Thương về tháng Bảy…
Mỗi dịp tháng Bảy về, người dân Việt Nam lại luôn nhớ về một ngày quan trọng, đó là Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, ngày để thể hiện lòng quý trọng và biết ơn đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do, thống nhất nước nhà.
Tháng Bảy về trong những nghĩ suy, thương biết bao nhiêu thế hệ cha anh vì giữ yên cho đất nước đã không tiếc máu xương mà dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình. Mỗi mùa qua đi, dáng những người mẹ, người vợ, người em thêm hao gầy vì vất vả, khát vọng hòa bình càng lớn thêm theo những gian lao.
Ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp để tri ân công lao to lớn của những người vì độc lập, tự do của Tổ quốc đã tạm gác lại hạnh phúc riêng. Có những người mẹ, người vợ vì nghĩa cả nước non mà không quản ngại khó khăn trùng trùng khi vắng đi người trụ cột. Độc lập, tự do ấy phải trả bằng biết bao xương máu của lớp lớp thế hệ cha anh. Họ đã anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời mình.
Ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp để tri ân công lao to lớn của những người vì độc lập, tự do của Tổ quốc đã tạm gác lại hạnh phúc riêng. Ảnh minh họa: vov.vn |
Có những liệt sĩ mà khi hòa bình lập lại bao năm vẫn không thể tìm thấy hài cốt, biết bao bà mẹ vẫn ngày đêm vò võ mong ngóng đón hài cốt con quay trở về. Họ là những người ra đi khi tuổi xuân phơi phới, gieo nhớ thương khôn nguôi cho những người ở lại. Trong số họ có những người không bao giờ trở lại, họ để lại thanh xuân nơi chiến trường khốc liệt, cũng có những người đã quay trở về nhưng với một hình hài không còn trọn vẹn.
Sau chiến tranh, có những người cha, người anh với hành trang trở về là mái tóc pha sương: “Cả cuộc đời cha đi bộ đội/Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương/Và những vết thương trên ngực cha/Cứ trở gió lại đau nhức nhối/Chiếc ba lô gió sương đã gội/Gia tài cha tặng mẹ chỉ thế thôi/ Ngày trở về mắt đẫm lệ rơi/Hai mươi năm sau ngày mẹ cưới/Đến hôm nay sống đời vợ chồng/Hai mươi năm, hai mươi năm/Mẹ nuôi con một mình”. (Đoàn Ngọc Thu)
Đối với bất kỳ ai, ở bất cứ nơi đâu, thì chiến tranh luôn là một sự tàn khốc, nó cướp đi của chúng ta sự bình yên trong cuộc sống, sự đoàn tụ của những gia đình, nó tạo ra biết bao đau thương và mất mát không thể cân đo đong đếm.
Chiến tranh đã làm biết bao gia đình phải ly tán, vợ xa chồng, con xa cha và người ra đi không hẹn ngày trở lại. Được sinh ra trong thời bình, được sống một cuộc sống không còn mưa bom, bão đạn, thế hệ hôm nay càng thêm trân quý giá trị của độc lập, hòa bình.
Thăm những bảo tàng về chiến tranh, khóe mắt rưng rưng khi bắt gặp những hình ảnh về chiến tranh, những anh hùng quên mình băng qua đạn bom để đổi lấy hòa bình cho dân tộc, những mất mát quá đỗi lớn lao…
Trong không khí cả nước hướng về Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chúng ta không chỉ nhớ đến họ trong những ngày kỷ niệm, mà sự tri ân còn là cả một hành trình dài của mỗi người con đất Việt được sống trong hòa bình hôm nay. Những hoạt động tri ân “uống nước nhớ nguồn” chính là những nghĩa cử cao đẹp, thiết thực để bù đắp lại những mất mát, những đau thương cho những người thân của thương binh, liệt sĩ.
Khi các anh đi, các anh có tên, có hình hài, nhưng khi trở về giữa lòng đất mẹ, có những người vẫn chưa thể xác định được danh tính. Linh hồn các anh hòa cùng cây cỏ, để đất nước nở hoa độc lập. Xương máu của các anh đã hóa thành hùng thiêng non sông, những thế hệ anh hùng của một dân tộc anh hùng, để thế hệ hôm nay được thênh thang bước đi trong hòa bình, độc lập, biết bao mồ hôi xương máu đã đổ xuống.
Những Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh - họ chính là biểu tượng lấp lánh về ý chí và sức mạnh đại đoàn kết, góp phần viết nên giá trị của hòa bình, của tự do, viết nên trang sử hào hùng của dân tộc.
Tản văn của TƯỜNG VY
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.