Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số
Ngày 10-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 34/CĐ-TTG về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số.
Thủ tướng Chính phủ điện: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công điện nêu: Trong thời gian qua, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về phát triển du lịch với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện và đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch và đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, đến nay, cơ bản Du lịch Việt Nam đã phục hồi sau đại dịch Covid-19, đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng, trở thành điểm sáng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 17,6 triệu lượt, tăng 39%; khách nội địa đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6%; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 3 tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay, tăng 29,6% so với Quý I năm 2024, góp phần khẳng định vị thế, sức hấp dẫn của Du lịch Việt Nam.
Năm 2025, để tăng tốc phát triển du lịch, thực hiện thắng lợi mục tiêu đón đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch tăng trưởng 12 - 13% so với năm 2024, tạo động lực lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp tích cực, hiệu quả vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, góp phần tăng tốc, bứt phá, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng hai con số ở các giai đoạn tiếp theo, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
* Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch, chủ động triển khai Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 và các năm tiếp theo.
Chủ động đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch ở trong nước và nước ngoài; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Kết hợp sử dụng nguồn lực của Nhà nước và huy động hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.
Phát huy vai trò của phương tiện truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường trong nước, kết hợp với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí ngành Du lịch.
![]() |
Khách du lịch tham quan Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. |
Phối hợp với Bộ Ngoại giao nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại diện ở nước ngoài trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch; khuyến khích doanh nghiệp du lịch đặt văn phòng đại diện tại nước ngoài; phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 5-2025.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nâng cao hiệu quả liên kết xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu du lịch gắn với các gói sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp cụ thể, bảo đảm tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa; hoàn thành trong tháng 5 năm 2025.
Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch
Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, có trách nhiệm với môi trường đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các khu du lịch quốc gia, các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm.
Phát triển các loại hình, sản phẩm dịch vụ đang được quan tâm như: Du lịch sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trăng mật, du lịch golf,... Tăng cường vận động, đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế để thúc đẩy du lịch sự kiện, hội thảo (MICE). Tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật du lịch đặc sắc cấp quốc gia, quốc tế gắn với công nghiệp giải trí để tạo “tiếng vang” thu hút, hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Tăng cường liên kết để phát huy hiệu quả thế mạnh, lợi thế khác biệt, nổi trội của từng địa phương, từng vùng trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng; tăng cường kết nối sản phẩm với thị trường, chú trọng gia tăng giá trị thương hiệu sản phẩm du lịch. Thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, tiêu dùng du lịch gắn với “xuất khẩu tại chỗ” các sản phẩm văn hóa, nông nghiệp, công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh.
Đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch
Ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; phát triển du lịch thông minh; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu và quản lý tài nguyên du lịch. Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
Khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư du lịch có trách nhiệm theo hướng đầu tư xanh và bền vững, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh.
Phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe; báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 5-2025.
Phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt; hướng dẫn và khuyến khích khách du lịch sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trên các thiết bị thông minh.
Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận các điểm đến du lịch
Phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường chỉ đạo việc kết nối hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường biển trong nước và quốc tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước tháng 6-2025; đẩy mạnh thu hút đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không, cảng biển, nhà ga phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là tại các địa phương trọng điểm đón khách du lịch thông qua việc hợp tác công – tư hoặc xã hội hóa.
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường năng lực kết nối và dịch vụ thuận lợi tiếp cận các điểm đến du lịch với các trung tâm đầu mối đón khách du lịch; báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 8-2025.
Chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý điểm đến, kiểm soát sức chứa tại khu, điểm du lịch và bảo vệ môi trường du lịch; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch và môi trường điểm đến, xử lý nghiêm các vi phạm để tạo môi trường du lịch đồng bộ, an toàn, văn minh, thân thiện.
*Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc áp dụng chính sách thị thực thuận tiện, linh hoạt cho khách du lịch như: Miễn thị thực (bao gồm cả chính sách miễn thị thực ngắn hạn), cải tiến thủ tục xét duyệt thị thực cho khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam theo các Chương trình kích cầu du lịch hoặc tham gia các sự kiện ngoại giao văn hóa theo lời mời của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4-2025.
Đề xuất cụ thể các chính sách ưu đãi thị thực cho các đối tượng đặc thù như: Nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, vận động viên thể thao nổi tiếng thế giới, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, tỷ phú nhập cảnh vào Việt Nam vì mục đích du lịch, triển khai các nhiệm vụ, đề án về hội nhập quốc tế, hợp tác nghiên cứu, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 về về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số số 59-NQ/TW ngày 24-1-2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4-2025.
Nghiên cứu, đề xuất các chính sách thông thoáng, thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch ở khu vực biên giới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4-2025.
* Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ giao tại Công điện trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương; hoàn thành trước ngày 15-4-2025.
Chịu trách nhiệm toàn diện, tăng cường công tác quản lý nhà nước toàn diện về du lịch, quản lý điểm đến du lịch trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá, chống đeo bám, lừa đảo du khách; thiết lập và công bố đường dây nóng đa ngôn ngữ để tiếp nhận và xử lý phản ánh của du khách, kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Các hàng ăn phải thanh toán điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, nếu không thực hiện thì thu hồi giấy phép hoặc cấm kinh doanh.
* Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Công điện này.
Kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực trước ngày 30-4-2025 về những đề nghị của địa phương, bộ, ngành vẫn chưa được các bộ, cơ quan xem xét, giải quyết để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó thủ tướng Mai Văn Chính trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Công điện này.
Tin, ảnh: TTXVN
Tin mới
Yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong kinh doanh xăng dầu trước 30/4/2025
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước vừa có văn bản số 436/TTTN-XD ngày 17/4/2025 gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, các tổng đại lý (có hệ thống phân phối trên địa bàn 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên) về việc thực hiện thông báo số 175 ngày 13/4/2025 của Văn phòng Chính phủ.
Liên hợp quốc kêu gọi thỏa hiệp chính trị để chấm dứt khủng hoảng kéo dài ở Libya
Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) tại Libya, bà Hanna S. Tetteh, ngày 17-4 cảnh báo rằng tình trạng bế tắc chính trị và chia rẽ thể chế liên tục có nguy cơ đẩy Libya vào tình trạng bất ổn hơn nữa, trừ khi có thể đạt được thỏa hiệp khẩn cấp và thống nhất lộ trình dẫn đến bầu cử.
Sản phẩm của ngành Hậu cần - Kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam gây ấn tượng nơi biên giới
Trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 9 vừa diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn, các gian hàng trưng bày đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu và khách mời hai nước. Trong đó, sự góp mặt của các sản phẩm do Công ty Cổ phần X20 và Công ty Cổ phần 22, hai doanh nghiệp thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật sản xuất đã mang đến hình ảnh sinh động về tiềm lực sản xuất, năng lực công nghệ và bản sắc đặc thù của doanh nghiệp Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mỹ và Ukraine ký Bản ghi nhớ về thỏa thuận khoáng sản
Ngày 17-4, Ukraine thông báo nước này và Mỹ đã ký một Bản ghi nhớ, coi đây là bước đầu hướng tới việc đạt thỏa thuận về phát triển nguồn tài nguyên khoáng sản ở Ukraine.
“Chất xúc tác” cho sự điều chỉnh cách tiếp cận của Canada
Canada được cho là đang nỗ lực chuyển hướng mối quan hệ quốc phòng truyền thống với Mỹ sang các đối tác khác, nhất là Liên minh châu Âu (EU).
Quân sự thế giới hôm nay (18-4): Ai Cập sắp mua máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc
Quân sự thế giới hôm nay (18-4) gồm những nội dung sau: Ai Cập sắp mua máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc; Mỹ đầu tư khí cầu giám sát quân sự cố định; Ukraine thử nghiệm phương tiện không người lái mặt đất.