Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN thực hiện “5 tiên phong”
Trong chương trình tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44, 45 tại Thủ đô Vientiane (Lào), chiều 8-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và có phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS).
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định là tổ chức thống nhất trong đa dạng, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, với tinh thần “tự lực, tự chủ, tự cường” ASEAN vẫn đứng vững và tâm điểm của tăng trưởng. Trong thành tựu chung đó, có đóng góp quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN.
Ghi nhận, cảm ơn và đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục đóng góp để các nước ASEAN tiếp tục phát huy đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường và là tâm điểm của tăng trưởng, ủng hộ các chính phủ thực hiện bằng được các mục tiêu đã đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS). |
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện “5 tiên phong”, gồm: Thứ nhất, tiên phong đóng góp cho một ASEAN tự cường, tham gia xử lý các vấn đề mới nổi, các vấn đề toàn cầu, toàn dân. Vì “Một ASEAN tự cường không thể thiếu một đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tự cường”, do đó, các doanh nghiệp, doanh nhân cần tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật…
Thứ hai, tiên phong thúc đẩy kết nối nền kinh tế (gồm kết nối mềm như xây dựng thể chế, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng chính sách ưu tiên cho các lĩnh vực ưu tiên và kết nối cứng về hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, kết nối năng lượng…); lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển.
Thứ ba, tiên phong thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thiên tai, dịch bệnh và phát triển các lĩnh vực mới nổi, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đồng thời khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực từ mặt trái của phát triển khoa học công nghệ, nhất là chú trọng vấn đề an ninh mạng.
Thứ tư, tiên phong trong xây dựng hạ tầng chiến lược tại từng quốc gia và kết nối giữa các quốc gia, cụ thể là trong xây dựng chính sách, nâng cao năng lực quản trị, huy động nguồn lực phát triển hạ tầng…
Thứ năm, tiên phong trong hội nhập nội khối ASEAN và với thế giới, trong bối cảnh không quốc gia nào có thể giải quyết các vấn đề toàn cầu, toàn dân, nên phải đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, mang lại lợi ích cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chia sẻ về những yếu tố nền tảng phát triển và những thành tựu quan trọng của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Chia sẻ với các đại biểu về 6 nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam trong đối ngoại và hội nhập, phát triển kinh tế, quốc phòng – an ninh, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kinh tế Việt Nam thời gian qua đã đạt những kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm...
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cùng với việc thực hiện nghiêm túc các cam kết trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN và với các đối tác, Việt Nam không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Hiện nay, Việt Nam tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Việt Nam đang dành ưu tiên cao cho việc cải thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng chiến lược; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin, sản xuất chip bán dẫn, và chuyển đổi số toàn diện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Cảm ơn doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN đã đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy hết khả năng, sự sáng tạo của mình và đồng thời phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chính phủ sẽ tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo với phương châm “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”, giảm chi phí tuân thủ, chi phí logistics cho người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài tiếp tục đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam trên thần “4 cùng”: “Cùng lắng nghe và thấu hiểu”, “cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển”, “cùng chung niềm vui, hạnh phúc và tự hào”; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Tin, ảnh: TTXVN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.