Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nông dân là chủ thể “Cuộc cách mạng lúa gạo” ở Đồng bằng sông Cửu Long
Chiều 15-10, tại thành phố Cần Thơ, chủ trì Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi và xác định người dân phải là chủ thể trong triển khai Đề án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai đề án phát triển bền vững một triệu hecta lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP |
* Hiệu quả tích cực, song triển khai còn vướng mắc
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngày 27-11-2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Sau gần 1 năm kể từ khi Thủ tướng phê duyệt Đề án, các bộ, ngành, địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp, tập trung xây dựng, ban hành các văn bản pháp lý thực hiện Đề án; lựa chọn, xây dựng vùng tham gia Đề án; rà soát, áp dụng các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững; đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, tổ chức lại sản xuất và tăng cường liên kết chuỗi giá trị.
Cùng với đó, phối hợp xây dựng Chương trình thí điểm chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; rà soát, xây dựng các dự án, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh; đề xuất giải pháp huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính carbon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới cho Đề án..
Trong đó, đã triển khai các mô hình thí điểm chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng. Theo đánh giá ban đầu, mô hình canh tác lúa thuộc Đề án tại các địa phương đã mang lại những kết quả tích cực.
Tổng chi phí đầu vào giảm 10-15%; năng suất lúa của mô hình thí điểm đạt 6,13-6,51 tấn/ha so với mức 5,89 tấn/ha của mô hình đối chứng; lợi nhuận mô hình trồng lúa thí điểm trong đề án đạt 21-25,8 triệu đồng/ha, cao hơn 1,3-6,2 triệu đồng/ha so với mô hình đối chứng.
Đặc biệt, mô hình thí điểm đã giúp giảm 2 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng lấy rơm rạ khỏi đồng ruộng và giảm 12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng ngập liên tục áp dụng phương thức vùi rơm rạ sau khi thu hoạch.
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương khẳng định, sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai Đề án còn gặp những khó khăn, trước hết do Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện giảm phát thải trên lúa với quy mô lớn; tiếp đến là các hoạt động, nội dung đều mới, chưa có tiền lệ tham khảo. Do đó, nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chưa mặn mà tham gia Đề án; tính liên kết giữa các chủ thể tham gia Đề án còn hạn chế; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp của các địa phương chưa đồng bộ; việc đầu tư, tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm chưa chắc chắn.
Các đại biểu đề xuất có cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và vốn vay ưu đãi, tài trợ quốc tế để triển khai Đề án; xây dựng vùng nguyên liệu bền vững; xây dựng thương hiệu; kêu gọi sự tham gia của các nhà khoa học, ứng dụng khoa học, công nghệ trong triển khai và tìm kiếm thị trường để phát triển hiệu quả, ổn định, bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội nghị, Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, WB cam kết mạnh mẽ với chương trình này; đề nghị Chính phủ quan tâm, lập Tổ công tác liên ngành để xử lý các vấn đề liên quan, hài hòa thủ tục giữa hai bên, với cơ chế triển khai rõ ràng, khả thi, hiệu quả, sớm ký kết hiệp định vay, phát huy nguồn tài chính từ WB cho Đề án.
Kết luận Hội nghị, biểu dương các bộ, ngành, địa phương, người dân đã tích cực triển khai Đề án; đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, có chất lượng của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 định hướng lớn và 11 nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
* Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho cây lúa
Cho rằng phải thổi hồn vào cây lúa bằng công nghệ số, khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo; phải yêu quý cây lúa như chính bản thân, từ đó mới tạo được cuộc cách mạng cho cây lúa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa nguồn lực gồm nguồn lực của Trung ương, địa phương, hợp tác công - tư, nguồn vốn vay, phát hành trái phiếu, nguồn lực của nhân dân cho Đề án; đồng thời phải sử dụng nguồn lực hiệu quả, xóa bỏ cơ chế xin-cho, xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà; bảo đảm nguồn lực đến tận địa phương, cơ sở sản xuất, tận tay nông dân.
Để triển khai hiệu quả Đề án, Thủ tướng yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, trước hết là tính tự lực, tự cường của địa phương; huy động sức mạnh nhân dân, vì nhân dân làm nên lịch sử; tăng tốc, bứt phá, đạt mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp để có từ đó đạt 14-15 triệu tấn lúa, 9-10 triệu tấn gạo từ Đề án này trước năm 2030 càng sớm càng tốt.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu mang tính ổn định, lâu dài với nguyên tắc chất lượng cao, phát thải thấp; giao các địa phương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp, hoàn thành trong quý II-2025.
Yêu cầu tổ chức ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển lúa chất lượng cao, phát thải thấp, Thủ tướng chỉ rõ phải xây dựng thương hiệu lúa chất lượng cao, giao các địa phương cùng các doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng bằng được các thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới; đi đôi với đó là mẫu mã, bao bì, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, thể chế ưu tiên cho triển khai Đề án; khẩn trương đề xuất Quốc hội đưa vào Nghị quyết chung về phát triển kinh tế-xã hội, với tinh thần “vướng ở đâu tháo gỡ ở đó”.
Chỉ đạo Ngân hàng hỗ trợ bằng các gói tín dụng cho các đối tượng cần thiết; từ nay đến cuối năm cần nghiên cứu đề ra chính sách tín dụng ưu đãi cho lúa gạo, sang năm 2025 huy động gói tín dụng khoảng 30 nghìn tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cho các doanh nghiệp, người dân vay vốn hỗ trợ vật tư, giống, sản xuất kinh doanh. Riêng về vay vốn của các đối tác phát triển, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm vay và cấp phát; nhấn mạnh phải lập quỹ hỗ trợ 1 triệu ha lúa gồm vốn của Nhà nước, vốn bán tín chỉ carbon, vốn xã hội hóa.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao kết nối thị trường trong nước với ngoài nước, kết nối các doanh nghiệp để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, để lúa gạo chất lượng cao đến với người tiêu dùng rộng rãi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án tổng thể, có phân kỳ đầu tư, phân bổ nguồn lực cho các địa phương chống biến đổi khí hậu, khắc phục sạt lở, hạn hán; đề nghị tổng kết mô hình này ở Cà Mau để hoàn thành Đề án này mang tính tổng thể trong quý I-2025.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính phối hợp xây dựng, triển khai chương trình bảo đảm phát thải thấp, giảm khí methane trong nông nghiệp, tăng cường bán tín chỉ carbon, xong trước quý II-2025.
Lưu ý phải phát triển các doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với các địa phương, hợp tác xã, các hộ nông dân với nhau để sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo; phát triển nhiều sản phẩm lúa gạo. Nhấn mạnh, sức mạnh của nhân dân vì nhân dân làm nên lịch sử, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu huy động, tập hợp lực lượng của nhân dân tham gia vào các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã… để nông dân tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay khối óc.
“Cuộc cách mạng về lúa gạo không thể thiếu sức mạnh của người dân. Vấn đề là tạo lợi ích vật chất và tinh thần cho nhân dân; cùng làm, cùng hưởng”, Thủ tướng chỉ rõ.
Kêu gọi các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển hợp tác cùng Việt Nam triển khai Đề án bằng kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, tài chính, quản trị, hoàn thiện thể chế…, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp, liên kết với các nhà khoa học, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà nông, Nhà nước, doanh nghiệp; phối hợp khu vực tư nhân, khu vực nhà nước; thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành, do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng ban để triển khai Dự án hiệu quả, trên tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi", “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện có hiệu quả cụ thể”.
Thủ tướng cũng nêu rõ, cần phải phát triển hạ tầng, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển cây lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.
Thủ tướng mong muốn với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó và với tinh thần tự lực, tự cường, tự giác, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
TTXVN
Tin mới
Ngăn chặn tình trạng lừa đảo qua không gian mạng-Bài 1: Muôn kiểu lừa đảo
LTS: Thời gian qua, tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng liên tục thay đổi "kịch bản", thủ đoạn ngày càng tinh vi, hoạt động có tổ chức, gây thiệt hại lớn về tài sản, đồng thời tạo bất ổn, bức xúc trong dư luận nhân dân. Đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này là nhiệm vụ đang đặt ra cấp thiết.
Khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ qua tranh cổ động
Sau 4 tháng tổ chức phát động (từ ngày 29-3 đến 30-7-2024), Ban tổ chức Cuộc vận động sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân nhận được 1.394 tác phẩm của 728 tác giả trong cả nước tham gia.
Luôn giương cao cờ Tổ quốc
Vở kịch nói “Vì Tổ quốc” do hai tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật là Đào Hồng Cẩm và Xuân Đức viết chung, lấy bối cảnh mặt trận Vĩnh Linh (Quảng Trị) năm 1967, được đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Tiến Dũng dàn dựng truyền cảm hứng tới người xem về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Khai mạc Liên hoan sân khấu TP Hồ Chí Minh lần thứ I, năm 2024
Tối 12-11, tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khai mạc Liên hoan sân khấu TP Hồ Chí Minh lần I, năm 2024.
Tiếp nhận tác phẩm hội họa của Vua Hàm Nghi
Sáng 12-11, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận tác phẩm hội họa của Vua Hàm Nghi: “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)”.
Cà Mau: Công bố quyết định xếp hạng di tích Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam
Ngày 12-11, tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ công bố Quyết định xếp hạng di tích Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024).