Thủ tướng Phạm Minh Chính: Doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua giới hạn của chính mình để vươn lên
Chiều 27-2, kết luận Hội nghị Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhằm nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, đề ra nhiệm vụ, giải pháp để các doanh nghiệp cùng đất nước phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý chính quyền các cấp phải kiến tạo, lắng nghe, tiếp thu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khuyến khích, động viên doanh nghiệp phát triển.
Sau khi lãnh đạo các bộ, ngành trao đổi, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo các doanh nghiệp, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, do đó phải thích ứng linh hoạt, hiệu quả để phát huy những tích cực, khắc phục hạn chế. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra của chúng ta cao hơn, với mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo thế cho mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu thay đổi nên nhiệm vụ, giải pháp, cách làm cũng phải thay đổi, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực, vào cuộc.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. |
Thủ tướng chỉ rõ vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước; đảm bảo an sinh xã hội, nhất là trong thiên tai, xóa nhà tạm, dột nát; cho rằng, với cơ chế quản lý linh hoạt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là nơi dễ dàng thích nghi với thay đổi thị trường và thử nghiệm ý tưởng mới, thực hiện đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại; tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh "thời vụ", thiếu tầm nhìn chiến lược; một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chưa tốt; khả năng đổi mới sáng tạo thấp, ít doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển; năng lực cạnh tranh thấp, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp.
Do đó, Thủ tướng cho rằng, doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, cần nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, để phát huy vai trò, sứ mệnh của mình là “lực lượng đông đảo, linh hoạt nhất, lực lượng hậu bị của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn” trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp góp phần đắc lực thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; cụ thể là các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nhất là trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như: Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng mong muốn, các doanh nghiệp phát huy tinh thần dân tộc, đổi mới sáng tạo, vượt qua giới hạn của chính mình để vươn lên, từ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành doanh nghiệp lớn; tích cực tham gia xây dựng thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà chính doanh nghiệp đang gặp phải; khai thác hiệu quả tiềm năng của đất nước như tài nguyên khoáng sản, đất đai, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là tài nguyên trí tuệ con người; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học, công nghệ, thu hút tài chính, khoa học quản lý; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, tham gia vào quá trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho người trẻ, người có khó khăn, thu nhập thấp…
Về phía Chính phủ và các bộ, ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, để đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành và thể chế hóa các chủ trương, chính sách phát triển doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa; giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện, trình Quốc hội vào kỳ họp tới đây.
Cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa 3 đột phá chiến lược, trong đó, đột phá về hoàn thiện thể chế, để khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển, cắt bỏ mọi thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm phiền hà, tham nhũng vặt; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Phó thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo thực hiện.
Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng, bao gồm hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, nhằm tạo không gian phát triển mới, giá trị gia tăng, tạo công ăn việc làm, thông qua đó phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng giá trị sản phẩm cho doanh nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành thúc đẩy ký kết các hiệp định thương mại tự do, hiệp định bảo hộ đầu tư, có chính sách visa thông thoáng, khai thác các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới, nhất là thị trường Trung Đông, châu Phi, Trung Á, Nam Mỹ; tập trung xây dựng các thương hiệu quốc gia, trên cơ sở đó làm gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phát triển các trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính với đại diện các doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
Thủ tướng yêu cầu không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; giữ ổn định lãi suất, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp; điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa chủ động, tích cực, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh đầu tư công, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp, người dân; tiếp tục nghiên cứu giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp như thuế giá trị gia tăng, thuế thuê đất, phí quản lý tài nguyên.
Nhấn mạnh chính quyền các cấp phải kiến tạo, lắng nghe, tiếp thu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khuyến khích, động viên doanh nghiệp phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân cấp, rà soát, xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp; coi công việc của doanh nghiệp như công việc của chính mình. Ủng hộ việc thành lập các quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả; giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện.
Với tinh thần khẩn trương, “quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó”, “phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm”, “cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các chủ thể phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc để kết hợp với sức mạnh thời đại, giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
TTXVN
Tin mới
Hà Nội: Thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất, buôn bán, kinh doanh thực phẩm chức năng, sữa, sản phẩm dinh dưỡng
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố) chủ trì 01 Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất, buôn bán, kinh doanh thực phẩm chức năng, sữa, sản phẩm dinh dưỡng trên địa bàn.
Kon Tum: Tăng cường quản lý, tuyên truyền pháp luật về kinh doanh thực phẩm tại khu vực biên giới
Nhằm nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm, đồng thời thu thập, nắm bắt thông tin về các mặt hàng là thực phẩm vi phạm do các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý gần đây, Đội Quản lý thị trường số 3 đã tăng cường công tác quản lý địa bàn trên các huyện biên giới của tỉnh Kon Tum thuộc phạm vi quản lý bao gồm huyện Ngọc Hồi, huyện ĐăkGlei, huyện Sa Thầy và huyện IaH’drai.
Công bố các Quyết định về công tác cán bộ của Chi cục QLTT tỉnh Hậu Giang
Ngày 07/5/2025, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang tổ chức Lễ công bố các Quyết định về công tác cán bộ của Chi cục QLTT tỉnh Hậu Giang.
Thanh Hoá: Tiêu huỷ gần 5 tấn da trâu, da bò không rõ nguồn gốc xuất xứ
Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Thảo, tại Hoằng Giang, huyện Nông Cống về hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Phát hiện, thu giữ lô hàng nhập lậu trên quốc lộ 1A qua Chi Lăng, Lạng Sơn
Chiều 7/5/2025, tại Km 63+100 quốc lộ 1A (thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn), Tổ công tác Đội QLTT số 4 phối hợp với Trạm kiểm soát giao thông Tùng Diễn – Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra xe ô tô khách BKS 29B-141.19 do ông Trần Đình Thơi (SN 1976, trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) điều khiển, đang lưu thông theo hướng Lạng Sơn – Hà Nội.
Bắc Giang: Phát hiện cơ sở sản xuất thực phẩm có dấu hiệu giả mạo xuất xứ
Ngày 29/4/2025, Đội Quản lý thị trường số 3 - Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Ngọc Thành, tổ dân phố Đông Lý, phường Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.