• Click để copy

Thơ ca với những chuyển động khởi sắc

Bài viết này tập trung nhận định về những chuyển động của thơ Việt Nam trong thời gian 2020-2022. Dĩ nhiên, lựa chọn này đặt trên những lý do nhất định, cho phép chúng ta khu biệt một quãng ngắn trong tiến trình thi ca, với những biến cố cùng dấu ấn cụ thể của nó. Đây là quãng thời gian nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng phải đối mặt với đại dịch Covid-19.

1. Đại dịch Covid-19 là sự kiện có tính toàn cầu, tác động to lớn đến mọi mặt của đời sống, trong đó có văn chương nghệ thuật. Lý do thứ hai liên quan đến đời sống văn học đương đại chính là sau Đại hội lần thứ X của Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 11-2020), một Ban Chấp hành mới được bầu lên với những hy vọng mới cho đời sống văn học. Có thể nói, với hai sự kiện này, văn học đã có những chuyển động rất đáng được bàn luận. Cùng với đó, trong thời gian từ 2020-2022, Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội cùng nhiều diễn đàn văn chương khác, từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức các cuộc thi thơ-thi viết, nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo thi ca, tìm kiếm các gương mặt nổi bật, xác lập rõ hơn các giá trị để văn chương ngày càng ý nghĩa hơn đối với đời sống (trong bối cảnh Covid-19, hậu Covid-19). Không chỉ thế, nhịp điệu của đời sống thơ Việt Nam đương đại vẫn diễn ra một cách khá sôi nổi khi các tác phẩm thơ vẫn được in ấn, xuất bản, đăng tải trên nhiều diễn đàn, bằng nhiều hình thức. Đó là nơi ta có thể nhận ra những chuyển động của thơ một cách rõ rệt nhất.

Thơ ca với những chuyển động khởi sắc

Công chúng tham quan, tìm mua các ấn phẩm thơ tại Ngày thơ Việt Nam 2023 ở Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN QUANG 

Đại dịch Covid-19 thực sự đã đặt nhân loại vào một thảm họa khốc liệt. Đó là biến cố khiến con người nhận ra một cách đau đớn và rõ rệt nhất giá trị của sự sống. Văn chương nghệ thuật một lần nữa được kiểm nghiệm lại chức năng, giá trị, ý nghĩa, tiếng nói của mình đối với sự tồn vong của con người. Nhiều tác phẩm nghệ thuật đã ra đời trong bối cảnh dịch bệnh với cảm hứng về sự sinh tồn, an ninh con người, sức sống con người, những âu lo và hy vọng, khả năng đối đầu và vượt lên thảm họa của nhân loại. Ở Việt Nam, trong những thời khắc ngặt nghèo nhất, từ tâm dịch hay vùng cách ly, giữa những chập chờn của biểu đồ các vùng xanh-đỏ-vàng- cam, nhiều bài thơ đã được ra đời. Thơ đã cho thấy khả năng và ý nghĩa của mình trong việc tiếp cận đời sống bằng những rung động tinh vi, thầm kín: “Tháng Sáu buồn/ thành phố ôm vết thương rỉ máu/ đau đớn nào trong những tiếng còi xe kêu vang ầm/ trái tim nào nhói đau trong những ngôi nhà khép cửa/ chờ tháng ngày đi qua” (Mùa hạ buồn-Phạm Thị Ngọc Liên); “Thành phố này/ những lần mình nhìn xuống lòng bàn tay.../ Thấy đường chỉ nằm lặng im như góc phố ngoài kia nhiều hôm vắng vẻ/ lá rơi trong lòng người/ còn nhịp thở thì chao nhẹ/ những mộng ước núi đồi hóa mong manh...” (Thành phố này-Nguyễn Phong Việt)... Có thể nói, từ chuyên nghiệp đến không chuyên, người viết đã nhận ra một nguồn cảm hứng mãnh liệt trước sự sống và cái chết, để gửi gắm vào thơ niềm tin và khát vọng về cuộc sống an lành.

Sự kiện Ban Chấp hành mới của Hội Nhà văn Việt Nam ra đời sau Đại hội Hội Nhà văn lần thứ X có thể xem là điểm nhấn đầy hy vọng. Việc cải tổ Báo Văn nghệ ngay sau đó cùng với những động thái tích cực, linh hoạt, trẻ trung, năng động hơn đã cho thấy nỗ lực của những người lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam. Đối với thơ, việc luân phiên trao quyền tổ chức (tuyển chọn, giới thiệu) trang thơ cho nhiều tác giả danh tiếng có thể xem là ý hướng khá táo bạo nhằm kích hoạt tinh thần dân chủ trên diễn đàn văn chương số một ở Việt Nam.

2. Nhìn lại một quãng ngắn của thơ Việt Nam, dẫu các sự kiện là điểm nhấn quan trọng, nhưng cốt yếu nhất vẫn là những tác phẩm thơ cụ thể, cho thấy thơ đang có những bước đi đáng ghi nhận. Năm 2020, tập thơ “Bên trời” của Trần Kim Hoa đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Tập thơ này ghi dấu những xao động thầm kín về những tháng năm, những nơi chốn (nhất là Hà Nội) mà Trần Kim Hoa đã sống, đã yêu thương và nhung nhớ. Thơ Trần Kim Hoa có nét duyên dáng, phảng phất dư hương và dáng hình thanh lịch của người Hà thành trong hoài niệm. Cùng năm này, tập thơ “Em là nơi anh tị nạn” của Trương Đăng Dung cũng ra đời sau 10 năm kể từ tập thơ thứ nhất (Những kỷ niệm tưởng tượng-2011, đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội). Có thể nói, đó là một nỗi khắc khoải triền miên, không chỉ sau 10 năm, ở giữa hai tập thơ, mà cả một đời suy tư về tình thế tồn tại của con người đã chung đúc, lắng đọng vào thơ Trương Đăng Dung. Thơ ông thuộc vào dòng thơ khó, khá thưa vắng các đại diện trong thi đàn Việt Nam đương đại. Năm 2020, cũng có thể nhắc đến tác phẩm “Cô độc nên thơ” của Nam Thi, một tác giả trẻ. Tập thơ mở ra một cõi sống. Đó là cõi sống của chữ-thơ-người, tần ngần lựa chọn một vị thế để tồn tại. Không sa ngã vào đám đông, chối từ những thói quen, nhịp điệu cũ mòn, mỏi mệt, “Cô độc nên thơ” là thơ của miền cô độc. Dẫu vậy, nó lại khẩn khoản đợi chờ một sự thông hiểu và chia sẻ. Cô độc lưỡng lự và hoang mang bởi những trượt trôi vô nghĩa của đời sống. Cô độc dấy lên những dự cảm trống rỗng, mất căn cước, mất hiện hữu nhưng đồng thời cũng tha thiết một cội rễ, một xác quyết, một bến bờ.

Năm 2021, Hội Nhà văn không có giải thưởng ở hạng mục thơ, nhưng tác phẩm “Văn học vết thâm” của Nguyễn Thị Thúy Hạnh cũng đáng ghi nhận. Tập thơ với nhiều thể nghiệm mang đến khoái cảm mới cho việc đọc và trải nghiệm thi ca. Không những thế, lặng im giữa không gian thơ Nguyễn Thị Thúy Hạnh, người ta còn nhận ra những vọng âm của lịch sử, văn hóa từ sâu thẳm của quá khứ Việt Nam và phương Đông trong dòng chảy từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây. Năm 2021 này cũng cần phải nhắc đến tập thơ “YAO” của Lý Hữu Lương đoạt Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, “Giấc mơ của bàn tay” của Đinh Trần Phương, “Tiếng Việt” của Quỳnh Iris de Prelle...

Năm 2022, tập thơ “Ngàn bài thơ khác” (Trần Lê Khánh), “Bóng của ý nghĩ” (Nguyễn Bảo Chân) được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Có thể nói, trong mặt bằng chung của thơ năm 2022, việc trao giải cho hai tập thơ này là khá thỏa đáng. Trong năm này, đầu năm, Nguyễn Như Huy xuất bản tập thơ “Sự thật chính là sự vui” cũng là một dấu ấn bởi chất suy tưởng và cảm thức mới mẻ mang tính triết học về thi ca của Nguyễn Như Huy. Ở bộ phận sáng tác trẻ, các tác giả Lê Đình Tiến (Giấc mơ phía làng), Khét-Trần Đức Tín (Chín nhánh da vàng) cũng là cái tên đáng được nhắc đến trong nhịp chuyển động của thơ trẻ Việt Nam.

Như đã nói, thơ ca, nghệ thuật và mọi mặt của đời sống đã chịu ảnh hưởng to lớn từ đại dịch Covid-19. Ngày thơ Việt Nam sau mấy năm bị hoãn, năm 2022 chỉ tổ chức trực tuyến, đã ít nhiều tạo ra bầu không khí trầm lắng cho các sinh hoạt thơ ca từ Trung ương tới địa phương. Năm 2023, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 mang chủ đề “Nhịp điệu mới” được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long sau 18 năm tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám là một bước thay đổi với nhiều hy vọng khởi sắc về hành trình thi ca phía trước.

3. Thơ Việt Nam từ năm 2020 đến 2022, dẫu chỉ là quãng ngắn, nhưng cũng không phải chỉ hiện diện với những tên tuổi, tác phẩm đã được nhắc đến ở trên. Nhiều diễn đàn văn nghệ vẫn đăng tải thơ đều đặn, những cuộc thi viết vẫn diễn ra sôi nổi, và đương nhiên, thơ đăng tải trên mạng vẫn là một kênh rất đáng quan tâm. Hầu như các tác giả làm thơ đều có tài khoản mạng xã hội, vì thế, song hành cùng việc đăng thơ trên báo-tạp chí in là việc công bố trên Facebook, Instagram, blog cá nhân... Lê Vĩnh Tài, Pháp Hoan, Trần Hạ Vi, Nguyễn Văn Song, Nguyễn Phúc Lộc Thành, Trần Bạch Diệp, PN Thường Đoan, Trương Xuân Thiên, Lê Đình Tiến và rất nhiều người khác nữa, dẫu không hoàn toàn thể hiện đúng đặc tính văn học mạng (sáng tác-công bố hoàn toàn trên mạng) nhưng đã tạo nên đời sống thơ ca trên mạng khá phong phú. Trong số rất nhiều tên tuổi ấy, Lê Vĩnh Tài là một địa chỉ thơ đáng tìm đọc bởi nguồn cảm hứng-suy tư mới về thơ và cuộc sống con người hôm nay trong thơ.

Nhân loại bước sang giai đoạn hậu Covid-19 với bước thích ứng, phục hồi và phát triển nhanh chóng. Ở Việt Nam, cuộc sống đã trở lại bình thường, nhưng chắc hẳn ký ức về 3 năm đầy biến động khi đại dịch tràn qua vẫn làm chúng ta không khỏi giật mình. Dẫu vậy, con người vẫn đi về phía trước, thơ ca nghệ thuật vẫn là một hình thái tinh túy, sang trọng mà chúng ta có để đánh dấu sự hiện diện, sự giao tiếp giữa cá nhân, thế hệ, thời đại và lịch sử-văn hóa.

Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.