Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khuyến khích cán bộ đi cơ sở trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy
Sáng 29-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ về “tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, chủ trì Phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo.
Cùng dự có Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Phó thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn và các bộ trưởng là thành viên Ban Chỉ đạo.
Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo tập trung rà soát các công việc của Ban Chỉ đạo; trong đó tập trung thảo luận về việc kết thúc nhiệm vụ của Ban cán sự đảng Chính phủ và thành lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương; kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; rà soát chỉ tiêu sắp xếp bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động trong sắp xếp tổ chức bộ máy; việc xây dựng các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Riêng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong diện hợp nhất sẽ được hoàn thiện sau khi có ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ sáu về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ. |
Theo Ban Chỉ đạo, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ triển khai khẩn trương, cơ bản hoàn thiện đề án. Theo đó, dự kiến bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng tổ chức sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong; gắn việc sắp xếp tổ chức bộ máy với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cơ bản đạt yêu cầu, mục tiêu. Theo đó, dự kiến giảm 12/13 tổng cục và tương đương; 500 cục và tương đương thuộc bộ, tổng cục; 177 vụ thuộc bộ, cơ quan; 190 đơn vị sự nghiệp công lập.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp. |
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã trình, lấy ý kiến vào dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Trong khi đó, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng tổ chức sắp xếp tổ chức bộ máy theo ngành dọc tương ứng với việc sắp xếp của Chính phủ.
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo ghi nhận tinh thần, trách nhiệm cao của các thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là Bộ Nội vụ - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và Văn phòng Chính phủ; yêu cầu tiếp thu các ý kiến và lắng nghe ý kiến xác đáng của các cơ quan, hoàn thiện thêm một bước các văn bản để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Chính trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo diễn biến tình hình, trên nguyên tắc sắp xếp bộ máy phải đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Đặc biệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, song không để chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tiến độ thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ. |
Đối với việc hợp nhất một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục nghiên cứu trình các phương án phù hợp; song song sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ, phải rà soát xử lý các vấn đề tồn tại bên trong của các đơn vị này.
Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có phương án sắp xếp “đã chín, đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, đa số đồng tình” thì hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Yêu cầu trong hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cần có nội dung giải trình rõ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan các nội dung liên quan, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét đưa một số Ủy ban có bộ máy về các Bộ quản lý; tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt cần có chính sách khuyến khích cán bộ đi cơ sở.
Cho rằng việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc khó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu đã đề ra.
Tin, ảnh: TTXVN
Tin mới
Chủ tịch nước trao Quyết định bổ nhiệm Phó viện trưởng và Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao
Chiều 7-1, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã chủ trì buổi lễ trao Quyết định bổ nhiệm các chức danh Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Đơn giản hóa quy trình thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật
Tiếp tục phiên họp thứ 41, sáng 7-1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Bế mạc Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
Kỳ họp bất thường lần thứ chín quyết định nhiều nội dung về sắp xếp bộ máy
Sáng 7-1, tiếp tục phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV.
CPI năm 2024 tăng 3,66%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra
Báo cáo kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2024 từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV/2024 tăng 2,87% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, CPI cả năm 2024 tăng 3,63%, hoàn thành xuất sắc mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra, phản ánh sự ổn định và hiệu quả trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Ngăn chặn triệt để vi phạm an toàn thực phẩm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn triệt để vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân 2025, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và giữ gìn an ninh thực phẩm quốc gia.