Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lý giải nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước chỉ bán chứ không mua vàng miếng SJC
Sáng 11-11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tại phiên chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lý giải nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước chỉ bán chứ không mua vàng miếng SJC.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu Quốc hội dự phiên họp. Ảnh:TRỌNG HẢI |
Đặt câu hỏi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) cho biết, ngày 14-4-2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 160 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp bàn về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Trong đó, giao cho Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp để bình ổn và quản lý thị trường vàng.
Đại biểu Lưu Văn Đức đề nghị Thống đốc Ngân hàng cho biết thời gian qua đã thực hiện yêu cầu trên như thế nào và tác động đến giá vàng và thị trường vàng trong hiện tại và tương lai ra sao?
![]() |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến công tác quản lý, điều hành thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, diễn biến thị trường vàng tại Việt Nam cũng là diễn biến chung trên thị trường thế giới.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và đã thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường vàng từ năm 2013.
Giai đoạn 2014-2019, giá vàng tương đối ổn định và có xu hướng giảm. Tuy nhiên từ năm 2021 đến năm 2024, giá vàng biến động tăng mạnh cùng chiều với giá vàng thế giới. Đến tháng 6-2024, giá vàng quốc tế lập đỉnh cao, có lúc lập đỉnh 2.300-2.400 USD/ounce. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nới rộng, đặc biệt là đối với vàng miếng SJC. Mức chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới có những thời điểm lên đến 18 triệu đồng/lượng (tháng 5-2024).
“Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt. Trên cơ sở pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng. Trong bối cảnh giá vàng lập đỉnh cao và tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng rất cao, Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc can thiệp thị trường này qua 9 phiên đấu thầu (đây là giải pháp khá hiệu quả trong năm 2013)”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, “chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ở mức cao” và cho biết, để thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang một cái phương án khác là bán vàng miếng trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước.
“Nhờ vậy, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đang từ mức 15-18 triệu đồng mỗi lượng thì đến nay chỉ còn ở mức 3-4 triệu đồng mỗi lượng”, Thống đốc Ngân hàng nói và cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến để đưa ra các chính sách nhằm ổn định thị trường vàng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) về việc tại sao Ngân hàng Nhà nước chỉ bán mà không mua vàng miếng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ năm 2014 đến năm 2023, Ngân hàng Nhà nước không tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Tuy nhiên, từ tháng 4-2024 đến nay, trước xu hướng tăng mạnh của giá vàng thế giới, dư luận quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp thị trường vàng qua đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp chủ yếu để tăng nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường, hạn chế tác động đến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngoại hối.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, hiện nay có 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng có chi nhánh, địa điểm giao dịch ở nhiều nơi. "Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo vàng biến động phức tạp, đầu tư mặt hàng này tiềm ẩn rủi ro, mất tiền khi mua bán", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cảnh báo.
THẢO PHƯƠNG
Tin mới
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone
Sáng 4-4, tại Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã viếng và ghi sổ tang tưởng niệm đồng chí Đại tướng Khamtay Siphandone, nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào.
Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Burundi
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân đã đến Thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4.
Tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk về Sở Công Thương
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có quyết định về việc sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu tổ chức của Sở Công thương, trong đó tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk (thuộc Bộ Công thương) và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường tỉnh trực thuộc Sở Công Thương.
Thu giữ 1.500 điếu cigar nhập lậu tại Hà Nội
Đội Quản lý thị trường số 1 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh tại quận Long Biên, qua đó phát hiện khoảng 1.500 điếu cigar cùng thuốc lá ngoại nhập lậu, có dấu hiệu tiêu thụ trái phép.
Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra
Tại Toạ đàm với chủ đề "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra" do Báo Tiền phong tổ chức ngày 2/4/2025 đại diện bộ ngành, cơ quan quản lý cho rằng thực trạng buôn lậu thuốc lá nói chung và thuốc lá mới nói riêng vẫn không ngừng gia tăng, mặc dù lệnh cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ Nghị quyết 173/2024/QH15.