Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh nỗ lực tái thiết sau động đất
Trong nỗ lực tái thiết sau thảm họa động đất kinh hoàng, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề ra một loạt quy định liên quan nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng lại đất nước trong một năm như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố.
Ngày 24-2, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đặt các quy định về việc tái thiết sau động đất tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất. Sắc lệnh của tổng thống đăng trên Công báo nêu rõ các cá nhân, thể chế và tổ chức được phép xây dựng nhà ở và nơi làm việc để tặng Bộ Môi trường và Đô thị hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, các công trình này sẽ được trao cho người dân bị ảnh hưởng bởi động đất.
Sắc lệnh cũng quy định đất khô cằn và không thuộc diện đất rừng có thể được dùng cho việc xây dựng. Trong quá trình lập kế hoạch và phân chia đất đai, các cơ quan chức năng sẽ không yêu cầu thực hiện tuần tự các quy trình thông thường, như thông báo xây dựng và lấy ý kiến phản biện.
Bộ Môi trường và Đô thị hóa Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ xác định các khu tái định cư thuộc diện tạm thời hay lâu dài, dựa trên khoảng cách từ các khu vực này đến vị trí đường nứt, gãy do động đất gây ra, chất lượng của nền đất.
Phần lớn các tòa nhà ở các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất đã đổ sụp. Ảnh: AFP |
Các biện pháp bảo đảm môi trường cũng sẽ được tính đến trong quá trình xử lý chất thải rắn xây dựng từ các tòa nhà đổ nát, theo đó có thể tái sử dụng những chất thải này trong quá trình tái thiết cơ sở hạ tầng.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khoảng 164.000 tòa nhà, với hơn 530.000 căn hộ đã bị sập hoặc hư hại nghiêm trọng do thảm họa động đất, đẩy hàng triệu người vào cảnh "màn trời chiếu đất" trong thời tiết mùa đông lạnh giá. Những người còn sống hoặc đã rời khỏi khu vực đổ nát sau trận động đất đã được bố trí chỗ ở trong các lán trại, nhà tạm là các container và nơi cư trú tạm thời do chính phủ tài trợ. Tổng thống Erdogan cho biết hiện có 865.000 người đang sống trong các lều bạt, 23.500 người tạm trú trong container, trong khi 376.000 người đang ở ký túc xá sinh viên và nhà khách bên ngoài vùng động đất. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Erdogan cam kết trong vòng một năm, Chính phủ nước này sẽ xây dựng lại nhà ở cho người dân bị ảnh hưởng do động đất.
Trước đó, ngày 22-2, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố chế độ hỗ trợ lương tạm thời và đưa ra lệnh cấm cắt giảm việc làm tại 10 thành phố để bảo vệ người làm công ăn lương và các doanh nghiệp trước những tác động của thảm họa động đất gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Theo đó, người lao động tại các công ty, doanh nghiệp bị thiệt hại trong trận động đất (từ mức trung bình đến nghiêm trọng) sẽ được hỗ trợ khoản tiền lương tính trên số giờ làm việc bị giảm do ảnh hưởng của trận động đất. Ngoài ra, các công ty và doanh nghiệp tại 10 tỉnh động đất có dân số lên khoảng 13 triệu người không được phép sa thải nhân viên. Hai biện pháp này của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế tình trạng di tản ồ ạt tìm kiếm nơi ở và làm việc mới của người dân tại các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề của trận động đất.
Theo giới chuyên gia kinh tế, việc xây dựng lại nhà ở và cơ sở hạ tầng có thể tiêu tốn của Thổ Nhĩ Kỳ tới 100 tỷ USD và khiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội của nước này giảm từ 1 đến 2%.
Thảm họa động đất xảy ra tại thời điểm chỉ còn 4 tháng nữa Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tổng tuyển cử. Kết quả các cuộc thăm dò trước khi xảy ra động đất cho thấy sau 20 năm nắm quyền lãnh đạo đất nước, Tổng thống đương nhiệm Erdogan đang phải đối mặt với sức ép từ cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại nước này. Áp lực này có thể còn gia tăng sau thảm họa động đất. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ chưa có thông báo chính thức nào liên quan đến kế hoạch trước đó về tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 18-6.
Còn tại Syria, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định tạm thời nới lỏng các biện pháp trừng phạt áp đặt với Syria để đẩy nhanh việc vận chuyển hàng cứu trợ tới nước này hơn hai tuần sau thảm họa động đất. Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ các tổ chức cứu trợ sẽ không cần xin cấp phép từ các nước thành viên EU để chuyển hàng hóa và dịch vụ cứu trợ cho các thực thể nằm trong danh sách bị trừng phạt tại Syria. Quyết định này có hiệu lực trong 6 tháng, được đưa ra sau khi cân nhắc mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại Syria sau thảm họa động đất.
MAI NGUYÊN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.