Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo ứng phó, khắc phục lũ lụt tại Bắc Giang
Trước tình trạng mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gây hậu quả nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, sáng 10-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính quyết định hoãn họp Thường trực Chính phủ để đi chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Bắc Giang.
Làm việc với đoàn công tác của Thủ tướng có các đồng chí: Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.
Cũng như ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, những ngày qua, tại tỉnh Bắc Giang có mưa to, mực nước các sông trên địa bàn đều vượt báo động II, báo động III; các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều đạt trên 100% dung tích chứa bình quân. Tỉnh vận hành 27 trạm với 216 tổ máy để chống ngập. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Trong đó, do mực nước sông Lục Nam dâng cao, một số bờ bao, bờ vùng phía sát sông Lục Nam có cao trình thấp đã bị tràn, gây ngập diện tích lúa và hoa màu và một số khu dân cư. Một số tuyến đê cấp V đã bị tràn qua mặt đê gây ngập ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp, nhất là tại khu vực xã Vũ Xá, Cương Sơn, Đan Hội, Huyền Sơn, thị trấn Đồi Ngô, Tam Dị... của huyện Lục Nam; khu vực xã Mai Trung, Đại Thành... huyện Hiệp Hòa; xã Vân Hà huyện Việt Yên, xã Đông Sơn huyện Yên Thế; xã Trí Yên, Lãng Sơn... huyện Yên Dũng...
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo về công tác phòng, chống lũ tại địa phương. Ảnh: baobacgiang.vn |
Do bão, mưa lũ, ngập úng, toàn tỉnh có 1 người chết, 7 người bị thương; đổ sập 8 nhà ở; 17.138 ha lúa bị ngập, gãy đổ; 797,3ha cây trồng hằng năm, 16.540,5ha rừng sản xuất bị ngập, gãy đổ; đổ, gãy 14 cột điện trung thế, 531 cột hạ thế, hư hỏng 1 trạm biến thế. Toàn tỉnh có 65 điểm đường giao thông sạt lở ách tắc, ngập 14.670m và khối lượng đất là 12.862,15m3; ngoài ra, thiệt hại 1.307 các công trình phụ trợ khác.
Tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành và các địa phương thực hiện các phương án tiêu úng cứu lúa, hoa màu, các khu, cụm công nghiệp, bảo đảm an toàn hồ đập; khẩn trương khắc phục xong các sự cố đã xảy ra; động viên thăm hỏi các gia đình có người bị thương, nhà sập đổ, tốc mái; thu dọn cây cối bị đổ, gẫy...
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra đê bối Tiên Sơn - Vân Hà. Ảnh: baobacgiang.vn |
Thị sát tình hình lũ lụt và công tác ứng phó lũ lụt tại xã Tiên Sơn và xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia sẻ sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình người bị nạn, những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ của tỉnh Bắc Giang nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung.
Cho biết, tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp, không loại trừ trường hợp lũ cao hơn do lũ thượng nguồn đang về và các hồ thủy điện xả đáy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Bắc Giang nói riêng và các bộ, ngành, tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các công điện, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó với sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm bà con xã Vân Hà. Ảnh: baobacgiang.vn |
Trong đó, huy động lực lượng, tập trung tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình người bị nạn, bảo đảm đời sống cho người dân theo quy định. Rà soát kỹ, chủ động sơ tán, di dời dân cư khỏi khu vực đã xảy ra và có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có nơi ở.
Thủ tướng chỉ đạo thực hiện các biện pháp để thoát lũ nhanh; kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở, kiên quyết không để người dân qua lại nếu không bảo đảm an toàn; rà soát, kịp thời phát hiện, tránh xảy ra các sự cố bất ngờ đối với các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các cầu giao thông, hồ đập, đê điều trên địa bàn; bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động; tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn người dân ứng phó, khắc phục hậu quả mưa bão, đồng thời cảnh giác trước các thông tin sai sự thật, xấu độc gây hoang mang.
Cùng với ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ, Thủ tướng chỉ đạo phải nỗ lực, đảm bảo các điều kiện duy trì sản xuất, kinh doanh, nhất là sản xuất tại các khu công nghiệp. Theo đó, phải đảm bảo đủ và ổn định về điện, sóng internet, nước và các dịch vụ khác… phục vụ sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên bà con xã Vân Hà. Ảnh: baobacgiang.vn |
Nước lũ làm ngập đường thôn, xóm, người dân xã Vân Hà phải di chuyển bằng thuyền. Ảnh: baobacgiang.vn |
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã xuống tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng; đồng thời cử các Phó thủ tướng Chính phủ xuống các địa phương để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão số 3 gây ra.
Lực lượng chức năng kiểm tra mực nước tại đê bối Tiên Sơn - Vân Hà (thị xã Việt Yên). Ảnh: baobacgiang.vn |
Thủ tướng Chính phủ cũng liên tiếp có các công điện chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; quyết định hỗ trợ 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho 5 địa phương để thực hiện khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho người dân sau bão số 3; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu của bão.
TTXVN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.