Tiền Giang: Triển khai 4 dự án giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết, trong năm 2023, địa phương đầu tư trên 795,5 tỷ đồng, triển khai 4 dự án giao thông trọng điểm nhằm kết nối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm trong tỉnh như vùng kinh tế - đô thị phía Đông, vùng trung tâm và vùng kinh tế - đô thị phía Tây.
Đó là Dự án nâng cấp và mở rộng Đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến ranh tỉnh Long An tổng chiều dài trên 12.000m; Dự án cầu Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông) quy mô chiều dài gần 360m bắc qua sông Cửa Trung nối cồn Bà (xã Tân Thạnh) với cù lao Lợi Quan (huyện Tân Phú Đông); Dự án đường giao thông phục vụ phát triển Khu công nghiệp phía Đông tổng chiều dài trên 6.000m; Dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh 861, đường tỉnh 863, đường tỉnh 869 kết nối vùng kinh tế - đô thị phía Tây và Tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp.
Cầu Mỹ Thuận 2 đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành trong năm 2023. Ảnh: tiengiang.gov.vn |
Nhờ các địa phương có liên quan như thành phố Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây… tập trung triển khai giải phóng mặt bằng dự án, sớm bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư nên các dự án đảm bảo tiến độ thi công công trình theo kế hoạch được duyệt nhằm sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả trong sản xuất và đời sống.
Tính đến đầu tháng 9-2023, Dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến ranh tỉnh Long An đã thi công đạt trên 96% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023; Dự án cầu Tân Thạnh đã thi công được khoảng 5 tháng, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 4-2024; Dự án đường giao thông phục vụ phát triển Khu công nghiệp phía Đông dự kiến hoàn thành trong năm 2024 và Dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh 861, đường tỉnh 863, đường tỉnh 869 kết nối vùng kinh tế - đô thị phía Tây và tiểu vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết, các dự án trên khi hoàn thành sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy giao thương và vận chuyển hàng hóa các vùng kinh tế - đô thị trọng điểm trong tỉnh và liên tỉnh khu vực Bắc Sông Tiền.
Đặc biệt, các dự án trên cũng sẽ kết nối 3 vùng kinh tế - đô thị trong tỉnh mà cụ thể là kết nối thành phố Mỹ Tho - đô thị trung tâm tỉnh với các huyện, thị phía Đông như: Huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phú Đông và thị xã Gò Công; với các huyện, thị phía Tây như huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, huyện Tân Phước và thị xã Cai Lậy.
Ngoài ra, còn giúp liên kết giữa tỉnh Tiền Giang với các tỉnh khu vực sông Tiền và vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua kết nối với Quốc lộ 30 để đi các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, kết nối với Quốc lộ 1, Quốc lộ 60 để đi các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và thành phố Cần Thơ… Từ đó, tháo gỡ những điểm “nghẽn” về giao thông để giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa, tạo động lực cho các địa phương phát huy tốt các tiềm năng kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon cũng cho biết, trong ba năm qua (2020-2023), địa phương đã đầu tư khoảng 1.788 tỷ đồng phát triển và kiện toàn mạng lưới giao thông trên địa bàn. Nhiều công trình đã đưa vào khai thác đúng tiến độ, đang phát huy hiệu quả trong sản xuất và đời sống như cầu Vàm Cái Thia, Đường tỉnh 874, Đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50, Đường tỉnh 877B đoạn từ xã Bình Ninh (Chợ Gạo) đến phà Tân Long…
Tiền Giang đang kỳ vọng với việc tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ kết nối các vùng trong tỉnh và liên tỉnh, liên khu vực sẽ giúp giao thương thuận lợi, dễ dàng. Qua đó, tạo đột phá để tỉnh phát huy tốt các tiềm năng kinh tế, thương mại - dịch vụ, chuyển đổi sản xuất nhằm phát triển vững chắc.
TTXVN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.