Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu và nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương
Ngày 16/9, tại Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cùng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đồng chủ trì Hội thảo Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu và nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương.
Tham dự Hội thảo có khoảng 200 đại biểu là lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang; các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại…
Toàn cảnh Hội thảo Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu hàng hóa và nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương
Thứ trưởng Phan Thị Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo
Theo Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, những năm qua, Việt Nam đặc biệt chú trọng vào việc tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực châu Á, châu Phi và châu Đại Dương nhằm đẩy mạnh xuất khẩu tại khu vực tiềm năng này. Cụ thể, Việt Nam đã tận dụng các cơ hội hợp tác từ các FTA song phương với các đối tác riêng lẻ như Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, cũng như các FTA đa phương thông qua các tổ chức khu vực như ASEAN hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Mặc dù thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này có nhiều khởi sắc và dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn, song cũng tồn tại những khó khăn, hạn chế không nhỏ chờ đón doanh nghiệp. Một trong những thách thức lớn nhất là quan điểm bảo hộ, tạo ra các rào cản của các nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh mặt tích cực của tự do hóa thương mại và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vẫn tồn tại các hoạt động tạo sự kiềm chế trong chính trị, kinh tế thương mại và các hoạt động này có xu hướng ngày càng trở nên phổ biến. Một số nước đã có xu hướng chuyển sang bảo hộ và hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài, thậm chí là bảo hộ quá mức cần thiết.
Trong số các biện pháp bảo hộ đó, phòng vệ thương mại nổi lên là một trong các công cụ hợp pháp, hữu hiệu và được nhiều thành viên WTO sử dụng. Theo thống kê của Bộ Công Thương, có tới 14/24 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại dương đã điều tra 138/256 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các nước điều tra nhiều nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Indonesia, Philippines … Chỉ riêng trong ASEAN, 4 nước Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan đã điều tra tới 48 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa của ta. Còn tại châu Đại Dương, Australia cũng đã điều tra 18 vụ việc với Việt Nam.
“Thông qua Hội thảo sẽ giúp chúng ta hiểu rõ và chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm trong việc hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp hạn chế nhập khẩu với hàng hóa của ta. Qua đó, chúng ta có quyền kỳ vọng sự phát triển và tăng trưởng bền vững của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai." - Thứ trưởng Phan Thị Thắng kỳ vọng.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương
Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết, Bình Dương đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.
Ông Đỗ Quốc Hưng – Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi trình bày tại Hội thảo
Bà Trương Thùy Linh – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại trình bày tại Hội thảo
Tại hội thảo, đại diện Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi và Cục Phòng vệ thương mại đã cập nhật, trao đổi thông tin về tình hình thị trường, cơ hội và thách thức thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng sang thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương; tình hình điều tra, áp dụng và ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước; kinh nghiệm phối hợp, ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường này. Theo đó, việc tạo năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại là vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp của Việt Nam để chủ động vận dụng và ứng phó kịp thời với các vụ việc về phòng vệ thương mại, nhằm bảo vệ hợp lý các nhà sản xuất hàng Việt xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương trình bày tại Hội thảo
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, Ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở cung cấp thông tin về tình hình phát triển, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Ông cho biết “Khi một doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì cả một ngành hàng hay hàng hóa từ một địa phương của Việt Nam sẽ cùng bị áp dụng mức thuế cao. Do đó, sự phối hợp và chủ động giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp không chỉ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính doanh nghiệp đó mà còn là trách nhiệm chung với cộng đồng doanh nghiệp".
Ông Lương Đức Long – PCT kiêm TTK Hiệp hội Xi măng Việt Nam trình bày tại Hội thảo
Đại diện cho Hiệp hội Xi măng Việt Nam, PGS. TS. Lương Đức Long – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội đã cung cấp nhiều thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành xi măng, đồng thời chia sẽ những kinh nghiêm quý báu trong quá trình Việt Nam xuất khẩu xi măng ra nước ngoài, kinh nghiệm thực tiễn về việc ứng phó, xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với xi măng tại thị trường Philippines và hiện nay là Đài Loan (Trung Quốc).
Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang nhóm thị trường tiềm năng này; tăng cường hiệu quả công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tăng cường tuyên truyền đào tạo nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.
Về phía doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm hiểu và nâng cao nhận thức, kỹ năng để kịp thời ứng phó khi phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại. Mặt khác, doanh nghiệp cần cần tăng cường phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước và theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương, chuẩn bị nguồn lực để kháng kiện trong trường hợp phát sinh.
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.