Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tư duy đổi mới, bảo vệ cán bộ "vượt rào"
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc là người có thời gian dài công tác, làm việc cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong ký ức của đồng chí Võ Hồng Phúc, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người luôn có tư duy đổi mới và bảo vệ cán bộ dám “vượt rào” vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì quyền lợi của nhân dân.
Loại bỏ dần cơ chế xin-cho
Đồng chí Võ Văn Kiệt đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ) kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) từ năm 1982 đến năm 1988. Ngày ấy, đồng chí Võ Hồng Phúc còn là cán bộ trẻ công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Đó là thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có vai trò và quyền lực rất lớn. Hình mẫu công tác kế hoạch được bê nguyên từ Liên Xô, từ tổ chức bộ máy cho đến phương pháp kế hoạch hóa đều được giao theo chỉ tiêu pháp lệnh. Từ ngày đồng chí Võ Văn Kiệt đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, công tác kế hoạch được điều chỉnh linh hoạt hơn, mở rộng quyền chủ động kinh doanh, sản xuất cho cơ sở. Ngoài hệ thống kế hoạch pháp lệnh của Nhà nước còn có thêm kế hoạch 2, kế hoạch 3. Nhưng tình hình kinh tế vẫn ngày một khó khăn, đặc biệt là sau những sai lầm về việc điều chỉnh giá-lương-tiền năm 1985. Tình hình đó đòi hỏi một sự đổi thay mạnh mẽ hơn nữa.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI mở đường cho thời kỳ đổi mới, trong đó có nội dung rất quan trọng là đổi mới công tác kế hoạch hóa. Tinh thần đổi mới của Đại hội VI nhanh chóng được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước triển khai thực hiện. Từ năm 1987, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt, việc đổi mới công tác kế hoạch trong Ủy ban Kế hoạch Nhà nước được triển khai mạnh mẽ. Công tác kế hoạch đi vào định hướng, giảm dần các chỉ tiêu pháp lệnh, loại bỏ dần cơ chế xin-cho. Muốn thực hiện được sự thay đổi đó thì phải có sự thay đổi mạnh trong công tác tổ chức cán bộ. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã rất chú ý tới công tác này và đặc biệt quan tâm tới những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trong một chuyến công tác. Ảnh do đồng chí Võ Hồng Phúc cung cấp |
Dân đến nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ
Năm 1983, Nhà nước ta đang thực hiện di dân phục vụ dự án xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Lúc ấy có hai phương án di dân, dân ở tập trung thì di dời tập trung tới các khu tái định cư; dân ở phân tán thì di “vén”. Di dân “vén” nghĩa là di dân đang ở dưới mực nước thiết kế của hồ Hòa Bình lên khu vực cao hơn, hộ ở thấp hơn “vén” trước, hộ ở cao hơn “vén” sau, theo tiến độ mức nước dâng lên để “vén” dần. Theo hình thức di dân “vén”, chúng ta chủ yếu huy động, động viên sức dân, nhà nào di dời thì cả xóm cùng giúp dỡ mái, đưa nhà lên vị trí cao hơn để dựng lại. Việc di dân “vén” như vậy vừa nhanh, vừa tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, sau khi đưa dân lên cao hơn mực nước thiết kế, nước được đưa vào hồ thì hàng loạt điểm hạn chế mới bộc lộ. Do không được di dân tới nơi tái định cư tập trung, các hộ dân này vẫn ở nơi ở cũ, chỉ đơn giản là chuyển từ dưới thấp lên trên cao nên khi tích nước, những khu vực này trở thành đảo giữa hồ Hòa Bình, bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, cuộc sống của những hộ dân ở đây rất khó khăn.
Cùng thời điểm đó, ở phía Nam, tại công trình Thủy điện Trị An, công tác di dân được thực hiện rất chu đáo. Chi phí cho một hộ dân di dời cũng cao hơn, các khu tái định cư được xây dựng khang trang, bảo đảm đời sống bình thường cho người dân khi di dời đến nơi ở mới.
Khi ấy, đồng chí Võ Hồng Phúc đang làm Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), phụ trách công tác xây dựng cơ bản. Nhận được ý kiến phản ánh, đồng chí Võ Hồng Phúc và cán bộ trong vụ lên báo cáo với đồng chí Võ Văn Kiệt. Đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo Vụ Công nghiệp nặng tạm ứng tiền tiến hành ngay theo phương án đề xuất là bỏ hình thức di dân “vén”, áp dụng tiêu chuẩn di dân ở công trình Thủy điện Hòa Bình như ở công trình Thủy điện Trị An. “Việc có lợi cho dân thì không ngại. Dân mình chịu hy sinh trong hai cuộc kháng chiến nhiều rồi, dân khổ lắm, đừng bắt dân chịu khổ thêm nữa. Đây lại là vùng đồng bào dân tộc ít người, đời sống đang rất vất vả. Ở Trị An trước đây tôi đã chỉ đạo: Dân đi đến nơi ở mới phải bảo đảm tốt hơn nơi ở cũ! Cả về điều kiện sống và việc làm!”, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn nhớ như in câu nói của đồng chí Võ Văn Kiệt như vậy.
Tinh thần “dân đến nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ” khi thực hiện các dự án tái định cư bắt đầu từ đó!
Chuyện “tiền trảm hậu tấu” đưa điện về cho dân
Năm 1988, huyện Văn Yên (Yên Bái) vẫn chưa có điện lưới quốc gia, dù nằm ngay gần công trình Thủy điện Thác Bà. Trong số 75.000 dân Văn Yên khi ấy có tới khoảng 30.000 dân từ vùng giải phóng lòng hồ cho công trình Thủy điện Thác Bà (thuộc huyện Yên Bình) di dời sang. Trong khi đó, công trình Thủy điện Thác Bà bắt đầu phát điện từ năm 1971!
Trong chuyến đoàn công tác của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước lên tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay tách thành tỉnh Lào Cai, Yên Bái và huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) làm việc, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hoàng Xuân Lộc đã đề nghị cho làm đường dây 35kV kéo điện từ Cổ Phúc lên cho bà con huyện Văn Yên. Sau khi thảo luận, đoàn nhất trí với đề xuất của huyện, nhưng vẫn có người băn khoăn vì lo không đủ tiền, vật tư để thực hiện, nhất là lo lãnh đạo không đồng ý. Tuy nhiên, với niềm tin nếu việc có lợi cho dân thì chắc chắn đồng chí Võ Văn Kiệt sẽ đồng ý, đồng chí Võ Hồng Phúc nói với những người còn băn khoăn:
- Về tôi sẽ báo cáo ông Lê Danh (lúc đó đồng chí Lê Danh là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phụ trách xây dựng cơ bản-PV) và ông Võ Văn Kiệt, chắc chắn là các ông ấy ủng hộ!
Sau chuyến công tác đó, đồng chí Võ Hồng Phúc báo cáo ngay với đồng chí Lê Danh, được đồng chí Lê Danh đưa lên trực tiếp báo cáo với đồng chí Võ Văn Kiệt. Đồng chí Võ Văn Kiệt sau khi nghe báo cáo xong bèn chỉ đạo ngay:
- Các anh cho làm ngay, bổ sung vào kế hoạch năm 1988, cứ làm rồi ghi kế hoạch sau. Việc này đáng lẽ phải làm lâu rồi. Dân hy sinh tất cả, bỏ hết nhà cửa ruộng vườn, chùa chiền, nhà thờ cho chúng ta làm điện. Hàng vạn dân di dời từ Yên Bình lên Văn Yên xa hơn 60, 70km, đến nơi hoang vu, hẻo lánh hơn. Làm xong điện thì lại không được hưởng. Các nơi khác có điện, người hy sinh tất cả để làm điện thì lại chưa có gì. Các anh cho làm ngay. Cuối năm nay phải có điện cho Văn Yên!
Nhờ vậy, cuối năm 1988, đường dây 35kV từ Cổ Phúc lên Mậu A đã được hoàn thành, đóng điện. Dân Văn Yên đã có điện sau khoảng 25 năm nhường nơi ở cũ cho công trình Thủy điện Thác Bà.
Tự ý thay đổi kế hoạch vay vốn ODA mà không bị Thủ tướng phạt
Đầu năm 1993, đồng chí Võ Hồng Phúc là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cùng một số cán bộ Vụ Kinh tế đối ngoại thuộc Ủy ban sang Australia làm việc với Cơ quan viện trợ phát triển Australia (AIDAB) tại Sydney. Trước khi đi, đoàn đã vào báo cáo Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng đã chấp thuận với đề nghị của đoàn về việc vận động Australia viện trợ nước ta làm cầu Quán Hàu (tỉnh Quảng Bình) và một vài cầu nhỏ có chiều dài hơn 20m trên Quốc lộ 1, đoạn từ Vĩnh Linh đến nam sông Gianh. Tuy nhiên, sang tới nơi, phía Australia thông báo đã quyết định tăng kinh phí viện trợ cho Việt Nam thêm 50%. Đồng chí Võ Hồng Phúc nhẩm tính, với số tiền Australia viện trợ thì sẽ đủ khoảng 70% vốn xây cầu Mỹ Thuận (nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long). Ngay lập tức, đồng chí Võ Hồng Phúc hội ý với đoàn và đề xuất thay đổi phương án, tập trung toàn bộ phần viện trợ của Australia cho dự án cầu Mỹ Thuận, 30% vốn còn lại sẽ dùng vốn đối ứng của nước ta. Mọi người rất lo về việc tự ý thay đổi phương án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên, đồng chí Võ Hồng Phúc đã cả quyết:
- Thôi, cứ quyết cầu Mỹ Thuận. Về nước có sao tôi chịu. Cùng lắm là chịu kỷ luật. Nhưng tôi biết tính ông Sáu Dân (bí danh của đồng chí Võ Văn Kiệt) từ hồi ông ấy làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Hễ làm gì có lợi cho dân, cho nước thì ông Sáu Dân không bắt bẻ thủ tục đâu, có khi lại được khen! Chính đây mới là điều phối, sử dụng hiệu quả và hợp lý vốn ODA theo quy định của Chính phủ.
Về đến Hà Nội, đồng chí Võ Hồng Phúc từ sân bay tới thẳng nhà Thủ tướng Võ Văn Kiệt báo cáo kết quả chuyến đi. Quả nhiên, Thủ tướng Võ Văn Kiệt không những không phê bình mà còn khen ngợi đồng chí Võ Hồng Phúc và đoàn công tác về tinh thần chủ động, linh hoạt.
Hai chuyện “tiền trảm hậu tấu” của đồng chí Võ Hồng Phúc không những không bị đồng chí Võ Văn Kiệt phê bình, kỷ luật mà còn ngợi khen và ủng hộ càng làm nổi rõ quan điểm của đồng chí Võ Văn Kiệt: Bất luận việc gì nếu có lợi cho dân, cho nước, dù cán bộ cấp dưới có “vượt rào”, làm trước báo cáo sau, cũng đều ủng hộ và bảo vệ. Cũng chính nhờ quan điểm như vậy, đồng chí Võ Văn Kiệt đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ thuộc quyền dám nghĩ, dám làm, linh hoạt, chủ động, tất cả vì đất nước, vì nhân dân!
CHIẾN THẮNG (ghi theo lời kể của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.