần như vốn trung dài hạn mà hệ thống ngân hàng tìm vốn ngắn cho vay trung dài hạn.
Ông Nghĩa cho biết, đây là điều chúng ta kỳ vọng trong tương lai, trong khi hiện tại có quan điểm coi trái phiếu như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành, có trường hợp sai phạm, nhà đầu tư phải ráng chịu. Trái phiếu là thị trường vô cùng quan trọng nhưng đang không được phát triển với tâm thế xem nó là "máu" của nền kinh tế thị trường.
TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tại Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một mảnh ghép phát triển hơi chậm so với các thị trường vốn khác.
Trong giai đoạn 2017-2021 quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng 24%, và đến 2021 là 56%. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường là vô cùng lớn, thể hiện nhu cầu lớn của cả người phát hành và người mua đều rất lớn.
"Tuy nhiên, cái gì mới ra mà lớn nhanh quá thì lại phải thận trọng, giống như khi mới tập đi mà đã đi quá nhanh thì hay bị ngã, đôi khi ngã rất đau. Chúng ta cũng thấy vừa rồi xảy ra một số vụ việc, tuy nhiên, cách xử lý không gây ra sự xáo động quá lớn với thị trường. Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành chỉ chậm lại trong tháng 4, tháng 5 và tới tháng 6 thì lượng phát hành đã tăng trở lại. Tôi rất ấn tượng với câu nói của Thủ tướng trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng nói rủi ro và khủng hoảng là cái đương nhiên của thị trường. Điều này có nghĩa bất kỳ thị trường nào cũng có rủi ro", ông Tú Anh nói.
Điều quan trọng theo ông Tú Anh là khi chúng ta tham gia thị trường đều có niềm tin, luật chơi ở đây là nếu người ta làm sai thì phải trả giá, bất kỳ thị trường nào cũng đều phải xây dựng hệ thống niềm tin. Thông thường, chúng ta có 2 cách tiếp cận về niềm tin. Cách cổ điển là chúng ta xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro. Cách làm như thế đúng là ít rủi ro nhưng lại tiêu diệt thuộc tính đương nhiên của thị trường là có rủi ro.
Do đó chúng ta có cách tiếp cận mới là phải xây dựng niềm tin, xây dựng các công cụ xử lý rủi ro. Do mỗi nhà đầu tư có khẩu vị khác nhau về rủi ro nên có những nhu cầu khác nhau, nên chúng ta cần có các công cụ khác nhau.
Cũng theo ông Tú Anh, nhiều người nói phải xây dựng các cơ quan xếp hạng tín nhiệm để lấy niềm tin, vậy niềm tin đơn vị xếp hạng lấy ở đâu ra? Do đó, công cụ phát triển niềm tin tốt hơn là xây dựng bảo hiểm rủi ro, theo đó, chúng ta xây dựng những định chế đảm bảo, rằng rủi ro ít thì trả họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều… thị trường khi đó sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn. Theo đó, trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư.
Chưa đủ định chế để giám sát thị trường
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, bộ phận phát triển thị trường trái phiếu chỉ là bộ phận hẹp trong Uỷ ban chứng khoán Nhà nước là điều rất đáng trách. Thị trường trái phiếu là một thị trường có độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe doanh nghiệp, nhà đầu tư theo đó chỉ biết nhìn vào, quyết định chọn theo khẩu vị rủi ro.
"Hiện tại tôi cho rằng chưa có đủ định chế thật sự để quản lý giám sát phát triển thị trường này. Vì vậy cách làm này có vấn đề, khi sai phạm hình sự hóa. Cứ mỗi lần như vậy thị trường bị rủi ro nhiều trong khi thị trường này là niềm tin", ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, niềm tin và trách nhiệm là 2 từ gắn với nhau. Trách nhiệm trước hết là của Chính phủ, lòng tin trước hết là của doanh nhân, doanh nghiệp. Do thể chế không vững chắc, giám sát không chặt chẽ, rủi ro, ứng xử với thị trường lên bờ xuống ruộng. Thị trường như vậy khó phát triển bền vững lâu dài, khó giữ niềm tin của dân chúng vững chắc.
"Chúng ta buộc phải làm lại. Hôm qua tôi họp với Thủ tướng, Thủ tướng đề cập tử huyệt kinh tế vĩ mô nếu thị trường này đổ bể, vỡ nợ, với tổng đáo hạn cuối năm là 84.000 tỷ, cả năm sau 140.000 tỷ", ông Nghĩa nói.
Dẫn chứng về trường hợp của Hải Nam (Trung Quốc), khi trái phiếu đổ bể, thị trường bất động sản đổ bể, dân chúng nợ tiền ngân hàng biểu tình không trả, người gửi tiền đòi rút ra. Ngay lập tức Chính phủ tuyên bố sẽ cho phép xây dựng hoàn thành nhà, thể hiện trách nhiệm ghê gớm và đặt vấn đề rằng "Chúng ta dám làm vậy không?".
TS. Trịnh Quang Anh Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam cho biết, xét về khía cạnh vĩ mô, quy mô thị trường vốn Việt Nam khoảng 11,5 triệu tỷ đồng chia cho GDP 8 triệu tỷ, được khoảng 144%, trong đó thị trường trái phiếu khoảng 40% GDP. Tín dụng năm nay khoảng 14% và hầu hết các ngân hàng đều đang cạn room, sẽ tạo cơ hội cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng sẽ quay qua phát hành trái phiếu để huy động vốn. Một số ngân hàng cũng giới thiệu cho các nhà đầu mua trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành qua các ngân hàng.
Một khía cạnh nữa là vấn đề xếp hạng tín nhiệm, đằng sau đó lại phải có những bảo hiểm rủi ro. Có những doanh nghiệp mới nhưng rất muốn phát hành, trong khi chưa có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm đủ tầm, dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư.
“Ai xếp hạng tín nhiệm và khi các doanh nghiệp muốn xếp hạng tín nhiệm có tìm đến các đơn vị xếp hạng tín nhiệm này không?”, TS. Trịnh Quang Anh băn khoăn.
Bên cạnh đó, ông cho rằng, cơ quan quản lý thường nói phải công khai minh bạch nhưng hiện có những cách làm rất không rõ ràng. “Chúng ta đặt kỳ vọng thị trường trái phiếu lớn nhanh nhưng bền vững song thực tế trong quá trình phát triển phải có quá trình sàng lọc, đào thải mới có sự phát triển. Nên có những chuyện nọ chuyện kia cũng là điều cần thiết để thanh lọc thị trường”, TS. Trịnh Quang Anh nói.
Theo ông Quang Anh chỉ có những vấn đề rủi ro vĩ mô là cần phải quản lý còn những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển của thị trường hãy để nó diễn ra đúng quy luật.
Khánh Yên
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.