Thông cáo báo chí số 3 Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV
Ngày 14-2, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ ba tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định để tiến hành nhiều nội dung.
![]() |
Quang cảnh phiên họp ngày 14-2 của Quốc hội. |
Nội dung 1: Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nội dung 2: Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Tại phiên thảo luận có 13 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, trong đó, đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với việc sửa đổi toàn diện Luật nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ; thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đồng thời, khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật hiện hành.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận chủ yếu về một số nội dung, như: nguyên tắc tổ chức hoạt động của Chính phủ; nguyên tắc phân định thẩm quyền; quy định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng; vấn đề quản trị quốc gia; việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các pháp luật có liên quan.
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Nội dung 3: Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Tại phiên thảo luận có 6 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Các ý kiến đại biểu đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ và cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung sau: Phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền; thực hiện thủ tục hành chính; hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án; thực hiện chức năng thanh tra; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, cấp; xử lý tài sản, chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức; việc giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy; hiệu lực thi hành.
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Ngày 15-2, buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung này.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
KHÁNH AN
Tin mới
Xây dựng Trung tâm Giáo dục Quốc phòng an ninh TP Hồ Chí Minh
Ngày 19-2, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khởi công xây dựng Trung tâm Giáo dục Quốc phòng an ninh TP Hồ Chí Minh tại huyện Củ Chi.
Thông tin vụ va chạm giao thông tại quận Long Biên
Sau va chạm, tài xế ô tô không dừng lại mà tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy, kéo lê xe máy trên cầu Vĩnh Tuy hướng về Minh Khai.
Quốc hội quyết phấn đấu tăng trưởng GDP 8% trở lên, cho phép nới bội chi, nợ công khi cần thiết
Với 463/464 đại biểu tán thành, sáng 19-2, trong phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội thông qua Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương có HĐND và UBND
Sáng 19-2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) với 458/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,82% tổng số đại biểu).
Cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm tổ chức tham vấn chính sách
Sáng 19-2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Kết quả biểu quyết cho thấy, có 459/461 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật này, chiếm tỷ lệ 96,03% tổng số đại biểu Quốc hội.
Quốc hội quyết thí điểm hàng loạt chính sách đặc thù xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận
Với 459/460 đại biểu có mặt tán thành, bằng 96,03% tổng số đại biểu Quốc hội, tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.