Tích tụ, tập trung đất nông nghiệp tại Thái Bình: Quả ngọt và những vấn đề đặt ra-Bài 2: Những cú huých cho nghĩ lớn, làm lớn
Tích tụ ruộng đất và sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ở Thái Bình bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét. Dáng hình của công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn và tri thức hóa nông dân đang hiển hiện trên quê hương 5 tấn.
Để đạt được các kết quả trên là cả hành trình dài của những người nông dân, vừa gom góp, tích lũy, vừa đổi mới tư duy. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và cú huých tạo thêm nguồn lực từ những chủ trương lớn của tỉnh.
Đột phá từ các nghị quyết
Trong hành trình phát triển, tỉnh Thái Bình luôn xác định nông nghiệp là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng. Còn tích tụ ruộng đất quy mô lớn được Thái Bình xác định là bước thứ hai sau dồn điền, đổi thửa nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp, cá nhân đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nhờ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề quan trọng để Thái Bình thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Máy làm đất giúp các chủ đại điền ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động.Ảnh: TRỊNH MẠNH CƯỜNG |
Thực hiện chủ trương chung của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Bình bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng theo nhu cầu của thị trường...; có cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, các hình thức góp vốn trong sản xuất nông nghiệp, kể cả góp vốn bằng quyền sử dụng đất... Sự ra đời của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX có ý nghĩa to lớn, đáp ứng đúng, trúng yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa; khắc phục tình trạng bỏ hoang, làm thoái hóa đất; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể hóa chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ngày 10-12-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025. Theo đó, UBND cấp xã được hỗ trợ kinh phí để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuê đất, cứ mỗi héc-ta được 1 triệu đồng/năm; người cho thuê ruộng được hỗ trợ 20kg thóc/360m2/năm; tổ chức, cá nhân chủ trì liên kết hoặc nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất được hỗ trợ kinh phí tổ chức thực hiện; mức hỗ trợ 1 triệu đồng/1ha... Đối với những chủ đại điền, tỉnh Thái Bình hỗ trợ 50% đơn giá mua máy cấy, máy sấy nhưng tối đa không quá 40 triệu đồng/máy cấy, không quá từ 40 triệu đồng tới 70 triệu đồng/máy sấy (tùy công suất)... Sau khi có chính sách như vậy, tốc độ tích tụ đất đai tăng hơn so với trước. Minh chứng là cuối năm 2021 mới có 968 hộ đại điền cấy từ 2ha, nay đã có hơn 1.900 hộ. Về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đến nay Thái Bình đã cơ giới hóa 100% trong khâu làm đất; xấp xỉ 100% khâu thu hoạch và khoảng 24% khâu cấy; hơn 8.000ha diện tích được chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bằng thiết bị bay không người lái.
Không chỉ dừng lại ở các chính sách trên, ngày 12-7-2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028. Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND với nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, thiết thực, có tính tổng thể, bao quát hầu hết các đối tượng được đánh giá là giải pháp đột phá đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung đất đai, nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến sản xuất quy mô lớn. Nghị quyết 08 sẽ được thực hiện bắt đầu từ vụ Đông Xuân 2024. Hiện nay, các tổ chức, cá nhân đang nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định.
Tập trung, tích tụ ruộng đất giúp người dân xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Ảnh: TRỊNH MẠNH CƯỜNG |
Theo đó, UBND cấp xã được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha; thôn được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha để thực hiện tuyên truyền, vận động người dân tích tụ, tập trung đất đai. Hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác để thực hiện tích tụ đất đai, được hỗ trợ một lần 2.800 đồng/m2. Hộ gia đình, cá nhân cho thuê quyền sử dụng đất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, được hỗ trợ hằng năm bằng tiền tương đương với 15kg thóc/360m2/năm khi thời gian cho thuê, góp vốn ổn định từ 5 năm đến dưới 10 năm; được hỗ trợ hằng năm bằng tiền tương đương với 25kg thóc/360m2/năm khi thời gian cho thuê, góp vốn ổn định từ 10 năm trở lên. Hộ gia đình, cá nhân có đất tham gia liên kết sản xuất được hỗ trợ bằng tiền tương đương với 10kg thóc/360m2/năm... Ngoài việc ban hành chính sách hỗ trợ người dân có quyền sử dụng đất, tại nghị quyết này, các đối tượng thực hiện tích tụ, tập trung đất đai cũng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như: Hỗ trợ 1.000 đồng/m2 để cải tạo đất, cải tạo mặt bằng vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống đường giao thông trong vùng sản xuất, hỗ trợ 100% chi phí xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ 50% chi phí xây dựng nhà màng, nhà lưới...
Cấp ủy, chính quyền các cấp cùng vào cuộc
Khảo sát của chúng tôi cho thấy, nếu như trước đây, người dân thường có tâm lý sợ “mất đất” thì nay bà con đã cởi mở hơn vì đã hiểu muốn làm lớn thì phải có cánh đồng lớn. Đồng chí Trần Quốc Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, để có được sự thay đổi về nhận thức của một bộ phận người dân, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, cùng với sự nỗ lực của các cá nhân, tổ chức thuê ruộng để sản xuất nông nghiệp. “Với tư duy đi trước, đón đầu và cách làm sáng tạo, hiệu quả, các chính sách về tích tụ, tập trung đất đai ở Thái Bình đã thực sự tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức lẫn hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tại Thái Bình”, đồng chí Trần Quốc Dương chia sẻ.
Trở lại câu chuyện tại huyện Vũ Thư, để có diện tích lên tới gần 100ha cho doanh nghiệp thuê đó là nhờ cách chính quyền vận động người dân, ủy quyền cho chính quyền địa phương ký hợp đồng với doanh nghiệp thuê đất để đầu tư, sản xuất nông nghiệp. Bằng cơ chế này, người dân yên tâm giao đất, còn địa phương sẵn sàng tiếp nhận các doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Theo đồng chí Lại Trường Sơn, Phó bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vũ Thư, phương thức tích tụ đất ở Vũ Thư có vai trò rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước. Có thực tế, người dân chưa tin tưởng doanh nghiệp, còn doanh nghiệp sợ người dân nay cho thuê nhưng mai có thể đòi lại đất. Do đó, phải thỏa thuận giữa hai bên để tạo ra quy định chung, tạo ra cam kết giữa người dân và doanh nghiệp. Nhờ có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền từ huyện tới các chi bộ thôn, nhiều người dân ở Vũ Thư yên tâm giao đất cho doanh nghiệp với cơ chế chi trả rõ ràng, minh bạch, có sự giám sát, theo dõi của chính quyền địa phương. “Với một số trường hợp không đồng tình cho doanh nghiệp thuê đất, để tránh “xôi đỗ”, huyện Vũ Thư đã vận động người dân đổi ruộng ra vị trí khác, có chất lượng tương đương hoặc cao hơn”, đồng chí Lại Trường Sơn chia sẻ.
Còn với những cá nhân đứng ra thuê ruộng để sản xuất nông nghiệp, quá trình tích tụ ruộng đất cho thấy nhiều đóng góp của chính quyền cơ sở và vai trò của trưởng thôn. Theo anh Nguyễn Văn Kiên, thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, năm 2017, anh bắt đầu vận động bà con cho thuê lại ruộng đất. Tới nay, sau 7 năm, anh đã thuê được 35ha của hơn 200 hộ dân, với thời hạn hợp đồng 5-10 năm. Anh Kiên bộc bạch: Để có sự đồng thuận của từng này hộ dân, chính quyền xã đã thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, các chính sách hỗ trợ thúc đẩy việc tích tụ đất đai. Đồng thời, anh đã cùng trưởng thôn, đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phong đi từng ngõ, gõ từng nhà để trình bày về nguyện vọng cũng như cam kết thuê để phát triển kinh tế nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt. Hiện nay, anh thuê đất của bà con với mức 40kg thóc/sào/năm. Gấp rút làm các thủ tục để nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 08, giống như nhiều chủ đại điền khác, anh Kiên hào hứng cho biết: Tùy từng thời điểm, tỉnh Thái Bình có chính sách hỗ trợ phù hợp thực tế sản xuất nông nghiệp. Đầu tiên, gia đình anh được tỉnh hỗ trợ 89 triệu đồng mua máy làm đất, tiếp đó là 40 triệu đồng mua máy cấy; hỗ trợ 90 triệu đồng để thực hiện quá trình liên kết sản xuất... Nay, tỉnh có những chính sách hỗ trợ toàn diện hơn đối với cả người nông dân cho thuê, mượn đất trong mọi công đoạn sản xuất. Điều này giúp các chủ đại điền thêm yên tâm gắn bó, làm giàu từ nông nghiệp.
Đánh giá Nghị quyết 08 là cú huých tiếp thêm nguồn lực cho những người nông dân dám nghĩ lớn, dám làm lớn trên “quê hương 5 tấn”, đồng chí Nguyễn Tống Thìn, Phó chủ tịch UBND huyện Vũ Thư chia sẻ: Với chủ trương này Vũ Thư tiếp tục tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các hộ gia đình không có điều kiện để sản xuất thì sẽ cho mượn hoặc chuyển nhượng các phần diện tích vùng đó để tạo điều kiện cho các hộ có thể tích tụ ruộng đất; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người tham gia tích tụ, tập trung đất nông nghiệp nhanh chóng được hưởng thụ các chính sách mới.
Thái Bình có đầy đủ điều kiện để phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp hàng hóa. Nhất là khi, tích tụ, tập trung đất đai đang giúp Thái Bình hình thành những cánh đồng mẫu lớn, cho phép người làm nông nghiệp có cơ hội nghĩ lớn, làm lớn. Tuy nhiên, mô hình đại điền không chỉ có thuận lợi, mà còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
(còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.