• Click để copy

Thông điệp từ tòa nhà quốc hội lớn nhất thế giới

Tòa nhà Quốc hội mới của Thái Lan được coi là trụ sở quốc hội lớn nhất thế giới, với kiến trúc mang ý nghĩa biểu tượng cho khát vọng đoàn kết, hòa bình, thịnh vượng của Thái Lan. "Đoàn kết", "hòa bình" và "thịnh vượng" cũng là 3 "từ khóa" được nhắc tới nhiều nhất trong chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Gạch nối từ lịch sử tới hiện tại

Thái Lan đang bước vào mùa đẹp nhất trong năm. Từ trên máy bay có thể trông thấy rõ con sông Chao Phraya xanh ngắt như một dải lụa mềm mại uốn lượn giữa lòng thủ đô Bangkok, dập dìu tàu thuyền qua lại. Bên dòng sông ấy có tòa nhà quốc hội lớn nhất thế giới, nơi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác tới thăm chỉ vài giờ sau khi máy bay hạ cánh.

Tòa nhà Quốc hội Thái Lan mới được khánh thành và đưa vào sử dụng chưa lâu trên tổng diện tích khuôn viên lên tới 300.000m2 và diện tích sàn xây dựng 424.000m2. Đây được coi là tòa nhà quốc hội lớn nhất thế giới, với tên gọi là Sappaya-Sapasathan, có nghĩa là nơi để làm những việc tốt. Khu tiền sảnh tòa nhà có một diện tích sân rộng lớn thiết kế nằm trên mặt nước thông ra sông Chao Phraya, để người đi lại phía trên vẫn nghe tiếng sóng tự nhiên ì oạp vỗ ngay dưới chân mình. Chính giữa phần cao nhất của tòa nhà nổi bật với tòa tháp vàng rực rỡ, lung linh dưới nắng vàng. Dường như hàm ý của thiết kế này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa vương quyền và Phật pháp. Cân xứng hai bên là hai hội trường, Hội trường Suriyan (Hội trường Mặt trời) là nơi dành cho Hạ viện Thái Lan và Hội trường Chantra (Hội trường Mặt trăng) là nơi dành cho Thượng viện Thái Lan. Ban ngày, mặt trời chăm sóc cho sự sống của vạn vật trên mặt đất. Khi màn đêm buông xuống, mặt trăng đóng vai trò soi sáng, bảo vệ muôn loài. Về mặt ý nghĩa của thiết kế kiến trúc, tòa nhà Quốc hội Thái Lan đã thể hiện rất rõ khát vọng đoàn kết, hòa bình, thịnh vượng của người dân Thái Lan dưới sự trị vì của Nhà vua, trên tinh thần Phật pháp và dân chủ, sống hài hòa với thiên nhiên.

Cũng giống người dân Thái Lan, người dân Việt Nam luôn có khát vọng cháy bỏng về phát huy sức mạnh đoàn kết, trân trọng hòa bình, ổn định để phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, người người, nhà nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, khi chiến tranh, xung đột vũ trang vẫn cướp đi sinh mạng của hàng nghìn dân thường mỗi ngày, hòa bình càng trở thành một giấc mơ lớn của toàn thể nhân loại. Có lẽ vì thế, tại Đại học Chulalongkorn, khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có bài phát biểu chính sách quan trọng tại đây, hàng trăm cử tọa là những giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên đã có ấn tượng sâu sắc với những thông điệp được nêu ra trong bài phát biểu. Khi nền hòa bình thế giới bị đe dọa, bất kể hành động hiếu chiến nào cũng phải bị lên án và bất kể nỗ lực nào thúc đẩy đối thoại, ngăn ngừa xung đột cũng cần được trân trọng. Việt Nam và Thái Lan chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, với ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Thông điệp từ tòa nhà quốc hội lớn nhất thế giới
Phía trước tòa nhà Quốc hội Thái Lan. 

Là học viên cao học tại Viện Công nghệ châu Á, cách Đại học Chulalongkorn tới 50km, chị Pacharamon Boonyanupongsa không ngần ngại đăng ký nhận vé tham dự sự kiện Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chính sách. Pacharamon Boonyanupongsa tán thành và bày tỏ ấn tượng mạnh với nhiều thông điệp, luận điểm quan trọng về tầm nhìn và quan hệ giữa hai nước trong bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, nhất là thông điệp Thái Lan và Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn, tạo ra sự liên kết chặt chẽ hơn để giải quyết những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt. Chị cũng bày tỏ kỳ vọng vào tương lai của Việt Nam và Thái Lan cũng như cả khu vực ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Hợp tác để "cùng thắng"

Người Việt Nam và Thái Lan cùng uống chung dòng nước sông Mê Công, cùng có nền văn minh lúa nước lâu đời. Có lẽ vì thế, từ xa xưa, Việt Nam và Thái Lan đã có nhiều điểm tương đồng về văn hóa. Lễ hội tịch điền ở Việt Nam và Lễ hội Raek Na Khwan (Lễ hội cày ruộng) của Thái Lan đều xuất phát từ ước vọng có vụ mùa bội thu. Trong dân gian của cả hai nước cùng lưu truyền chuyện "cóc kiện trời" khi trời không cho mưa xuống khiến vạn vật cháy khô. Từ chuyện cóc thắng kiện, người dân Thái Lan đã có Lễ hội Bun Bang Fai bắn pháo cầu mưa thuận gió hòa. Sự tương đồng về văn hóa dân gian trở thành một gạch nối từ lịch sử tới hiện tại, khi cả Việt Nam và Thái Lan đều trở thành những cường quốc về lúa gạo trên thế giới.

Điều đáng mừng là trong các cuộc hội đàm, hội kiến, bằng trí tuệ, tầm nhìn, bằng trái tim bè bạn, bằng sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, Nhà vua, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện Thái Lan đều nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đó là Việt Nam và Thái Lan không phải "đối thủ" cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam và Thái Lan cần bổ sung cho nhau những mặt hàng có sự khác biệt; đồng thời hợp tác chặt chẽ trên các lĩnh vực tương đồng, tạo ra chuỗi cung ứng mới có giá trị gia tăng cao hơn, làm mới các chuỗi cung ứng hiện có để hai bên "cùng thắng". Đây là sự thống nhất rất quan trọng về nhận thức của lãnh đạo cấp cao hai nước, cần được các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh triển khai trên thực tế. 

Đặc biệt, trên hành trình đoàn kết, hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng của mỗi nước và khu vực ASEAN, lãnh đạo nước bạn cũng thống nhất cao với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rằng cần phát huy hiệu quả cao nhất vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan. Sự thống nhất ấy đã được thể hiện bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực. Thái Lan đã cho phép thành lập Vietnam Town (phố Việt Nam) tại Udon Thani để gìn giữ, vun đắp các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan. 3 khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và hơn 20 ngôi chùa Việt Nam tại Thái Lan, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học mới được thành lập tại Đại học Hoàng gia Rajabhat là những minh chứng thực tế sinh động khẳng định sự coi trọng của Thái Lan với những giá trị văn hóa Việt Nam tại Thái Lan.

70 giờ đồng hồ, từ Bangkok tới Udon Thani, với 32 hoạt động chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tôi đã chứng kiến nhiều điều bất ngờ, rất đặc biệt, thậm chí chưa từng có tiền lệ mà các bạn Thái Lan dành cho Chủ tịch Quốc hội và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta. Nếu không xuất phát từ sự yêu mến thật tâm, tin cậy vững chắc và kỳ vọng lớn lao, hẳn người ta không dành cho nhau nhiều điều tốt đẹp như thế.

Chia tay Thái Lan, tôi mang theo về Việt Nam một niềm tin về những điều tốt đẹp mà cả hai nước cùng nhau hướng tới!

(Ghi chép của phóng viên Báo Quân đội nhân dân)

Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG (từ Udon Thani, Thái Lan)

Bài liên quan

Tin mới

Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Sáng 12-11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (1954-2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2024); đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân

Chiều 12-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn, báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan đến điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Báo chí và mạng xã hội: Cạnh tranh hay hợp tác?
Báo chí và mạng xã hội: Cạnh tranh hay hợp tác?

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu quảng cáo là nguồn thu quan trọng của báo chí và trận địa cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí với mạng xã hội, nhưng báo chí đang lép vế và thua trên sân nhà với 80% doanh thu quảng cáo "chảy" về mạng xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đến tháng 6-2025, phủ sóng di động tất cả những vùng lõm sóng
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đến tháng 6-2025, phủ sóng di động tất cả những vùng lõm sóng

Không có sóng di động ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều đại biểu quan tâm tới các giải pháp xóa vùng lõm sóng viễn thông.

Hội nghị liên tịch giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào)
Hội nghị liên tịch giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào)

Sáng 12-11, tại Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã diễn ra Hội nghị liên tịch thường niên lần thứ XIX năm 2024 giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào). Đại tá Nguyễn Thế Vinh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Thiếu tướng Xokxay Phimmala, Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào) đồng chủ trì hội nghị.

Kinh doanh giầy giả, Hộ kinh doanh bị xử phạt 16 triệu đồng
Kinh doanh giầy giả, Hộ kinh doanh bị xử phạt 16 triệu đồng

Đội QLTT số 2 Cục QLTT tỉnh Hải Dương vừa tổ chức giám sát việc tiêu huỷ 97 đôi giầy thể thao giả mạo nhãn hiệu “Adidas và hình” là tang vật trong vụ việc buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu.