Thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Niger
Sau cuộc gặp với phái đoàn từ Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) tại thủ đô Niamey, người đứng đầu chính quyền quân sự Niger, tướng Abdourahmane Tchiani cam kết giai đoạn chuyển tiếp sang chính quyền dân sự ở quốc gia Tây Phi này sẽ không kéo dài quá 3 năm.
Al Jazeera ngày 20-8 cho hay, cùng với việc đề xuất quá trình chuyển tiếp trong 3 năm, nhà lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger cũng cảnh báo, bất kỳ can thiệp quân sự nào vào nước này từ bên ngoài sẽ “không phải là một cuộc dạo chơi trong công viên” đối với những bên liên quan.
Phát biểu trên Đài Truyền hình quốc gia, tướng Tchiani không đưa ra kế hoạch chuyển giao quyền lực chi tiết mà chỉ tuyên bố, các nguyên tắc chuyển giao quyền lực sẽ được quyết định trong vòng 30 ngày tại một cuộc đối thoại do hội đồng quân sự cầm quyền tổ chức, đồng thời nhấn mạnh cả chính quyền lẫn người dân Niger “đều không muốn chiến tranh và vẫn sẵn sàng đối thoại”. Cũng trong bài phát biểu dài 12 phút trên truyền hình, tướng Tchiani cáo buộc ECOWAS đang “sẵn sàng tấn công Niger bằng cách thành lập một đội quân chiếm đóng phối hợp với quân đội nước ngoài”, đồng thời lên tiếng tố cáo các biện pháp trừng phạt “bất hợp pháp và vô nhân đạo” mà ECOWAS đang áp đặt đối với Niger.
![]() |
Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của ECOWAS Abdel-Fatau Musah (giữa) phát biểu trong họp báo sau cuộc họp của các Tham mưu trưởng quân đội các nước Tây Phi tại Accra (Ghana), ngày 18-8. Ảnh: AP |
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi phái đoàn ECOWAS do cựu lãnh đạo Nigeria, tướng Abdulsalami Abubakar dẫn đầu tới thủ đô Niamey để gặp người đứng đầu chính quyền quân sự Niger nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia này. Phái đoàn ECOWAS cũng đã gặp riêng Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum hiện đang bị quản thúc tại gia ở Niamey. “Các cuộc gặp đã mở ra hướng thảo luận dẫn đến cách giải quyết cuộc khủng hoảng”, ông Abubakar nói với Al Jazeera song không đề cập tới kết quả cụ thể.
Trước đó, ECOWAS đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Niger sau cuộc đảo chính ngày 26-7 và mới đây đã kích hoạt một “lực lượng dự phòng” nhằm khôi phục trật tự hiến pháp ở nước này. Lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS không che giấu khả năng can thiệp quân sự và cho biết có tới 11 trong số 15 quốc gia thành viên ECOWAS đã đồng ý đưa quân tham gia chiến dịch can thiệp quân sự trong trường hợp cần thiết.
ECOWAS đã có lập trường cứng rắn hơn đối với cuộc đảo chính ở Niger-cuộc đảo chính thứ 7 trong vòng 3 năm qua ở khu vực Tây Phi, bên cạnh các cuộc đảo chính ở Mali, Burkina Faso và Guinea. Tuy nhiên, bên cạnh thông điệp răn đe, ECOWAS vẫn ưu tiên các biện pháp ngoại giao để đảo ngược việc tranh giành quyền lực ở Niger-quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với các cường quốc khu vực và toàn cầu nhờ trữ lượng lớn uranium và dầu mỏ, cũng như vai trò là trung tâm căn cứ cho quân đội nước ngoài tham gia cuộc chiến chống các nhóm vũ trang có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Trong một diễn biến có liên quan, tân Đại sứ Mỹ tại Niger, bà Kathleen FitzGibbon cũng đã tới nhận nhiệm vụ tại Niamey. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel, việc xuất hiện của tân Đại sứ FitzGibbon không phản ánh sự thay đổi trong lập trường của Mỹ đối với tình hình tại Niger, đồng thời khẳng định Washington duy trì ủng hộ giải pháp ngoại giao nhằm lập lại trật tự hiến pháp ở quốc gia châu Phi này.
Liên hợp quốc cũng tham gia các nỗ lực hòa giải bằng động thái cử Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Tây Phi và Sahel, ông Leonardo Santos Simao đến Niamey với sứ mệnh tạo điều kiện cho một giải pháp nhanh chóng và hòa bình đối với cuộc khủng hoảng ở Niger. Tổ chức này cảnh báo, nếu không sớm có giải pháp, cuộc khủng hoảng ở Niger sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực tại quốc gia nghèo khó này, với hơn 3 triệu người dân Niger đang lâm vào cảnh thiếu đói trầm trọng.
HÀ PHƯƠNG
Tin mới
Phát hiện, ngăn chặn 1.500 kg chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/05/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; căn cứ chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn và Chi cục Quản lý thị trường.
Cao Bằng: Kiểm tra, thu giữ gần 1,4 tấn nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ
Chi Cục QLTT tỉnh Cao Bằng vừa phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh; Đội Kiểm soát Hải quan, Chi cục Hải quan Khu vực VI; Công an xã Tri Phương, huyện Trùng Khánh thu giữ gần 1,4 tấn nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Xử phạt 18 triệu đồng đối với hộ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhập lậu
Ngày 20/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Chi cục QLTT tỉnh Ninh Bình vừa tiến hành kiểm tra tại Hộ kinh doanh Đinh Văn Cương (Tổ dân phố Ghềnh, phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình).
Phát hiện, tiêu hủy 1 tấn chả chay không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Chi cục QLTT tỉnh Phú Yên vừa ban hành quyết định xử phạt ông V.Đ.T với số tiền 17.000.000 đồng và buộc tiêu hủy 1.000 kg thực phẩm là chả chay không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tỷ phú Elon Musk lên kế hoạch rút lui khỏi chính trường Mỹ
Ngày 20-5, tỷ phú Elon Musk cho biết ông sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành của Tesla trong ít nhất 5 năm tới, đồng thời có kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho các hoạt động chính trị nhằm xoa dịu mối lo ngại của một số nhà đầu tư về tương lai của nhà sản xuất xe điện có giá trị nhất thế giới.
Mỹ công bố kế hoạch phòng thủ tên lửa có tổng kinh phí 175 tỷ USD
Ngày 20-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa "Vòm Vàng" (Golden Dome), với tổng kinh phí lên tới 175 tỷ USD, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trước khi kết thúc nhiệm kỳ của ông.